Cử tri mong muốn câu trả lời sát thực tế

Sáng 13/6, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII tiếp tục với phần đăng đàn của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh. Nội dung này thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước do đây là lĩnh vực rộng, mang tính xã hội cao. Phóng viên TTXVN tại các địa phương đã ghi lại ý kiến của cử tri liên quan đến phiên chất vấn.

Phần trả lời còn chung chung, chưa sát thực tế

Về phần trả lời của Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ông Võ Văn Ái - Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin Quảng Nam cho rằng, nhìn chung các ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội đã bám sát thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân. Tuy nhiên các Bộ trưởng, những người đứng đầu ngành mà đơn cử là Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trả lời còn chung chung, mang tính lý luận. Bộ trưởng chưa chỉ ra được hướng giải quyết, giải pháp tích cực cho ngành mình trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Nhan Sáng – TTXVN.


Cùng ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Hiền (nhân viên kinh doanh, trú phường Hoà Hương, thành phố Tam Kỳ) cho biết: Trong quá trình trả lời chất vấn, mặc dù Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhiều lần nhắc nhở Bộ trưởng trả lời thẳng vào vấn đề nhưng Bộ trưởng vẫn còn “vòng vo”. Bộ trưởng chưa trả lời rõ được định hướng và những giải pháp của ngành mình trong thời gian tới. Trả lời câu hỏi về tiềm năm du lịch của đất nước ta rất lớn nhưng chưa phát huy hết, thậm chí là còn thua rất nhiều nước trong khu vực…, Bộ trưởng vẫn chưa có định hướng và những giải pháp tích cực nhằm sớm bắt kịp nền du lịch của các nước. Bộ trưởng cần đi vào trọng tâm, nêu ra những giải pháp của ngành, cũng như việc phối hợp với các ban ngành chức năng và địa phương cần làm gì trong thời gian tới, những giải pháp mang tính dài hơi, có mục tiêu phấn đấu rõ ràng. Nhìn chung, Bộ trưởng trả lời chất vấn chưa đáp ứng mong mỏi của cử tri.

Chia sẻ với những khó khăn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Bùi Ngọc Quý, Phó chủ tịch Hội di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội cho biết: Là một cử tri, tôi ghi nhận các ý kiến của các đại biểu Quốc hội vì những câu hỏi này chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc của đại biểu nói riêng và nhân dân nói chung đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch hiện nay. Thời gian qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý di tích, tạo môi trường du lịch lành mạnh, phát triển phong trào thể thao…, tuy vậy chúng ta cũng cần chia sẻ với những khó khăn của Bộ trưởng vì đây là lĩnh vực rất rộng. Bộ trưởng đã cố gắng trả lời ý kiến chất vấn của cử tri nhưng để đưa ra biện pháp tốt cần phải có thời gian và có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành khác.

Trong phiên chất vấn sáng nay có một số vấn đề Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa đề cập sâu, như sự xuống cấp của văn hóa, sự xuống cấp của di tích, nghệ thuật, văn hóa ứng xử… Đặc biệt, sự tiếp thu văn hóa nước ngoài gây ra những hệ lụy xấu trong biểu diễn nghệ thuật, sáng tác, trong ứng xử…, khiến dư luận xã hội bức xúc. Bộ trưởng mới đưa ra vài giải pháp chung chung mà chưa phân tích được nguyên nhân cơ bản để có giải pháp tối ưu. Theo Phó chủ tịch Hội di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội, để quản lý tốt lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, tính định hướng của cơ quan vĩ mô rất quan trọng. Tiếp đó, cần có cơ chế xử lý vi phạm nghiêm khắc và cần quan tâm đến bản sắc văn hóa dân tộc nhiều hơn.

Cần xem xét thành lập cảnh sát du lịch

Chia sẻ những giải pháp của ngành du lịch trong việc cải thiện môi trường, đẩy mạnh quảng bá, phát triển du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng Phùng Quý Ngọc cho rằng, ở tầm quốc gia cũng như ở tỉnh Lâm Đồng, lĩnh vực du lịch và hoạt động của các doanh nghiệp du lịch ngày càng được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn; nhiều mặt yếu kém trong lĩnh vực du lịch đã và đang dần được khắc phục, chấn chỉnh. Tuy nhiên, du lịch Việt Nam nói chung cũng như du lịch Đà Lạt nói riêng còn một số tồn tại. Đó là việc sản phẩm du lịch trùng lắp, na ná nhau ở các điểm, các vùng du lịch; nạn cò mồi, tình trạng tăng giá bất hợp lý, o ép du khách vẫn tiếp diễn… Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta nên tạo những điểm chung, liên kết tour, liên kết cụm để tránh sản phẩm du lịch trùng lắp mà mỗi nơi sẽ khai thác sản phẩm thế mạnh, nét độc đáo riêng để bổ sung cho nhau.

Cũng theo ông Ngọc, mặc dù đã được giải quyết, cải thiện nhiều nhưng nạn "cò mồi" vẫn là vấn đề nan giải của du lịch nước ta. Do vậy, hệ thống chính quyền cần phải vào cuộc và có sự can thiệp mạnh hơn trong xử lý, giải quyết. Thời gian qua, do chúng ta chưa có một bộ phận chuyên giải quyết những vấn đề nảy sinh liên quan đến khách du lịch, dịch vụ du lịch nên nếu xảy ra cướp giật, tai nạn xe cộ, tranh giành khách… thì việc phối hợp giải quyết còn lúng túng, do đó rất cần có lực lượng cảnh sát du lịch để chuyên lo cho lĩnh vực này.

Về vấn đề xúc tiến, quảng bá du lịch, ông Phùng Quý Ngọc cho rằng ngành du lịch cũng đã thực hiện nhiều nhưng còn một số hạn chế, như việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ ít tham gia, một phần do vấn đề kinh phí. Ở nước ngoài, công tác quảng bá do hiệp hội và doanh nghiệp tự lo nhưng ở ta hiệp hội và doanh nghiệp chưa mạnh nên rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Nhà nước để doanh nghiệp tham gia quảng bá. Mặt khác, cần tập trung quảng bá cho các chương trình trọng điểm, lễ hội trọng điểm, vùng trọng điểm chứ không nên làm tràn lan như vừa qua, đồng thời chú trọng đẩy mạnh quảng bá ở thị trường nước ngoài.


Phóng viên TTXVN tại các địa phương
Đưa du lịch Việt Nam thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn
Đưa du lịch Việt Nam thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn

Tiếp tục chương trình kỳ họp, ngày 13/6, người thứ hai đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội là Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN