Đa dạng nguồn lực cho chính sách tiền lương

Cơ chế tạo nguồn lực tài chính cho cải cách hệ thống tiền lương chưa thay đổi nhiều được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chính sách tiền lương chưa theo kịp sự phát triển kinh tế, xã hội hiện nay.

Điều chỉnh chưa theo kịp

Theo Đề án Cải cách tiền lương giai đoạn 2008 - 2012, trong 4 năm qua, Việt Nam đã điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu từ 450.000 đồng/tháng lên 540.000 đồng/tháng (1/2008); lên 830.000 đồng/tháng (từ 1/1/2011) và từ 1/5/2012, mức lương tối thiểu đối với cán bộ, công chức, viên chức sẽ được điều chỉnh lên 1.050.000 đồng/tháng. Tính chung, giai đoạn 2008-2011, mức lương tối thiểu đã tăng 84,4%, nếu tính thêm thay đổi trong năm 2012 thì mức tăng lương đã là 133,3%. Trong khi đó, mức lương tối thiểu tính theo phương pháp nhu cầu tối thiểu năm 2011 mà chưa bao gồm tiền nhà là 1.410.000 đồng/người/tháng chỉ đáp ứng 58,87%. Mặt khác, mức tăng chỉ số giá giai đoạn 2008 - 2011 và đến 2012 lần lượt là 69,8% và 85,2%.

Mặt hàng sữa liên tục tăng giá khiến nhiều người hưởng lương băn khoăn lựa chọn sản phẩm cho phù hợp với thu nhập của mình.
Ảnh: Lê Phú


Có thể cho rằng, mức lương bình quân của khu vực hành chính nhà nước năm 2011 ước đạt 4,02 triệu đồng/tháng và 3,13 triệu đồng/tháng đối với khu vực sự nghiệp công… không phải là quá thấp. Song nếu tính theo mức sống ở nhiều khu vực hiện nay thì mức thu nhập này chưa đáp ứng nhu cầu.

Vậy nguyên nhân do đâu mà dù quỹ lương từ ngân sách nhà nước (NSNN) liên tục tăng cao qua từng năm, từ mức 6,7% GDP năm 2000 lên khoảng 9,6% GDP năm 2011 song lương vẫn bị cho là “chưa đủ sống”?

TS Lê Hải Mơ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - Bộ Tài Chính, cho rằng lương không đủ sống, ngoài lý do hạn chế nguồn lực tài chính, thì việc sử dụng và phân bổ nguồn chưa hợp lý là vấn đề cốt lõi. Theo đó, một trong những bất hợp lý là quỹ lương có hạn nhưng đối tượng thụ hưởng lương từ nguồn NSNN lại quá rộng lớn, bộ máy của hệ thống chính trị liên tục "phình" ra theo thời gian. Bên cạnh đó, cách thức trả lương chưa đúng tính chất, nội dung và đối tượng; hệ thống ưu đãi, phụ cấp, trợ cấp trong lĩnh vực lương quá rộng và dàn trải…Vì vậy, dù tăng quy mô chi cho tiền lương nhưng do sự phân tán nên không tạo được sự chuyển biến căn bản.

Về vấn đề này, ông Đặng Như Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, cơ chế tạo nguồn để thực hiện Đề án Cải cách tiền lương và quản lý tiền lương đã đề ra cách đây 20 năm cho đến nay không thay đổi và không tạo được chuyển biến lớn. TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội nhận định, nếu không cải cách để lương cán bộ, công chức viên chức đủ sống thì đó sẽ là một tai họa phá hỏng nền công vụ và gây ra nhiều khó khăn, phức tạp khác.

Đa dạng hóa nguồn lực cho chi trả lương

Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội giai đoạn 2012-2020 đang được xây dựng với mục tiêu rất lớn là tạo cho được mức lương đủ động lực, đủ mạnh để người hưởng lương phát huy tài năng và cống hiến, gắn bó với Nhà nước. Nhưng trước hết, để làm được điều này, theo TS Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, giống như nền kinh tế, đã đến lúc chúng ta phải tái cấu trúc lại hệ thống đầu vào, nguồn lực tài chính cho tiền lương.

Tuy nhiên, để cải cách tiền lương trước hết phải có nguồn thu. Bởi nếu tiếp tục tăng lương tối thiểu theo cách làm và hiện trạng cán bộ, công chức hiện nay thì ngân sách không thể chịu nổi và có tăng nguồn mà không đổi mới căn bản quan điểm về tiền lương, cải cách hệ thống lương, đối tượng hưởng lương thì cũng không thể giải quyết được vấn đề mà còn để lại gánh nặng và hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế. Vì vậy, phải thông qua cải cách phương thức phân phối, sử dụng nguồn lực tài chính và cơ cấu lại chi NSNN, nếu không tạo được nguồn lực vững chắc thì nguy cơ thất bại là không nhỏ.

Đề xuất hướng đi trong cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn tới, TS Lê Hải Mơ cho biết, hiện có 3 hướng chủ yếu tạo nguồn cho cải cách tiền lương. Cụ thể, tăng nguồn từ điều chỉnh NSNN, giảm mạnh áp lực trực tiếp như cắt giảm chi đối tượng về bản chất không thuộc diện hưởng lương NSNN, cắt giảm biên chế những đối tượng công chức năng lực yếu kém. Bên cạnh đó, là tăng nguồn thu cho NSNN bằng cách thu toàn bộ lợi tức cổ phần thuộc sở hữu nhà nước hay các nguồn lực tiềm tàng khác đang buông lỏng, như nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất, nhà cửa mà cơ quan nhà nước đang cho thuê… vào NSNN.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nguồn lực luôn có hạn nên cải cách phải có lộ trình và xác định thứ tự ưu tiên, không thể dàn đều trên mọi lĩnh vực. Cần thay đổi căn bản phương thức trả lương. Nếu chỉ thuần túy đi theo lộ trình cải cách tiền lương là cứ tăng lương tối thiểu thì 10 năm tới sẽ lại bàn việc cải cách tiền lương. Bên cạnh đó, cần phải cơ cấu lại NSNN và để dành ngân sách xứng đáng nuôi bộ máy nhà nước chứ không dành tiền đó đầu tư phát triển quá lớn. Đối với khu vực hành chính, sự nghiệp, việc chuyển sang cơ chế tự chủ vốn được xem là mấu chốt của giải pháp đa dạng hóa nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương. Thực tế, thực hiện cơ chế tự chủ tài chính thời gian qua đã cho thấy những lĩnh vực có khả năng tự chủ nguồn lực trả lương nhìn chung đều đã chuyển sang thực hiện theo cơ chế mới.

Quang Toàn

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN