Cử tri Bình Định kiến nghị hỗ trợ phục hồi kinh tế

Phiên thảo luận của Quốc hội sáng 9/11 đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri tỉnh Bình Định.

Chú thích ảnh
Các đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận ngày 9/11. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, sáng 9/11, Quốc hội thảo luận tập trung tại hội trường về: kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024. Phiên thảo luận đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri tỉnh Bình Định.

Cần quan tâm đầu tư y tế cơ sở

Theo dõi phiên thảo luận qua truyền hình, ông Hoàng Như Ý, nguyên Trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định, cho rằng các đại biểu Quốc hội đã có ý kiến đóng góp trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhiều vấn đề cử tri quan tâm đã được các đại biểu đưa vào nghị trường, có những kiến nghị rất xác đáng, thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trước nhân dân. Đặc biệt, trong phiên thảo luận sáng 9/11, công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại đầu tư công, các dự án quốc gia, công trình trọng điểm, năng suất lao động, đẩy nhanh tiêm vaccine… tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Cử tri Hoàng Như Ý cho rằng đại dịch COVID-19 cho thấy năng lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất của ngành y tế ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn nhân lực còn yếu và thiếu, bộc lộ nhiều bất cập khi đối mặt với dịch bệnh. Cử tri mong muốn các đại biểu Quốc hội bàn kỹ và có những kiến nghị về vấn đề này, Chính phủ quan tâm hơn và đầu tư thỏa đáng cho y tế cơ sở nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Theo cử tri Hoàng Như Ý, dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế-xã hội của đất nước và đời sống của người dân, do đó trong thời gian tới, cử tri kiến nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả các biện pháp chống dịch, tránh tình trạng mỗi địa phương chống dịch một kiểu, gây khó khăn lớn cho việc lưu thông, đi lại của người dân, ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, cử tri đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế phải kịp thời chấn chỉnh tình trạng loạn giá xét nghiệm COVID-19, sớm ban hành giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng pháp luật để tránh tình trạng trục lợi, tham nhũng.

Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch

Cử tri Đinh Khắc Diện (trú ở phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn) cho rằng đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nước ta, đồng thời ảnh hưởng lớn đến đời sống hàng ngày của người lao động và hộ gia đình. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đã triển khai các biện pháp đồng bộ, toàn diện về chuyên môn đến chương trình an sinh xã hội.

Bước đầu, dịch bệnh trong phạm vi cả nước đã được kiểm soát và đang từng bước thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Việc này tạo tiền đề tốt để thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. “Mặc dù ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhưng kinh tế của nước ta vẫn phát triển, các doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất, mở rộng đầu tư, thể hiện rõ qua việc thu ngân sách 10 tháng đầu năm 2011 đạt hơn 91% dự toán. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy nền kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng, để tạo đà cho những năm sau phát triển ở mức cao hơn”- cử tri Định Khắc Diện chia sẻ.

Theo cử tri Đinh Khắc Diện, qua đợt dịch COVID-19, chúng ta thấy cả nước đồng lòng, toàn dân tộc đoàn kết, tinh thần sẻ chia, tình đồng bào đã được phát huy tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng đại dịch, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Cử tri mong muốn các đại biểu Quốc hội quan tâm có ý kiến với Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch; hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đầu tư phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.

Bên cạnh kiến nghị về sự hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch, ông Đinh Khắc Diện cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư nguồn lực vào phát triển văn hóa, thể thao.

Nguyên Linh – Tường Quân (TTXVN)
Ngày 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kế hoạch phát triển KT-XH và công tác phòng chống dịch COVID-19
Ngày 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kế hoạch phát triển KT-XH và công tác phòng chống dịch COVID-19

Theo chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, ngày 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN