Công bố Kế hoạch Kiểm toán năm 2014

Sáng 18/2, tại Hà Nội, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Mai Xuân Hùng đã chủ trì họp báo công bố Kế hoạch Kiểm toán năm 2014.

Họp báo công bố kế hoạch kiểm toán năm 2014. Ảnh: dangcongsan.vn


Nhằm phục vụ tốt nhất cho hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, công tác quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và các địa phương, ngành kiểm toán xác định mục tiêu tổng quát năm 2014 là “Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán; tăng cường đổi mới phương pháp kiểm toán và công tác quản lý hoạt động kiểm toán; nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ kiểm toán viên ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”.

Theo Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước về Kế hoạch Kiểm toán năm 2014, tổng số đầu mối kiểm toán là 185 (gồm; 14 bộ, ngành, cơ quan Trung ương; 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó lồng ghép kiểm toán 05 chuyên đề trong 07 cuộc kiểm toán tại 07 địa phương; 17 chuyên đề độc lập; 35 dự án đầu tư; 42 doanh nghiệp và ngân hàng thương mại nhà nước; 11 đầu mối kiểm toán thuộc Bộ Quốc phòng; 30 đầu mối thuộc lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng và cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2013).

Kiểm toán Nhà nước tăng cường kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, trong đó tập trung kiểm toán: Công tác quản lý thu ngân sách, phân tích cơ cấu các khoản thu, chú trọng khoản thu ngoài quốc doanh, thu tiền sử dụng đất, các khoản thu phí, lệ phí (việc kiểm toán chuyên đề về quản lý, sử dụng và thu tiền sử dụng đất là nội dung xuyên suốt “bắt buộc” trong các cuộc kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước của các bộ, ngành, địa phương hàng năm); việc huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; công tác quản lý và sử dụng nguồn thu lệ phí, học phí, viện phí, thu dịch vụ và liên doanh, liên kết tại các ngành y tế, giáo dục, giao thông đang được dư luận xã hội quan tâm...; tình hình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Kiểm toán Nhà nước tập trung kiểm toán kết quả thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, bao gồm: Tập trung kiểm toán các dự án, công trình đầu tư xây dựng, công tác mua sắm, sửa chữa tài sản..., trong đó chú trọng đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả và chất lượng các dự án sử dụng vốn trái phiếu (trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương); tập trung kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, ngân hàng thương mại Nhà nước, đặc biệt là quá trình tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Kiểm toán Nhà nước tập trung kiểm toán việc thực hiện luật, chỉ thị và các văn bản của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Kiểm toán Nhà nước tổ chức theo dõi, cập nhật thường xuyên tình hình thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán về xử lý tài chính và kết quả hoàn thiện chính sách, pháp luật, phản hồi từ các đơn vị được kiểm toán. Nâng cao chất lượng, tinh thần trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm và trả lời kịp thời kiến nghị của các đơn vị được kiểm toán theo đúng quy định pháp luật.

Kiểm toán Nhà nước chủ động thu thập, củng cố bằng chứng đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật để kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, góp phần tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nâng cao chất lượng của báo cáo kiểm toán; thực hiện tốt chế độ báo cáo tiến độ kiểm toán theo từng cấp để kịp thời chỉ đạo, điều hành; tăng cường tham vấn các cơ quan quản lý, cơ quan ban hành chính sách để đảm bảo tính khả thi, thống nhất trong các kiến nghị kiểm toán.

Kiểm toán Nhà nước tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức về tính tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm đảng viên, lãnh đạo quản lý các cấp và trách nhiệm công vụ trên mỗi vị trí công tác; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ, giám sát chặt chẽ đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước; kiên quyết đấu tranh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống.

Ngoại trừ cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2012 đang thực hiện và sẽ kết thúc trong tháng 03/2014, toàn ngành hoàn thành 150 cuộc kiểm toán, đã phát hành 150 báo cáo kiểm toán. Tổng hợp kết quả kiểm toán từ 150 báo cáo kiểm toán đã phát hành, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 22.778,1 tỷ đồng. Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung và đề xuất bổ sung 71 văn bản không phù hợp với quy định chung của Nhà nước hoặc chưa phù hợp với thực tiễn; kiến nghị xử lý trách nhiệm 30 cá nhân và nhiều tập thể liên quan đến sai phạm phát hiện qua kiểm toán.


Quang Thuận
Đẩy mạnh kiểm toán việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế
Đẩy mạnh kiểm toán việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế

Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức Hội nghị triển khai chương trình công tác năm 2014. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và phát biểu chỉ đạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN