Cử tri quan tâm phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương

Tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 1/4, những nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng được phát thanh, truyền hình trực tiếp đã thu hút sự quan tâm của cử tri trong cả nước.

Phiên chất vấn được dư luận quan tâm

Ông Bế Tuấn, dân tộc Tày, Phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho rằng, việc tường thuật trực tiếp phiên chất các vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm là rất cần thiết. Qua đó người dân có thể trực tiếp theo dõi và biết được các đại biểu Quốc hội sẽ đặt ra những vấn đề gì, có xứng tầm, đúng nguyện vọng mà cử tri quan tâm và chờ đợi; những cơ quan, cá nhân có trách nhiệm, có thẩm quyền đưa ra những giải pháp nào để xử lý những vấn đề nóng, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Theo ông Tuấn, chủ tọa phiên họp điều hành trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, các vấn đề chất vấn được kết luận rõ ràng, phân định rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền; ý kiến của đại biểu ngắn gọn, dễ hiểu, đi thẳng vào vấn đề.

Ông Dương Văn Hoàng Hoanh, Phó giám đốc Sở Công Thương Long An nhận xét, những vấn đề đại biểu Quốc hội cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định nội dung chất vấn với Bộ trưởng Bộ Công Thương liên quan đến lĩnh vực quản lý về thị trường, quản lý giá cả xăng dầu, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, là vấn đề đúng, trúng với tâm tư, nguyện vọng của đại biểu cũng như của cử tri. Trong thời gian qua, lĩnh vực này còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, yếu kém và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân.

Do đó, với nội dung chất vấn trong buổi sáng, mặc dù thời gian không nhiều nhưng Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nêu rõ, Chính phủ và Bộ Công Thương, cũng như các Bộ ngành liên quan tích cực giải quyết khó khăn vướng mắc trong thời gian tới để nhân dân và toàn xã hội đồng thuận, cùng chia sẻ, gánh vác chung trách nhiệm, giúp công tác điều hành kinh tế được tốt hơn.

Theo ông Nguyễn Minh Lâm, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Long An, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trả lời khá toàn diện và đầy đủ đối với các yêu cầu đại biểu đặt ra. Tuy nhiên, có những trả lời còn dài chưa đi thẳng vào trọng tâm vấn đề đại biểu đặt ra. Nếu như Bộ trưởng tập trung phân tích sâu các nguyên nhân, tồn tại cũng như một số giải pháp sắp tới và đặc biệt rút được thời gian hoàn thành các chương trình, các kế hoạch đề ra của ngành, cũng như sự phối hợp giữa các ngành trong thời gian tới thì phiên trả lời sẽ được toàn diện hơn.


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn . Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN


Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý thị trường


Đối với các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý thị trường (xử lý tình trạng thương lái nước ngoài mua vét nguyên liệu nông, thuỷ, hải sản), cử tri Bế Tuấn, thành phố Lạng Sơn cho rằng, cần thắt chặt kiểm soát việc thu mua hàng hoá; thực hiện nghiêm qui định về tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng để đảm bảo đầu ra cho nông dân.

Cử tri Vũ Hùng Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đồng tình với nhận định của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khi cho rằng người dân không có lỗi trong việc các thương lái nước ngoài thu gom nông sản, thủy sản trong nước, mà do việc quản lý chưa tốt của các ngành chức năng.

Ông Thắng phản ánh: Ở Quảng Ninh đã từng xảy ra việc người dân vào rừng đào cây rừng rồi đem bán cho các thương lái nước ngoài. Vì vậy, giải pháp rà soát khung pháp lý về thương mại, quản lý thị trường, quản lý các thương nhân, thương lái nước ngoài của Bộ Công Thương đề ra là cần thiết, song các bộ, ngành Trung ương cần gấp rút bổ sung tên các loài cây trong danh mục dược liệu để chính quyền cơ sở quản lý.

Ông Thắng đề nghị, tại các cửa khẩu, lối mở vùng biên giới, các ngành chức năng cần dứt khoát không cho xuất khẩu các loại hàng hóa nói chung và hàng nông sản, thủy sản không có nguồn gốc rõ ràng. Làm được việc này thì vấn nạn thương lái nước ngoài thu gom hàng nông sản sẽ bị hạn chế.


Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về điện, xăng, dầu

Theo cử tri Bế Tuấn, thành phố Lạng Sơn, về trách nhiệm quản lý nhà nước về điện, xăng, dầu, các cơ quan liên quan như: Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam , chính quyền các địa phương… cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ, tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý. Cụ thể, việc điều hành giá phải theo đúng pháp luật về giá, theo định hướng, có sự quản lý của nhà nước.

Việc điều hành phải đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân; Quỹ bình ổn giá xăng, dầu phải do Nhà nước quản lý (cụ thể là Kho bạc) và Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội đối với việc sử dụng Quỹ này.

Ông Nguyễn Sỹ Ban, thôn Rọ Phải, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn cho rằng, cần phải có sự chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên của các cơ quan chức năng nhằm thực hiện công khai, minh bạch hơn giá điện, xăng, dầu trong thời gian tới. Từ đó, người dân có thể giám sát việc điều hành giá điện, xăng, dầu trong nước tạo nên sự ủng hộ, đồng thuận cao trong nhân dân. Việc quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu phải do Nhà nước thống nhất quản lý và điều hành, tránh để doanh nghiệp quản lý nguồn quỹ này.


Văn Đức, Thắng Trung, Thanh Bình (thực hiện)
Bộ trưởng Công thương trả lời chất vấn
Bộ trưởng Công thương trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời chất vấn tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ đã được các đại biểu Quốc hội đề cập tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN