Cuộc nghi binh lừa địch hoàn hảo trong Chiến dịch Tây Nguyên

Đánh chiếm Buôn Ma Thuột là trận đánh có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Đại thắng mùa xuân năm 1975. Điểm nổi bật nhất trong nghệ thuật tác chiến ở chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 là việc lên kế hoạch nghi binh lừa địch, sau đó bất ngờ tấn công và giành chiến thắng.

Người chắp bút viết bản kế hoạch nghi binh hoàn hảo này là Trung tướng – Anh hùng lực lượng vũ trang Khuất Duy Tiến, nguyên Trưởng phòng Tác chiến mặt trận Tây Nguyên.

Trung tướng Khuất Duy Tiến.

Kế hoạch nghi binh hoàn hảo

Trung tướng Khuất Duy Tiến kể, mùa xuân 1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch chiến lược chính trên chiến trường Tây Nguyên. Chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương là đánh địch ở nam Tây Nguyên, giải phóng Buôn Ma Thuột, đánh vào tỉnh lỵ Phú Bổn (Cheo Reo) và phát triển xuống đồng bằng khu 5.


Khi đó, Tư lệnh chiến dịch đã xác định, để cô lập và đánh chiếm Buôn Ma Thuột nhanh nhất, cần phải lên kế hoạch nghi binh để lừa địch. “Tư lệnh Vũ Lăng đã giao tôi, khi đó là Trưởng phòng Tác chiến phụ trách việc xây dựng kế hoạch nghi binh, rồi trình lên. Sau khi kế hoạch được thông qua, Tư lệnh cử một nhóm điều khiển thực hiện kế hoạch một cách cẩn thận, chu đáo”.


Trung tướng Khuất Duy Tiến kể, khi đó, ở Tây Nguyên ta có 2 sư đoàn, Sư đoàn bộ binh 10 bám ở Kon Tum, Sư đoàn 320 hoạt động ở phía Nam Pleiku. Địch nhận định ta sẽ đánh vào Kon Tum và Pleiku (phía Bắc Tây Nguyên), chứ không đánh xuống phía nam, vì để đánh được Đắk Lắk, ta phải đi mất khoảng 300 km đường rừng, nhiều sông suối, nên việc hành quân, rồi đưa xe tăng, pháo vào sẽ rất khó khăn. Chúng tôi tương kế tựu kế theo nhận định của địch, lên kế hoạch nghi binh đánh lừa, cho địch lầm tưởng ta chuẩn bị đánh Kon Tum, Gia Lai, nhưng thực tế là ta lại điều quân đi xuống phía Nam Tây Nguyên, chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột.


Bản thảo kế hoạch nghi binh được Trung tướng Khuất Duy Tiến lưu giữ cẩn thận suốt gần 40 năm. Đầu năm 2009, hưởng ứng cuộc vận động “Sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến”, ông đã đem kỷ vật ấy tặng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Kế hoạch nghi binh được thực hiện cẩn thận, tỉ mỉ. Khi đó, các sư đoàn đều có máy thông tin (máy truyền tin) loại 15 watt để chỉ huy xuống các trung đoàn và liên lạc với Bộ Tư lệnh chiến dịch. Khi ta quyết định điều Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 hành quân từ Kon Tum và Pleiku đến Đắk Lắk, Buôn Ma Thuột, thì để máy truyền tin lại, cử báo vụ ở đó, hàng ngày vẫn phát tin bình thường.


Máy của những binh chủng quan trọng cũng để lại, đường dây thông tin hữu tuyến cũng để lại, để khi địch đi do thám vẫn nhìn thấy ta đang hoạt động bình thường. Mặt khác, ta đưa tin vào trong nhân dân, những huyện gần căn cứ địch ở Kon Tum và Pleiku, để các địa phương chuẩn bị lực lượng, làm đường, kéo pháo, tải lương... để vào đánh Kon Tum và Pleiku...


Đối với vũ khí, xe tăng cơ động, xe kéo pháo, ta cũng để lại 1 - 2 cái, một số trung đội công binh chuẩn bị chất nổ, theo đúng thời gian kế hoạch, tổ chức đánh bộc phá, làm đường để kéo pháo vào... Khi đó, máy bay do thám của địch trên không, quân thám báo của địch thăm dò thấy vậy nên tin là ta sẽ đánh Kon Tum.


Đối với lực lượng hành quân xuống phía Nam, Bộ Tư lệnh quy định toàn bộ cuộc hành quân không được báo cáo bằng máy thông tin, đặc biệt là mạng thông tin trên không. Chỉ được dùng đường dây thông tin mặt đất, báo cáo kế hoạch và hành trình hành quân về Bộ Tư lệnh. Quá trình hành quân, phải đảm bảo ngụy trang kỹ lưỡng, ngày vào rừng, tối hành quân... đi đến đâu ngụy trang xóa dấu vết đến đó. Và như vậy, từ cuối tháng 10/1974, đến tháng 2/1975, hơn 4 vạn quân thuộc 3 Sư đoàn bộ binh, các binh chủng xe tăng thiết giáp, pháo cao xạ... đến nơi tập kết ở phía đông Buôn Ma Thuột mà địch không hề phát hiện. Đặc biệt là Sư đoàn 316, hành quân từ Nghệ An vào với 500 xe ô tô mà địch cũng không phát hiện. Đến khi ta tập kết lực lượng xuống 3 Sư đoàn: 320 phía bắc Buôn Ma Thuột, Sư đoàn 10 ở tây Buôn Ma Thuột chuẩn bị đánh Đức Lập, và Sư đoàn 316 tập kết ở khu vực Đăk Đao, địch vẫn không biết.


Song song thời điểm đó, để che mắt địch, ta điều Sư đoàn 968 ở Nam Lào hành quân sang để dùng đơn vị này nghi binh thay thế Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 vào Kon Tum làm lực lượng nghi binh và sẵn sàng chiến đấu.

Bản thảo kế hoạch nghi binh đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Cú lừa ngoạn mục

Giữa lúc kế hoạch đang thực hiện gấp rút, tập trung trinh sát, chuẩn bị đạn, gạo để chuẩn bị đầu tháng 3 nổ súng, sẵn sàng chiến đấu, thì kế hoạch có nguy cơ bị lộ. Ngày 18/2, đại tá tình báo Trịnh Tiêu của địch bắt được một đồng chí thông tin chuẩn bị đường dây, thu một cuốn sổ theo dõi lực lượng tác chiến của Sư đoàn 316, báo cho thiếu tướng Phạm Văn Phú, chỉ huy quân ngụy quyền Sài Gòn. Phạm Văn Phú báo lại cho tình báo Mỹ những thông tin trên.


Phía Mỹ tự tin vào phương tiện kỹ thuật của mình, nên khẳng định đó là tin vịt, không cần phải lo. Phạm Văn Phú tạm yên tâm, nhưng vẫn cử Trung đoàn 45 hành quân xuống Ya Leo, tìm Sư đoàn 320, đồng thời, lệnh cho lực lượng ở Đức Lập, Gia Nghĩa cho thám báo lùng sục tìm lực lượng Sư đoàn 10 và Sư đoàn 316, xem có đúng Việt cộng tập trung ở đó không. Nhận được tin này, Bộ Tư lệnh mặt trận họp khẩn cấp để xác minh thông tin, đồng thời tìm cách đánh lạc hướng quân địch. Bộ Tư lệnh mặt trận cũng lên kế hoạch chuẩn bị đánh địch theo 2 phương án: Đánh không phòng ngự và đánh có phòng ngự. Nhưng vẫn kiên trì và ưu tiên phương án, là tạo mọi điều kiện để đánh địch không có phòng ngự dự phòng đến phút cuối.


Cùng với những kế hoạch đó, Bộ Tư lệnh mặt trận thống nhất, đánh một bức điện để lừa địch. Bức điện do chính Trung tướng Khuất Duy Tiến thảo, có nội dung: Thông báo cho các đơn vị, địch đã bị ta lừa, chúng tin là ta sẽ tập trung đánh vào Buôn Ma Thuột (phía Nam Tây Nguyên). Nên các đơn vị chuẩn bị lực lượng thật tốt để sẵn sàng đánh vào phía Bắc Tây Nguyên khi có lệnh. Bức điện vừa được gửi đi, địch đã nhận được ngay, dù nghi hoặc không biết thông tin nào đúng, nhưng chúng vẫn tiếp tục cho lực lượng đi lùng sục ở Ya Leo và các khu vực khác. Bộ Tư lệnh mặt trận yêu cầu các sư đoàn bí mật lui về phía Tây, chỉ để lại một lực lượng trinh sát nhỏ theo dõi chiến trường. Không thể dùng điện đàm vì sợ lộ, nên Trưởng phòng tác chiến Khuất Duy Tiến trực tiếp đến tận nơi truyền lệnh để quân ta lui về.


Cùng thời gian đó, ở Kon Tum và Gia Lai, ta hạ lệnh truyền tin, chuẩn bị đi dân công, tải thương, tải đạn, kéo xe tăng... áp vào đánh địch. Sư đoàn 968 nhận lệnh kéo pháo đánh ngay đồn Thanh An, bắn pháo vào Pleiku. Từ mùng 1 - 3/3, ta đánh mạnh ở Gia Lai, Kon Tum, khiến địch tin rằng ta chuẩn bị đánh Bắc Tây Nguyên thật. Cũng trong thời gian đó, Trung đoàn 95 đánh và giải phóng đoạn đường 20 cây số trên đường 19 đi từ Quy Nhơn lên Pleiku.


Ngày mùng 4/3, Trung đoàn 25 đánh chiếm và cắt con đường 21 chạy qua Đắk Lắk xuống Khánh Hòa, Cam Ranh, diệt đoàn xe địch, bắt tù binh và cắt luôn đường chi viện của địch cho Đắk Lắk, Buôn Ma Thuột. Từ ngày 6 - 8/3, Sư đoàn 320 đánh và khóa chặt tuyến đường 14 từ Pleiku, Kon Tum đi Buôn Ma Thuột. Đến mùng 8, toàn bộ các tuyến đường tiếp viện đã bị chặn, địch không đưa được quân lên tiếp viện, ta “trói” được địch ở Buôn Ma Thuột để tấn công. Liên tiếp những ngày sau đó, các mũi tấn công của ta nhận lệnh theo kế hoạch đánh chiếm Đức Lập, Buôn Ma Thuột, lần lượt làm chủ các căn cứ của địch... và đến ngày 24/3, ta làm chủ hoàn toàn Tây Nguyên. Lúc này, kế hoạch nghi binh đã hoàn thành tốt đẹp.


Kế hoạch nghi binh trong Chiến dịch Tây Nguyên là “cuộc nghi binh hoàn hảo” trong kháng chiến chống Mỹ, chúng ta đã giữ được bí mật đến phút chót, khiến quân đội chính quyền Sài Gòn bất ngờ, không kịp trở tay. Việc ta đánh Buôn Ma Thuột là đòn điểm huyệt, làm rung động thế bố trí của toàn quân đội Sài Gòn ở Tây Nguyên. Bởi Nguyễn Văn Thiệu và tướng lĩnh ngụy quyền Sài Gòn đã phạm sai lầm lớn về chiến lược, đó là rút bỏ khỏi Tây Nguyên để lui về cố thủ giữ Sài Gòn và các tỉnh duyên hải miền Trung. Sai lầm này của Nguyễn Văn Thiệu đã dẫn đến sự sụp đổ của ngụy quyền Sài Gòn, đồng thời tạo ra thời cơ chiến lược rất lớn cho ta tiến vào Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng).


Phương Hà (Ghi theo lời kể của Trung tướng Khuất Duy Tiến)
Chiến dịch Tây Nguyên: Giải phóng Buôn Ma Thuột
Chiến dịch Tây Nguyên: Giải phóng Buôn Ma Thuột

Tại thị xã Buôn Ma Thuột, từ 2 giờ sáng, Trung đoàn 198 đặc công đã nổ súng tiến công sân bay thị xã, sân bay Hoà Bình, khu kho Mai Hắc Đế, mở màn cuộc tiến công Buôn Ma Thuột.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN