Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử ĐBQH khóa XIII

Ngày 1/6, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 434 NQ/HĐBC công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và danh sách 500 người trúng cử đại biểu Quốc hội trong cuộc bầu cử ngày 22/5/2011 tại 183 đơn vị bầu cử trong cả nước.

(Danh sách đại biểu Quốc hội khóa XIII)

Đồng chí Nguyễn Đức Kiên phát biểu khai mạc cuộc họp báo. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN


Sáng 3/6, tại Hà Nội, Hội đồng bầu cử đã họp báo công bố kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 với sự tham dự của đông đảo phóng viên trong và ngoài nước.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định: Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đã thành công tốt đẹp. Đây là một dấu mốc quan trọng, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của toàn dân, thể hiện ý thức chính trị, ý thức xây dựng đất nước của toàn dân. Kết quả bầu cử được tổng hợp theo đúng quy định của pháp luật và tinh thần dân chủ, tận tụy, trách nhiệm.

Thông báo kết quả cuộc bầu cử, Tổng Thư ký Hội đồng Bầu cử Phạm Minh Tuyên nhấn mạnh: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đã thành công tốt đẹp, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là Ngày hội của toàn dân. Tổng số cử tri đi bầu là 62.010.266 người (đạt 99,51%), khẳng định ý thức chính trị, trách nhiệm công dân và lòng yêu nước của nhân dân, thể hiện niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quản lý của Nhà nước.

Kết quả, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội được phân bổ. Không có trường hợp bầu cử thiếu, bầu cử lại. Tổng số có 500 người trúng cử đại biểu Quốc hội, trong đó đại biểu do Trung ương giới thiệu là 167 người (33,40%); đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương là 333 người (66,60%); có 333 người tham gia Quốc hội lần đầu; 229 người có trình độ trên đại học (45,80%); 262 người có trình độ đại học (52,40%). Trong số đại biểu Quốc hội trúng cử, có 78 đại biểu người dân tộc thiểu số (chiếm 15,60%, ít hơn 12 người so với dự kiến, giảm 2,05% so với khóa XII); 122 đại biểu nữ (chiếm 24,40%, ít hơn 28 người so với dự kiến, giảm 1,36% so với khóa XII); 42 người ngoài đảng ( chiếm 8,40%, ít hơn so với dự kiến, giảm 0,32% so với khóa XII); 62 người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi, chiếm 12,40%, ít hơn 8 người so với dự kiến, giảm 1,39% so với khóa XII); 167 người tái cử (chiếm 33,40%, tăng 7 người so với dự kiến, tăng 5,81% so với khóa XII); 4 người tự ứng cử (chiếm 0,80%, tăng 3 người so với khóa XII).

Số lượng đại biểu HĐND từng cấp được bầu, gồm: cấp tỉnh 3.821 người, thiếu 8 người; cấp huyện 21.077 người, thiếu 47 người; cấp xã 278.758 người, thiếu 2.962 người. Theo báo cáo của 40/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ cấu kết hợp đại biểu HĐND cấp tỉnh gồm: dân tộc thiểu số 503 người (20,59%); 588 đại biểu nữ (24,07%); 113 người ngoài đảng (5,44%); 255 người trẻ tuổi (dưới 35, chiếm 10,44%); 600 người tái cử (24,56%); 2 người tự ứng cử (0,08%).

Đồng chí Phạm Minh Tuyên cho biết, về bầu cử lại, cấp tỉnh không có, cấp huyện 1 khu vực bỏ phiếu ở Hà Nội, cấp xã 9 khu vực bỏ phiếu ở 4 tỉnh (Thanh Hóa 3, Nghệ An 3, Hà Nội 2 và Bình Thuận 1). Về bầu cử thêm, cấp tỉnh không có; cấp huyện 14 đơn vị bầu cử ở 6 tỉnh (Bình Thuận có 4 đơn vị; Đắk Lắk 3; Quảng Ngãi 3; Quảng Nam 2; Bắc Kạn 1; Đắk Nông 1); cấp xã (theo báo cáo của 40/63 tỉnh, thành phố): 483 đơn vị bầu cử ở 22 tỉnh. Hội đồng bầu cử đã và đang tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương kịp thời tổ chức việc bầu lại, bầu thêm.

Thành công của cuộc bầu cử thể hiện ở một số nội dung chủ yếu: Cử tri đi bầu đạt tỷ lệ rất cao; phát huy được tinh thần dân chủ trong từng bước triển khai công tác bầu cử; công tác chuẩn bị, triển khai cuộc bầu cử đúng pháp luật, bảo đảm tiến độ đề ra. Cử tri cả nước đã bỏ phiếu bầu đủ số đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật, không có trường hợp phải bầu lại, bầu thêm; số lượng đại biểu HĐND các cấp bầu được gần đủ so với số lượng đã được phê chuẩn. Tỷ lệ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp có trình độ văn hóa, chuyên môn đào tạo cao hơn các nhiệm kỳ trước đây là điều kiện để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử.

Quỳnh Hoa-Thanh Hòa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN