Đại biểu của dân không thể nói ‘tôi không biết, tôi không hiểu’

Nhiều vấn đề cử tri cả nước quan tâm đã được PGS.TS Bùi Thị An (đại biểu Quốc hội khóa 13, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) phát biểu thẳng thắn, không ngại “va chạm” trên diễn đàn Quốc hội khóa 13.

Nhà khoa học trở thành đại biểu của dân

Năm 1968, sau khi tốt nghiệp Khoa Hóa, trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), bà Bùi Thị An về công tác ở Viện Kỹ thuật Nhiệt đới thuộc Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), sau này trở thành Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nhiệt đới (từ 1993-1999).

Những năm 60 của thế kỷ hai mươi, khi công nghệ còn chưa phát triển (trong đó có công nghệ sản xuất thép), chưa hiện đại như bây giờ. Việc tìm ra các lớp phủ bảo vệ (sơn bảo vệ) để chống ăn mòn  như bảo vệ các cấu kiện kim loại như cột điện, cầu tàu, vỏ tầu… để kéo dài tuổi thọ của chúng ở điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm Việt Nam đặc biệt ở các tỉnh vùng biển, ven biển là vô cùng quan trọng, cấp thiết. Vì thế, PGS.TS Bùi Thị An đã nghiên cứu sâu về hóa học môi trường, ở điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm Việt Nam, từ đó tìm ra những thiết bị, vật liệu thích hợp với điều kiện khí hậu này. Đây là hướng đi chính xuyên suốt trong cuộc đời làm khoa học của bà.

PGS.TS Bùi Thị An

Năm 2002, PGS.TS Bùi Thị An nghỉ hưu và được sang làm việc tại Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), đảm nhận vị trí cao nhất. Năm 2004, bà được bầu làm Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội, cùng lúc đó được giới thiệu ứng cử Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và trúng cử. 

“Từ những ngày đầu trở thành đại biểu của dân, tôi đã xác định, được dân tín nhiệm thì phải làm hết sức mình để thực sự là người đại diện của dân, đại diện cho tiếng nói chính đáng của dân. Phải chọn lọc vấn đề nào dân bức xúc nhất, dân cần nhất, rồi mình làm cầu nối đưa tiếng nói của dân ra trước Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội”, PSG.TS Bùi Thị An nhớ lại. 

Trong suốt 7 năm là đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội (2004-2011), nhiều vấn đề nóng của cử tri phản ánh như ô nhiễm tại các khu dân cư, các  khu phố, các làng nghề, ô nhiễm hồ,… và qua đi thực tế, giám sát, nhận thấy phản ánh của dân đúng thực tế, bà đã thẳng thắn kiến nghị lên từng cấp lãnh đạo từ phường, quận, thành phố để giải quyết đến cùng. 

“Các đồng chí lãnh đạo Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội rất khuyến khích đại biểu là cán bộ khoa học như tôi phát biểu trung thực, có cơ sở khoa học, có lý lẽ. Tôi nhận thấy các đồng chí đã lắng nghe và giải quyết những vấn đề người dân quan tâm. Những kiến nghị của dân thông qua mình mà được chấp nhận thì đó là niềm vui rất lớn của mình”, PGS.TS Bùi Thị An nói.

Hứa là phải làm đến cùng

Chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 13, PGS.TS Bùi Thị An được thành phố Hà Nội giới thiệu và trúng cử. “Là đại biểu Quốc hội, không chỉ đại diện cho cử tri của Hà Nội nữa mà là đại diện cử tri cho cả nước, nên phải dành thời gian nhiều hơn, tìm hiểu nguyện vọng của cử tri đa vùng, tìm hiểu về luật. Đại biểu của dân không được phép nói “tôi không biết, tôi không hiểu”, đã hứa là phải làm đến cùng”. 

Trong các phiên họp, nhất là những phiên chất vấn, việc lựa chọn chính xác các vấn đề bức xúc của dân để kiến nghị là rất quan trọng. Trong những kỳ Quốc hội khóa 13, cử tri và đại biểu đều nhận thấy PGS.TS Bùi Thị An có tiếng nói khách quan, công bằng: 

“Có lần, tôi chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải về “chất lượng công trình thế nào, có hiện tượng bán thầu hay không, có rơi rụng tiền tiền giữa đường hay không”, việc này sau đó cứ khi gặp tôi là các đồng chí ấy đều nhắc lại với thái độ vui vẻ, vì tôi hỏi đúng vấn đề mà các đồng chí quan tâm, tuy mới nghe thì cũng không êm tai chút nào. Có những đồng chí Bộ trưởng ban đầu không thích tôi lắm nhưng dần dần hiểu nhau đã trở nên thân thiết vì biết tôi nói vấn đề gì ra đều là vì mục đích chung.Và cứ trước mỗi phiên chất vấn có đồng chí Bộ trưởng lại gọi điện hỏi có vấn đề gì không ?.... Điều này là sự động viên rất lớn với tôi. 

Đất nước mình còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc miền núi, vùng xa. Vì thế, trên nghị trường tôi luôn có quan điểm là phải đặc biệt ưu tiên từ cơ chế chính sách, thông qua những công việc cụ thể như tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng. Giao thông phải đi trước một bước, sau đó là giáo dục y tế cho đồng bào. Về việc thực hiện xã hội hóa ngành điện thì không thể thực hiện được ở vùng sâu vùng xa vì đồng bào quá nghèo mà Nhà nước phải lo. Hay vấn đề về lâm nghiệp, tôi nói làm sao phải để đồng bào miền núi có thể sống được bằng rừng, đi lên bằng rừng, phải có cơ chế chính sách cho dân nhất là dân tái định cư vùng làm thủy điện…

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, khi Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội đã được thông qua, chưa có hiệu lực đã gặp phải y kiến trái chiều. Khi nghĩ lại, mới thấy mình  cũng có lỗi vì chưa nhìn thấy những góc khuất của đời sống thực tế mà đã bấm nút thông qua luật, cho nên tôi cùng một số đại biểu kiên trì thuyết phục và rất may là Chính phủ cũng như Thường vụ Quốc hội đã nghe và sửa điều luật này cho phù hợp”. 

Trong thời gian là đại biểu Quốc hội, PGS.TS Bùi Thị An tiếp nhận khoảng 2.000 đơn thư của cử tri ở khắp đất nước, chủ yếu đơn thư khiếu nại về đất đai, có những đơn thư về chính sách xã hội. 

“Có thể tôi không xử lý đến cùng được hết, vì có những  đơn thư gửi đi nhưng không được phản hồi hoặc phản hồi hình thức, mặc dù tôi có ý thức theo đến cùng, như gọi  điện lại hỏi đã đến tay đồng chí chưa hay đọng ở chỗ nào? 

Với tôi, bất cứ cuộc điện thoại nào dù số lạ số quen gọi nhỡ mình đều phải gọi lại hết vì sợ có cử tri nào đang cần đến mình thì sao. Nhiều đơn thư tôi gửi đến đồng chí các Bộ, Tòa án nhân dân tối cao…thì nhiều đồng chí Bộ trưởng đã chỉ đạo là phải trả lời nghiêm túc (như Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo).  Khi gửi rồi, tôi còn gọi lại hỏi xem đã giao cho ai xử lý để tôi liên hệ tiếp.

Riêng với các vụ việc liên quan đến chính sách cho người có công, tôi liên hệ rất chặt chẽ với đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền (Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lúc đó). Tôi còn nhớ mãi một việc. Năm 2012, tôi nhận được đơn nhờ giúp đỡ giải quyết trường hợp hai cụ Hoàng Văn Bầu và Đặng Văn Viên là du kích xã Vũ Phúc, TP Thái Bình, đã hy sinh năm 1951 nhưng chưa được công nhận liệt sĩ. Gia đình họ đã kêu cứu nhiều nơi, trong nhiều năm (từ năm 1997) nhưng chưa được giải quyết. Theo quy định, căn cứ để công nhận là người hy sinh đã được an táng trong nghĩa trang liệt sĩ và cần có giấy tờ ghi nhận đã hy sinh trong chiến đấu. Nhưng thời điểm đó chưa có nghĩa trang liệt sĩ, người có thể xác nhận cho hai cụ đã từng tham gia chiến đấu thì cũng đã mất. 

Tôi xem đi xem lại hồ sơ, nghĩ cách xem làm thế nào. Tôi gọi điện thoại cho chị Hải Chuyền nhờ chị giúp xem việc này ra sao, rồi gọi điện cho đồng Phạm Xuân Thường (nay là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thái Bình), rồi cầu cứu đồng chí Đỗ Văn Vẻ (nguyên đại biểu đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình). “Huy động” tổng lực như thế, sau gần bốn năm thì có kết quả. Quyết định công nhận liệt sĩ cho hai cụ khi ấy do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (hiện nay là Thủ tướng Chính phủ) ký ngày 20/7/2015. 

Điều tôi mừng hơn cả là vợ cụ Bầu trước đó đang ốm rất nặng phải đi cấp cứu, nhưng khi nhận được tin chồng mình được công nhận liệt sĩ thì đã khỏe lại bình thường , giờ đã ngoài 90 tuổi”. 

Năm nay, PGS.TS Bùi Thị An đã 74 tuổi nhưng vẫn làm mải miết với công việc. Cùng lúc đảm nhận nhiều trọng trách: Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, Chủ tịch Hội nữ trí thức Hà Nội, Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội,… nhưng PGS.TS Bùi Thị An vẫn đeo đuổi công việc gắn liền với bộ môn khoa học chính của mình-nghiên cứu các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, đến  môi trường (xử lý nước thải, rác thải), thực hiện giám sát đánh giá tác động môi trường của các dự án, công trình  xây dựng, giao thông, thủy lợi ảnh hưởng đến môi trường như thế nào trong đó có lồng ghép giới. Một năm đi giám sát khoảng ba, bốn chuyến, mỗi chuyến kéo dài gần chục ngày. 
 
Bài và ảnh: Xuân Phong
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN