Đại biểu Quốc hội đánh giá về phiên chất vấn đặc biệt giữa nhiệm kỳ

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày (từ ngày 6 - 8/11) để tiến hành phiên phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu đã chia sẻ về những kỳ vọng ở phiên chất vấn này với báo chí.

Chú thích ảnh
Đại biểu Đặng Bích Ngọc. 

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình:  

Kỳ vọng vào trách nhiệm của các vị trưởng ngành trong thực hiện lời hứa

Quốc hội sẽ thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn 2,5 ngày (từ 6 - 8/11). Tại kỳ họp này, thực hiện việc đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động chất vấn với mong muốn các Nghị quyết của QH phải thật sự đi vào cuộc sống, giải quyết căn cơ những vướng mắc từ cơ sở trong thời gian qua.

Với phương châm chủ động, nỗ lực từ sớm từ xa trong phối hợp với Chính phủ để đưa đất nước vượt qua khó khăn, đặc biệt chưa bao giờ đất nước ta, các nước trong khu vực và thế giới lại trải qua đại dịch COVID-19 chưa từng có trong lịch sử. Song với sự quyết tâm, chủ động vận dụng linh hoạt và đổi mới trong cách làm, Quốc hội đã ban hành rất nhiều Nghị quyết phù hợp với tình hình, đặt tiền đề và giải quyết những vấn đề chưa từng có trong tiền lệ.

Các Nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Nội dung chất vấn liên quan đến 10 Nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn, trả lời chất vấn của Quốc hội trong nhiệm kỳ khoá XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.

Chính vì vậy, tại kỳ họp này, nội dung phạm vi chất vấn rất rộng, liên quan đến nhiều mảng, lĩnh vực, không tập trung theo nhóm mà các nội dung tương đối đa dạng. Các vấn đề được Quốc hội đưa ra chất vấn gồm: Nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp, nhóm lĩnh vực kinh tế ngành, nhóm lĩnh vực văn hoá - xã hội và nhóm lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tư pháp… Đây là cách làm mới của Quốc hội.

Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn luôn được đông đảo cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Với mục tiêu chất vấn để khẳng định những nội dung đã làm được, chỉ ra những điều chưa làm được, bài học kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp tốt nhất để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ, để nghị quyết khi ban hành phải phát huy hiệu quả, tạo bước đột phá. Tôi rất kỳ vọng vào sự trách nhiệm của các vị trưởng ngành trong thực hiện “lời hứa”.

Việc Quốc hội thực hiện giám sát lại các Nghị quyết giám sát, chất vấn lần này thể hiện quyết tâm của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng những việc làm, lời hứa của Chính phủ, các vị trưởng ngành trên các mặt, lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tôi nhận thấy, Chính phủ và các bộ ngành đã nỗ lực, chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung, sẵn sàng cho 2,5 ngày chất vấn. Mong rằng các vị Đại biểu Quốc hội trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm sẽ có nhiều câu hỏi sâu sắc, xây dựng để trao đổi, chất vấn Chính phủ và các vị Bộ trưởng.

2,5 ngày với nội dung nhiều, đa dạng ở mọi lĩnh vực sẽ là những buổi chất vấn sôi nổi, thể hiện tinh thần trách nhiệm của cả đại biểu Quốc hội với Chính phủ và các bộ ngành. Mong rằng, các giải pháp cũng như lời hứa của các vị trưởng ngành sẽ sớm đi vào cuộc sống, nhằm giải quyết căn cơ những vướng mắc, khó khăn từ cơ sở. Qua đó, là động lực để kinh tế - xã hội phát triển, cũng là tạo điều kiện tiên quyết để Việt Nam thực hiện tốt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng.  

Video Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương trả lời:

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương:
Tác động tích cực của chất vấn giữa nhiệm kỳ

Ở những chất vấn của các kỳ chất vấn trước, Quốc hội lựa chọn các lĩnh vực chất vấn, và trong các lĩnh vực này sẽ có các thành viên Chính phủ chủ trì còn các thành viên Chính phủ khác chỉ giải trình làm rõ thêm ý kiến của đại biểu. Còn chất vấn giữa nhiệm kỳ là chất vấn tất cả các thành viên của Chính phủ.  

Thời gian qua, cử tri rất hài lòng với nội dung mà Quốc hội đã lựa chọn chất vấn, giám sát chuyên để đều là những vấn đề nóng, vấn đề nổi lên, có tầm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội. Đây cũng vấn đề lớn. Việc tổ chức chất vấn những vấn đề lớn tại một phiên họp giữa nhiệm kỳ thì chắc chắn sẽ gây áp lực cho các thành viên Chính phủ vì là trả lời cho tất cả các vấn đề chứ không phải riêng một vấn đề nào.  

Khi thành viên Chính phủ trả lời phải căn cứ vào thực tế đã tổ chức triển khai vừa qua. Đồng thời, chất vấn giữa nhiệm kỳ cũng là một dịp đánh giá năng lực, khả năng điều hành của Chính phủ. Tại phiên chất vấn này, ĐBQH chất vấn các thành viên của Chính phủ những gì đã làm được, những gì chưa làm được, từ đó các thành viên Chính phủ sẽ có nhìn nhận nghiêm túc quá trình triển khai vừa qua để tổ chức triển khai thực hiện yêu cầu trong thời gian tới từ nay đến cuối nhiệm kỳ, đặc biệt là kế hoạch thực hiện 5 năm. Đây cũng là vấn đề mấu chốt vì 1 nhiệm kỳ chỉ chất vấn một lần giữa nhiệm kỳ nhưng cách làm của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội vừa qua rất hiệu quả, chứng minh sự đồng hành của Quốc hội và Chính phủ tháo gỡ những khó khăn trong thực thi pháp luật. Mục tiêu của hoạt động giám sát của Quốc hội là phải theo đến cùng.

Việc tổ chức giám sát này không chỉ chờ đến giữa nhiệm kỳ mới giám sát lại việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội mà theo tinh thần nhiệm kỳ khoá XV, các cơ quan của Quốc hội phải tổ chức giám sát theo chức năng nhiệm vụ, lĩnh vực của mình thường xuyên hàng năm để làm sao có giải pháp kịp thời chứ không chỉ chờ đến giữa nhiệm kỳ mới tổ chức nhìn lại. Tất cả các nội dung này đều được Đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến tại phiên thảo luận ở các kỳ họp và thảo luận này sẽ giúp cho các thành viên Chính phủ nhìn nhận lại một cách nhanh nhất, kịp thời nhất tránh tình trạng bị động.  

Thời gian qua, ngoài tổ chức giám sát như vậy thì các Uỷ ban cũng tổ chức các phiên giải trình riêng về nội dung đã được Quốc hội thông qua. Vai trò của các cơ quan Quốc hội như vậy sẽ giúp Quốc hội có giám sát tốt nhất về những vấn đề mà các thành viên Chính phủ đã hứa đã cam kết. Với cách làm như vậy thì những vấn đề được cử tri quan tâm được truyền tải lên Đại biểu Quốc hội và các Đại biểu quốc hội giám sát lại các thành viên của Chính phủ. Mục tiêu cuối cùng là để các yêu cầu đó được thực thi tốt nhất, mang lại hiệu quả tốt nhất cho nền kinh tế - xã hội và giúp người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.    

Chú thích ảnh

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Kỳ chất vấn có nhiều đổi mới 

Phiên chất vấn tại Kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV có nhiều đổi mới và đặc biệt hơn so với các phiên chất vấn thông thường.

Về thời điểm chất vấn: Kỳ họp 6 là kỳ họp bản lề, khép lại nửa nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và cũng là nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đây là thời điểm chúng ta nhìn nhận lại để đánh giá những kết quả đã nỗ lực đạt được trong nửa nhiệm kỳ, những tồn tại, hạn chế, yếu kém và phân tích nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém đó; trên cơ sở đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ và những giải pháp cụ thể để tiếp tục nỗ lực hơn nữa thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra. 

Về nội dung chất vấn: Với sự đặc biệt trong thời điểm tiến hành hoạt động chất vấn, nội dung chất vấn cũng có nhiều đặc biệt. Ở các kỳ họp khác, những nội dung chất vấn thuộc các nhóm vấn đề sẽ được đưa ra xin ý kiến các ĐBQH và các ĐBQH sẽ lựa chọn nội dung chất vấn trên cơ sở các nhóm vấn đề đó (thường là 4 nhóm vấn đề có số ĐBQH lựa chọn nhiều nhất sẽ được đưa vào chương trình chất vấn). Tuy nhiên, tại Kỳ họp 6, không có nhóm vấn đề nào được đưa vào lựa chọn mà tất cả các thành viên của Chính phủ đều là đối tượng chất vấn.

Nội dung chất vấn là “việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khoá XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khoá XV đến hết Kỳ họp 4”. Nội hàm của phiên chất vấn rất rộng, bao gồm tất cả các nội dung liên quan đến thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ khoá XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV hết Kỳ họp 4 khoá XV.

Về hình thức chất vấn: Hình thức chất vấn tại Kỳ họp 6 cũng khá đặc biệt. Bởi nội dung rất bao trùm nên mỗi phiên chất vấn sẽ có một số thành viên Chính phủ luân phiên trả lời theo các câu hỏi chất vấn của ĐBQH chứ không bố trí mỗi buổi một thành viên của Chính phủ trả lời như những phiên chất vấn thông thường, nghĩa là theo hình thức “hỏi nhanh đáp gọn”, tập trung vào những nội dung trọng điểm nhất xoay quanh việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về tất cả các lĩnh vực, trong đó chia theo 4 nhóm lĩnh vực.  

Video Đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương chia sẻ: 

Đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương:
Mong các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời được hết các câu hỏi

Phiên chất vấn được đưa ra theo các nhóm lĩnh vực. Các Bộ trưởng, trưởng ngành phải nắm được lĩnh vực điều hành để có thể trả lời được các ý kiến của đại biểu nêu lên. Điều này rất có ý nghĩa khi Bộ trưởng, trưởng ngành đứng trước đại biểu, nhân dân để nói về những điều đã thực hiện.

Trang Vân/Báo Tin tức
Tuần làm việc thứ 3, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn
Tuần làm việc thứ 3, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn

Tuần làm việc thứ 3 (từ ngày 6 - 10/11) của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra nhiều nội dung liên quan đến công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN