Cử tri đánh giá cao phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Quốc hội

Cử tri trong cả nước đánh giá cao chất lượng phiên thảo luận về kinh tế - xã hội; cho rằng đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, đề xuất những giải pháp khắc phục, phát triển trong năm 2016 và 5 năm tới. Ghi nhận một số ý kiến của cử tri Hà Nội, Tuyên Quang, Kiên Giang:


Ðại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Ngô Đức Mạnh trong phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch năm 2016. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN

Thực hiện Chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, sáng 2/11 các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và 5 năm 2016-2020.

* Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Đồng tình với ý kiến các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường, cử tri Đỗ Minh Nhựt (Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang) kiến nghị: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả gắn với phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Qua đó, xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh cao trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trước hết quy hoạch lại vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, trong đó tập trung đầu tư sản xuất lúa tại hai vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, cà phê, cao su, tiêu ở Đông Nam bộ, Tây Nguyên…

Trên cơ sở đó, tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực phù hợp với từng vùng sinh thái có lợi thế cạnh tranh, giá trị kinh tế cao gắn với xây dựng thương hiệu mang tính chiến lược. Cụ thể như vùng đồng bằng sông Cửu Long cần xác định lúa, thủy sản, cây ăn quả, chăn nuôi… là những mũi nhọn kinh tế chủ lực của vùng, vừa góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, vừa nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nông dân.

Vì vậy, cần chú trọng mô hình cánh đồng lớn, mô hình sản xuất có giá trị gia tăng cao gắn với nâng cao giá trị kinh tế tập thể, liên kết sản xuất “4 nhà”: Nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, Nhà nước để tạo ra sản lượng hàng hóa lớn, đồng nhất, chất lượng cao, nguyên liệu “sạch” phục vụ chế biến xuất khẩu; gắn sản xuất, vùng nguyên liệu với thị trường theo phương châm “tạo ra những sản phẩm hàng hóa thị trường cần”, chấm dứt tình trạng “được mùa mất giá - được giá mất mùa”.

Cử tri Đỗ Minh Nhựt cho rằng, sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn, nông dân liên kết với nhau trong sản xuất qua các hợp tác xã, tổ hợp tác, từ đó tạo ra hàng hóa lớn, xây dựng thương hiệu nông sản tăng giá trị sản xuất, xuất khẩu. Vì vậy cần có chính sách hỗ trợ các loại hình hợp tác như hợp tác xã, tổ hợp tác để người dân thấy được lợi ích khi tham gia kinh tế hợp tác; liên kết vùng trong sản xuất.

Bên cạnh đó, tập trung tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trên lĩnh vực giống, công nghệ cao, công nghệ sinh học, đổi mới công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Khẩn trương triển khai thực hiện các dự án, công trình, hình thức canh tác ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đặc biệt chú trọng phát triển mô hình sản xuất luân canh vụ tôm, vụ lúa (tôm - lúa) ở các tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời tập trung đào tạo nghề hiệu quả cho lao động nông thôn để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để nông dân nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp.

Còn cử tri Nguyễn Thị Minh Giang (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang) nêu ý kiến: Trong cơ cấu lại nền kinh tế cần khẳng định rõ hơn tiềm năng, thế mạnh kinh tế của nước ta, trong đó nhấn mạnh và tập trung đầu tư đồng bộ, hiệu quả hơn nữa kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển.

Với tình hình biến đổi môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay, Trung ương cần xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế biển rõ ràng, cụ thể. Đặc biệt là nghiên cứu, thí điểm và nhân rộng những mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung nguồn lực triển khai thực hiện nhanh những dự án, công trình ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã được phê duyệt; đầu tư phát triển mạnh hơn nữa kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường biển, nhất là có những giải pháp cấp bách, hữu hiệu khôi phục nguồn lợi thủy sản đang suy kiệt nghiêm trọng.

Cho rằng tại phiên thảo luận các đại biểu Quốc hội đã tích cực đóng góp những ý kiến, thể nguyện vọng của cử tri, cử tri Đỗ Viết Đức, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang, kiến nghị việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chính sách phát triển kinh tế nông thôn đã cơ bản thay đổi bộ mặt vùng nông thôn, đời sống nông dân phần nào được bảo đảm.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì đời sống nông dân vẫn còn thấp, hiệu quả lao động chưa cao. Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đầu tư hơn nữa cho hệ thống thủy lợi. Đặc biệt, Nhà nước cần rà soát, bổ sung, có chính sách đủ mạnh, hấp hẫn hơn nữa để thu hút doanh nghiệp tham gia lĩnh vực nông nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

* Quan tâm đời sống đồng bào vùng sâu, vùng xa

Theo dõi phiên thảo luận của Quốc hội, cử tri Đặng Văn Bất (Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội) đặc biệt quan tâm tới nội dung bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cử tri Đặng Văn Bất cho rằng, sau khi mở rộng địa giới hành chính thủ đô, Hà Nội có tổng dân số hơn 7,3 triệu người, trong đó có trên 68.000 người dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều chính sách quan tâm tới đồng bào dân tộc thiểu số; đặc biệt tập trung hỗ trợ giảm nghèo tại 2 xã đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao nhất thành phố là xã An Phú (huyện Mỹ Đức) và xã Ba Vì (huyện Ba Vì).

Chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn tại khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, khả năng tiếp cận, giao lưu thương mại với trung tâm Thủ đô còn hạn chế, thu nhập cũng hạn chế theo.

Để từng bước nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi, cử tri Đặng Văn Bất kiến nghị, cần tập trung vào một số giải pháp hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững như: Khuyến khích lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia xuất khẩu lao động; gắn vay vốn với tập huấn hướng dẫn sản xuất, kinh doanh, sử dụng nguồn vốn hiệu quả; xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững, hiệu quả, phù hợp với từng địa phương…

Đánh giá cao phiên thảo luận của các đại biểu Quốc hội, cử tri Bàn Xuân Triều (nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang) cho rằng, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm như vấn đề phát triển kinh tế bền vững, ô nhiễm môi trường, việc gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)...

Trong đó, ông đặc biệt quan tâm đến việc phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các đại biểu đã nêu lên được thực tế cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cả về lĩnh vực kinh tế lẫn văn hóa - xã hội, nhiều dự án đã đến được với đồng bào nhưng việc xóa đói giảm nghèo chưa bền vững, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn.

Cử tri Bàn Xuân Triều kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách cụ thể, có tính chất dài hạn đối với các thôn, xã thuộc diện đặc biệt khó khăn để họ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, vấn đề giữ gìn và phát huy văn hóa của các dân tộc thiểu số cần được quan tâm hơn nữa, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể trong việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số, bởi đây là sợi dây liên kết, tạo nên sức mạnh tinh thần của dân tộc.

* Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cử tri Phí Định Kiên (Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội) cho rằng, cần thiết phải đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư đúng đắn cho giáo dục, đổi mới chương trình đào tạo tại các trường cho sát với thực tế.

Theo cử tri Phí Định Kiên, lâu nay việc giảng dạy tại các trường không sát thực với những gì mà doanh nghiệp cần, chất lượng đào tạo chưa đạt yêu cầu… dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp nhiều, thị trường lao động ở tình trạng vừa thừa, vừa thiếu (thừa thầy, thiếu thợ, thừa lao động phổ thông, thiếu lao động trình độ cao). Các sinh viên sau khi tốt nghiệp đi xin việc đa số được các nhà tuyển dụng đánh giá là có kiến thức nhưng thiếu hụt nhiều kỹ năng quan trọng: Như ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy…

Nhìn ra phương thức đào tạo ở nước ngoài, họ rất thành công do họ biết gắn công tác giảng dạy với việc thực hành. Học tiếng Anh thì phải ra đường tiếp xúc với người dân để thành thạo tiếng Anh. Học lịch sử phải đi đến các tượng đài, các bảo tàng để hiểu thêm lịch sử. Học kinh tế phải đến các doanh nghiệp để tham khảo mô hình của họ, xem họ giải quyết các bài toán kinh tế như thế nào…

Việc học ở Việt Nam chưa đi đôi với thực hành, nên khi sinh viên tốt nghiệp ra trường rất thiếu kiến thức thực tế, rất khó làm việc tại doanh nghiệp. Vì vậy, cử tri Phí Định Kiên đề nghị, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần thiết phải có định hướng cụ thể và quy hoạch chi tiết về phát triển hệ thống giáo dục, đảm bảo đồng bộ về quy mô, cơ cấu ngành nghề, kế hoạch giáo dục và trình độ đào tạo… sát với nhu cầu thực tế.

Cử tri Nguyễn Thị Minh Giang (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang) cũng cho rằng, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ phải được đầu tư thỏa đáng để xây dựng, phát triển nguồn nhân lực thích ứng với nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời kỳ mới và hội nhập quốc tế. Khoa học - công nghệ phải phục vụ tốt hậu cần ngành nông nghiệp, kinh tế biển. Thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo cần được cụ thể hóa, tổ chức, triển khai thực hiện phải gắn liền với khoa học - công nghệ và có những giải pháp cụ thể, khả thi.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương
Đề xuất nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2016
Đề xuất nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2016

Sáng 2/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN