“Con gà” của phụ nữ

Hồi còn làm phóng viên thường trú ở tỉnh Lào Cai, tôi nhớ mãi “cái lý” của đồng bào mà cán bộ hội phụ nữ kể khi đi tuyên truyền về bình đẳng giới: Con gà trên sân là con gà của phụ nữ, con gà trên mâm là con gà của đàn ông. “Cái lý” vui vui, ngồ ngộ của bà con thế mà phản ánh sâu sắc quan niệm lạc hậu về bình đẳng giới đang tồn tại trên thực tế.

Ngày chủ nhật vừa qua, có dịp về công tác tại tỉnh Hải Dương mới thấy không khí tưng bừng của các cấp hội phụ nữ kỷ niệm ngày 8/3. Chị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cẩm Định (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) làm việc với đoàn chúng tôi mà liên tục nghe điện thoại để tạm hoãn lời mời dự gặp mặt liên hoan của chi hội phụ nữ các xóm. Có vẻ như trong dịp lễ Quốc tế phụ nữ này, “con gà trên mâm” đích thị là con gà của phụ nữ(!).“Con gà”...

Nhưng không hẳn vậy, chị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết, chi hội ở các xóm đều tổ chức gặp mặt, liên hoan, mỗi chị em chỉ góp khoảng 30.000 – 40.000 đồng để tham gia. Nhưng lúc ăn cũng chỉ ăn những đồ nấu phải ăn ngay, còn lại là mỗi chị một gói mang về cho chồng con. Thêm một ví dụ nữa về đức tính cao cả của người phụ nữ, hết lòng vì gia đình trước khi nghĩ đến bản thân.

Lịch sử ghi lại rằng, trước khi được Liên hợp quốc chọn làm ngày lễ chung cho phụ nữ trên toàn thế giới vào năm 1977, khởi nguồn của ngày 8/3 là các phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Đầu tiên là ngày 8/3/1857, các công nhân ngành dệt chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại thành phố New York (Mỹ). Các phong trào phụ nữ sau đó đã lấy khẩu hiệu là "Bánh mì và Hoa hồng". Bánh mì tượng trưng cho bảo đảm kinh tế gia đình, hoa hồng tượng trưng cho đời sống tốt đẹp hơn. Điều đó cho thấy, quyền lợi mà người phụ nữ đòi hỏi thực ra gắn liền với cuộc sống gia đình mà họ đang gánh vác.

Ở nước ta, đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ đã được ghi nhận và thực hiện dưới nhiều hình thức, trong đó Luật Bình đẳng giới đã được Quốc hội thông qua năm 2006, quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới. Luật đã xác định, bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Như vậy, đem câu chuyện “con gà” trên để chiếu theo quy định thì thấy: “Con gà của phụ nữ chính là con gà của mỗi gia đình”.

Bắc Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN