Cử tri đánh giá cao các nội dung chất vấn

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, ngày 15/11, Quốc hội đã bắt đầu tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với nhiều nội dung quan trọng, được đông đảo cử tri quan tâm. Phóng viên TTXVN ghi nhận một số ý kiến của cử tri một số địa phương sau khi theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn qua sóng phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh chất vấn các thành viên Chính phủ. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Nghệ An:


Theo nhiều cử tri Nghệ An, phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại phiên chất vấn chiều 15/11 khá đầy đủ, chi tiết và không né tránh. Tuy nhiên, một số câu trả lời của Bộ trưởng còn hơi dài, chưa đi vào trọng tâm, cụ thể của vấn đề.

Tại phiên trả lời chất vấn, giải pháp xây dựng một hồ sinh học mà Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra nhằm đảm bảo sự cố môi trường như Formosa gây ra sẽ không xảy ra trong tương lai được các cử tri ở Nghệ An rất đồng tình, cho rằng đây là giải pháp có cơ sở khoa học hợp lý, hy vọng Bộ trưởng sẽ chỉ đạo thực hiện cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước.

Là một người dân sống ở vùng ven biển tỉnh Nghệ An, cử tri Thạch Đình Nghĩa, ở xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cho rằng: Để tạo niềm tin cho người dân tại các địa phương bị ảnh hưởng, Trung ương và các bộ cần có giải pháp cụ thể và kiên quyết hơn nữa ngoài việc hỗ trợ cho ngư dân, đặc biệt là phải thực hiện những cam kết mà Bộ trưởng đã hứa trước Quốc hội, để đảm bảo cho ngư dân miền Trung có cuộc sống an lành, cải thiện cuộc sống về lâu dài…

Ông Nguyễn Giang Hoài, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nghệ An cũng đề nghị: Đối với các dự án lớn, cử tri mong muốn các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ từ xét duyệt dự án tới kiểm soát hoạt động, trong đó đặc biệt phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan phê duyệt dự án đầu tư. Bên cạnh đó, các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao cần có phương án xử lý thu gom rác thải từ khu dân cư, các khu vực kinh tế trọng điểm và đưa môi trường vào thành một tiêu chí đánh giá xếp hạng của các địa phương.

Với trách nhiệm quản lý Nhà nước, tới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thực hiện nhiều giải pháp để những sự cố môi trường như Formosa sẽ không tái diễn. Đó là vấn đề quy hoạch môi trường; thực hiện đánh giá tác động môi trường một cách nghiêm túc; kiểm soát vấn đề ô nhiễm, ví dụ như xây dựng hồ sinh học...

Đà Nẵng:


Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Hải Vân Nam cho biết, bà rất ấn tượng với những nhóm vấn đề mà Quốc hội đặt ra để các thành viên Chính phủ tập trung trả lời như: Việc đánh giá tổng thể, phương án xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả, các dự án đã có quyết định đầu tư nhưng không triển khai, để hoang hóa, lãng phí; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; các chính sách đột phá phát triển ngành ô tô theo định hướng đầu tư của Nhà nước và các cam kết hội nhập quốc tế.

Phương án tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng, quy hoạch các công trình thủy điện, thủy lợi và đảm bảo an toàn xả lũ trong thời gian tới... các giải pháp củng cố hệ thống bán lẻ hàng hóa thích ứng với hội nhập quốc tế; kiểm soát kinh doanh đa cấp; quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc.

Bà Nguyệt nhận xét, cách điều hành của Chủ tịch Quốc hội rất khoa học và đặc biệt là sự cương quyết khi đề nghị các đại biểu tập trung ngay vào câu hỏi cũng như nhắc Bộ trưởng chưa trả lời đúng trọng tâm của câu hỏi được nêu ra. "Qua phần trả lời tôi khá ấn tượng với cách trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương, mặc dù mới đảm nhiệm chức vụ hơn 6 tháng nhưng Bộ trưởng nắm khá chắc các lĩnh vực của Bộ mình phụ trách, trả lời lưu loát, tuy nhiên tôi thấy Bộ trưởng giải trình hơi nhiều mà thiếu những giải pháp cụ thể", bà Nguyệt cho biết.

Cùng quan điểm trên, luật sư Đỗ Pháp, Đoàn Luật sư Đỗ Pháp, đánh giá cao sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội và những vấn đề đại biểu đặt ra rất xác đáng, thực tế và đúng thực trạng hiện nay của đất nước ta. Đặc biệt phần tranh luận tiếp của các đại biểu ngay sau khi Bộ trưởng trả lời đã thể hiện tính dân chủ trong phiên chất vấn, và từ đây buộc các Bộ trưởng phải trả lời dứt khoát chứ không thể chần chừ được.

Phần trả lời của Bộ trưởng Công Thương khá rành mạch, khúc chiết và khá đúng trọng tâm của các câu hỏi được đặt ra. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã giải trình nhiều hơn là đưa ra những giải pháp cụ thể để giải quyết từng vấn đề. Tất nhiên giải trình để làm sáng tỏ hơn đối với từng lĩnh vực là cần thiết, nhưng sẽ thuyết phục hơn khi kèm theo những giải pháp.

Cử tri Đặng Đăng Quang, quận Sơn Trà cho rằng, các câu hỏi đại biểu đặt ra rất sát với thực tế, cụ thể, thiết thực, nhất là về tình trạng phân bón giả, hàng hóa giả, xả lũ ở các công trình thủy điện... Cử tri cũng hài lòng với phần trả lời bổ sung của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất rõ ràng rành mạch và đúng cách đặt vấn đề của cử tri, trả lời như thế người dân mới cảm thấy hết những thuận lợi, khó khăn trong vấn đề xử lý hoặc ngăn chặn các tình trạng trên và cũng thấy rõ hướng giải quyết từng vấn đề của Chính phủ rất cụ thể và có lộ trình rõ ràng... Còn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa thuyết phục, còn chung chung, Chủ tịch Quốc hội phải nhiều lần nhắc nhở.

Vĩnh Phúc:

Ông Hải Thanh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phúc, nhận xét: Trong phiên họp có rất nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, đó là những vấn đề nóng bỏng mà đông đảo người dân trong xã hội quan tâm. Đó là các vấn đề nổi cộm như không ít doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn, đầu tư xây dựng nhiều tiền bạc nhưng làm ăn liên tục thua lỗ nặng như một số doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước; sản xuất nông nghiệp của chúng ta đã có một bước tiến vượt bậc nhưng sản xuất ở không ít địa phương còn nhỏ lẻ, phân tán, sản phẩm sản xuất tiêu thụ trong nước và xuất khẩu còn ở dạng thô nên giá trị không cao, cần phải có những cơ chế chính sách tạo bước thay đổi căn bản hơn, toàn diện hơn; trình độ sản xuất công nghiệp của Việt Nam còn yếu kém so với thế giới. Là đất nước đông đảo người dân sinh sống vào nông nghiệp nhưng tình trạng vật tư phân bón, thuốc trừ sâu không rõ nguồn gốc, bày bán tràn lan trên thị trường và sử dụng các loại này chưa hợp lý gây những hậu quả khó lường...

Ông Dương Vĩnh Thái, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này có sự chuyển biến hơn trước. Tuy nhiên, các giải pháp đưa ra để khắc phục vẫn còn khá chung chung, chưa có sự đột phá mạnh mẽ, điển hình như vấn đề cứu vãn các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ nặng; vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường do sản xuất công nghiệp và sinh hoạt; nạn sản xuất, chế biến buôn bán kinh doanh thực phẩm kém chất lượng... Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là Chính phủ, các Bộ, ngành cần tổ chức thực hiện có hiệu quả trong công tác điều hành, giải quyết các vấn đề của đất nước, trong đó phải có những giải pháp đột phá, mạnh mẽ quyết liệt hơn, có những chương trình hành động cụ thể, hiệu quả...

Phóng viên TTXVN tại các địa phương (TTXVN)
Đại biểu muốn chất vấn việc chọn người nhà, bỏ qua người tài
Đại biểu muốn chất vấn việc chọn người nhà, bỏ qua người tài

“Nếu có chất vấn, tôi sẽ chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo về vấn đề phân luồng học sinh hiện nay” – bên lề Quốc hội chiều 15/11, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) bày tỏ.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN