Công tác kiểm tra, giám sát góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, cùng với việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, coi đây là một trong những chức năng lãnh đạo quan trọng của Đảng.

Điều lệ vắn tắt của Đảng tháng 10/1930 ghi rõ: "Trách nhiệm của đảng viên và các đảng bộ là giữ theo kỷ luật của Đảng một cách rất nghiêm khắc". Kiểm tra, giám sát có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, xây dựng tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Kiểm tra, giám sát còn là cơ sở để thực hiện các nội dung khác của công tác xây dựng Đảng. 

Quyết tâm loại bỏ tham nhũng, tiêu cực

Những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Ủy ban kiểm tra Trung ương và Ủy ban kiểm tra các cấp đã có nhiều đổi mới, nỗ lực cố gắng hoàn thành khối lượng công việc lớn, với chất lượng, hiệu lực, hiệu quả ngày càng được nâng lên, góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, đấu tranh ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Chú thích ảnh
Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Qua kiểm tra, giám sát, nhiều vụ việc khó, phức tạp, dư luận quan tâm đã được xem xét, kết luận rõ sai phạm và xử lý nghiêm minh, kịp thời, như các vụ việc ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Ngân hàng BIDV, thành phố Ðà Nẵng, thành phố Trà Vinh, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Bộ Công an), Quân chủng Phòng không - Không quân; dự án Formosa, vụ Trịnh Xuân Thanh… 

Ủy ban kiểm tra Trung ương và Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiên quyết xử lý và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng xử lý nghiêm minh nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, trong đó có cả những đồng chí giữ cương vị cao của Đảng, Nhà nước, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu, sĩ quan cấp cao trong lực lượng vũ trang, với tinh thần làm nghiêm từ trên xuống dưới, không có vùng cấm, bảo đảm công minh, chính xác, kịp thời, thấu tình, đạt lý, được đối tượng kiểm tra “tâm phục, khẩu phục”.

Kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và 4 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, 14 đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 1 đồng chí nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, 5 đồng chí Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, 5 đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy và 17 đồng chí là tướng lĩnh; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã kỷ luật 7 tổ chức đảng (Ban cán sự đảng Bộ Công Thương, Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban cán sự đảng Bộ Giao thông Vận tải, Ban Thường vụ Đảng uỷ Ngoài nước, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc).

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đây là điều "thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân". Tổng Bí thư nêu rõ đây là bài học sâu sắc, đắt giá, và đề nghị từng đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên nêu gương, tự soi, tự sửa, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng để không đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất khôn lường.

"Chúng ta đang tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, phải kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ vi phạm, thoái hóa, biến chất! Bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm minh, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân"- Tổng Bí thư yêu cầu.

Những kết quả này góp phần đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; minh chứng cho quyết tâm chính trị của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; từng bước củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Kết quả kiểm tra, giám sát đã giúp các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả hơn nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ; giúp cán bộ, đảng viên giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, phát hiện những vấn đề bất cập, sơ hở trong các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Tạo chuyển biến mới trên các mặt

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ủy ban kiểm tra triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ cấp ủy giao, trọng tâm là kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh trong công tác kiểm tra cần chú ý khâu phát hiện sai phạm, thông qua hoạt động giám sát, qua báo chí, qua tố giác của nhân dân, chú trọng kiểm tra, giám sát các địa bàn, lĩnh vực dễ nảy sinh sai phạm, tiêu cực. Khi đã phát hiện dấu hiệu vi phạm phải nhanh chóng kiểm tra, làm quyết liệt, triệt để, giải quyết dứt điểm. Kết luận kiểm tra phải rõ ràng, minh bạch; xử lý phải công tâm, khách quan; kỷ luật phải nghiêm minh, thuyết phục; tránh tình trạng "trông chờ, nghe ngóng", "nặng trên, nhẹ dưới"- đồng chí Trần Quốc Vượng lưu ý.

Năm 2019 là năm rất quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020), chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Đảng xác định phải tiếp tục tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn, nhằm tạo ra một bước chuyển biến mới trên các mặt; tập trung đấu tranh, ngăn chặn những yếu kém, tiêu cực trong Đảng, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức. Trong bối cảnh đó, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp là hết sức quan trọng, nặng nề.

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, điều trước hết là phải xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra có đạo đức trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết, có dũng khí đấu tranh, công tâm, khách quan, sâu sát, thận trọng, có năng lực, trình độ, tinh thông nghiệp vụ ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

"Làm công tác kiểm tra luôn phải đối mặt, đấu tranh với những sai phạm, tiêu cực của đồng chí, đồng đội và cả những người thân, nhiều khi còn phải đấu tranh với chính bản thân mình, giữa mặt tích cực và mặt tiêu cực trong con người mình; phải hy sinh lợi ích cá nhân của mình để bảo vệ và giữ gìn kỷ luật và sự trong sạch của Đảng nên hơn ai hết, cán bộ kiểm tra phải thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Nhằm tăng cường hơn nữa sức mạnh của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tại Hội nghị Trung ương 11 (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung 4 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Ngành tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và ngăn ngừa vi phạm trong cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, với phương châm giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, lấy chủ động phòng ngừa, lấy xây là chính; kiên quyết xử lý những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, làm ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của Đảng và sự phát triển của đất nước.

Quỳnh Hoa (TTXVN)
Tăng cường vai trò của Mặt trận trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền
Tăng cường vai trò của Mặt trận trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền

Tham gia xây dựng Đảng và chính quyền là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, đã được khẳng định trong các nghị quyết của Đảng cũng như Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN