Công nghệ thông tin là cốt lõi của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Ngày 5/4, hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2017 với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Tầm nhìn và giải pháp công nghệ” đã diễn ra tại Hà Nội.

Đây là sự kiện thường niên do Tập đoàn dữ liệu quốc tế Việt Nam (IDG) phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức.

Tại hội thảo, ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: Công cuộc đổi mới đã tạo đà cho khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân chủ động tham gia vào quá trình nghiên cứu sáng tạo, thụ hưởng nhiều thành tựu công nghệ cao. Hiện nay, hơn 55% dân số Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh và nối mạng internet. Việt Nam đang đứng thứ hạng cao ở châu Á – Thái Bình Dương, thậm chí cả trên thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng mạng internet và điện thoại thông minh. Nắm bắt thời cơ cũng như thách thức của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, những năm qua, Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan liên quan xem xét, xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực.

Người dân đến làm thủ tục tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin Lê Mạnh Hà nhấn mạnh: Điều cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ở Việt Nam là công nghệ thông tin và phát triển chính quyền điện tử các cấp. Xây dựng Chính phủ điện tử cần phải đi vào thực chất và làm thực chất chứ không làm theo phong trào. Để nâng cao chỉ số Chính phủ điện tử lên thứ 80 trong năm 2017 và thứ 70 vào năm 2020, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm.

 Đề cập đến những vấn đề về thành phố thông minh như dịch vụ công trực tuyến, giao thông thông minh, hệ thống quản lý đất đai…, ông Lê Mạnh Hà cho biết: Đây là những hệ thống vô cùng quan trọng, một số địa phương đã triển khai nhưng Việt Nam chưa thể làm trên toàn quốc. Hiện nay Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 102/2009/NĐ-CP về quản lí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai, quản lý, đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin.


Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cũng cho biết: Chính phủ điện tử không chỉ là trang bị máy tính, mạng internet hay ứng dụng công nghệ thông tin đơn thuần mà là sự chuyển biến căn bản trong cách thức điều hành, quản lý xã hội, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Những năm qua, Hà Nội đã nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng Chính phủ điện tử và chính quyền điện tử. Hà Nội đã triển khai cổng dịch vụ công trực tuyến, cung cấp các dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Trong năm 2016, Hà Nội triển khai 129 dịch vụ công mức độ 3 các lĩnh vực: tư pháp, tài nguyên và môi trường, xây dựng, giáo dục và đào tạo, thông tin và truyền thông trên một nền tảng thống nhất, dùng chung và đồng bộ ở 30 quận huyện, 485 phường xã. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang triển khai thí điểm giao thông thông minh.


Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Phan Tú Lan cho hay: Mặc dù đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng về xây dựng chính quyền điện tử nhưng Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng thành phố thông minh. Nguyên nhân là do thói quen của người dân khi tham gia giao thông, nguồn nhân lực để triển khai còn hạn chế… Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh, Giám đốc sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh cho biết: Đà Nẵng đã mời chuyên gia nước ngoài cùng xây dựng khung kiến trúc về thành phố thông minh, kiên trì xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư. Bên cạnh đó, phương châm “4L: Lãnh đạo – Liên kết – Lực lượng – Lâu dài” được thành phố Đà Nẵng lựa chọn làm kim chỉ nam cho quá trình xây dựng Chính phủ điện tử.


Tại hội thảo, các chuyên gia chia sẻ nhiều ý kiến về xây dựng nền hành chính công tại Việt Nam, đầu tư nhân lực công nghệ thông tin, thay đổi tư duy về giáo dục, xây dựng hệ sinh thái giáo dục, xu hướng xây dựng bệnh án điện tử với mô hình khép kín từ nhà đến bệnh viện…


Tại Việt Nam, hầu hết các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp thông tin, phổ biến các văn bản, chính sách pháp luật, cung cấp kết quả về giải quyết thủ tục hành chính... Nhờ sự quyết tâm và nỗ lực của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP năm 2015 về Chính phủ điện tử, lộ trình phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam đã ghi nhận những kết quả tích cực. Đến nay đã có 18/22 Bộ, cơ quan ngang bộ, 63 tỉnh, thành phố cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính.


Theo đánh giá của Liên hợp quốc, năm 2016, Việt Nam xếp thứ 89/193 thế giới về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (tăng 10 hạng so với 2014), đứng thứ 6 khu vực Đông Nam Á và chính thức gia nhập các nước có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử cao.


Ngọc Bích/TTXVN
Bắc Ninh phấn đấu đi đầu trong xây dựng mô hình chính quyền điện tử
Bắc Ninh phấn đấu đi đầu trong xây dựng mô hình chính quyền điện tử

Ngày 3/1, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh tổ chức kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh (1/1/1997 - 1/1/2017). Đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tới dự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN