Côn Đảo, tháng Tư về!

Chuyến bay ra Côn Đảo tháng Tư đem lại cho tôi những cảm xúc rất riêng. Non nửa hành khách là đoàn các bác các cô vốn là cựu tù ra thăm lại đảo. Những người còn lại đến từ mọi miền. Cả người già, người trẻ và các cháu nhỏ. Nhiều người mang theo hương hoa... Có người phàn nàn, một ngày 5-6 chuyến bay mà vé vẫn rất khó kiếm!

Tôi hỏi cô gái ôm một bó hoa hồng vàng rất to:

- Cháu ra thăm mộ người thân?

- Không ạ. Cháu đi thăm Côn Đảo. Bó hoa này mang đi từ Hà Nội, cháu muốn được đặt lên mộ cô Võ Thị Sáu!

Hòn Bảy Cạnh còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên.

Cô tên là Đặng Hương, sinh viên ở Ôxtrâylia, đang về nước thăm gia đình. Cô nói rằng cha cô cũng là một chiến sĩ Trường Sơn năm xưa. Khi còn học trong nước, cô cũng thường theo cha đi thăm mộ đồng đội trên các chiến trường. Đặng Hương mới ngoài hai mươi tuổi. Khi hơn 7.000 phạm nhân trên đảo giành chính quyền, tự mình giải phóng cho mình gần 36 năm trước, cô cũng như bao bạn bè cùng trang lứa chưa chào đời. Lịch sử đã có độ lùi với khoảng cách một thế hệ.

Với tôi, Côn Đảo cũng là một kỷ niệm riêng. Đầu tháng 5/1975, ngay sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, từ Thành phố Hồ Chí Minh, tôi và nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long được Tổng Giám đốc TTXVN Đào Tùng giao nhiệm vụ xuống Vũng Tàu. Ngay sau khi đi lấy tài liệu, chụp ảnh, viết bài về Vũng Tàu những ngày đầu giải phóng, được biết chuyến tàu đầu tiên đưa các chiến sĩ cách mạng từ Côn Đảo về đến thành phố, chúng tôi tranh thủ xuống ngay khu đón tiếp không xa bến cảng chính và biết rằng, đây là một cơ hội nghề nghiệp rất quý báu. Trong những ngày xuân thống nhất đầu tiên ấy, các cuộc gặp mặt ở khu đón tiếp những chiến sĩ từ Côn Đảo tại Vũng Tàu rất đặc biệt. Hơn ai hết, những người ngày hôm qua còn là tử tù và sẵn sàng đón nhận sự hy sinh cảm nhận được sâu sắc niềm vui của tự do, thống nhất và đoàn tụ! Một buổi trưa, tôi đang ngồi trong lán bạt của khu đón tiếp viết bài “Nổi dậy từ hầm sâu Côn Đảo” để kịp gửi về thì nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long ở bên ngoài chạy vào, chiếc máy ảnh Roleiflex trên tay, gương mặt rạng rỡ nói: “Mình vừa chụp được một cảnh tuyệt vời! Một bà mẹ ở Tiền Giang ra tận đây gặp lại con là tử tù vừa được trở về!”.

Bên mộ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu.


Đó chính là bức ảnh “Mẹ con ngày gặp mặt” đã trở thành một biểu tượng của Mùa xuân 1975 lịch sử! Thì ra vào buổi trưa đó, với linh cảm tuyệt vời của một nhà nhiếp ảnh lớn, Lâm Hồng Long không ngủ. Ông đi lang thang trong khu đón tiếp và tình cờ gặp được cảnh người tử tù Lê Văn Thức gặp lại mẹ của mình sau bao năm xa cách. Lâm Hồng Long ghi lại cảnh đó bằng cả một cuốn phim 6x6 ở mọi góc độ khác nhau. Bức ảnh được biết đến rộng rãi được chọn từ 12 kiểu phim đó và đã đem lại vinh quang cho ông. Không phải là một sự tình cờ! Lịch sử đã chọn chính ông - một nhà nhiếp ảnh giàu tài năng, tâm huyết, người con của miền Nam sau nhiều năm ra Bắc tập kết trở về, người cảm nhận niềm vui sum họp từ trong máu thịt của mình - để ghi lại hình ảnh đó.

Kỷ niệm 36 năm trước trở về trong tôi trên mỗi nẻo đường Côn Đảo hôm nay. Xe chạy chậm, từ sân bay Cỏ Ống qua những địa danh nổi tiếng: Các khu trại Phú Hải, Phú Tài..., cầu tàu 914 - tên gọi ra đời do số người tù ngã xuống khi làm nên cầu tàu này; Ma Thiên Lãnh, nỗi kinh hoàng một thời; ngôi nhà Chúa đảo xưa, giờ là nơi trưng bày các di tích về 113 năm nhà tù Côn Đảo (1862-1975) là nơi giam cầm những người yêu nước, các chiến sĩ cách mạng!

Bác Trần Hiếu: “Phải sống sao cho phải với những người không còn có mặt hôm nay.


Đỗ Quốc Vương, hướng dẫn viên của Phòng Văn hóa - Du lịch Côn Đảo mới 27 tuổi, một thanh niên cao lớn, có giọng nói rất truyền cảm. Qua lời kể của anh, lịch sử Côn Đảo hiện lên với chiều sâu của thời gian và những câu chuyện hào hùng, bi tráng. Trên khu đảo từng là địa ngục trần gian khủng khiếp nhất này, hơn 22.000 người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc. Nhiều nhà lãnh đạo cách mạng từng bị giam cầm ở đây như Lê Hồng Phong, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng... Bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” (viết năm 1908) của nhà yêu nước Phan Chu Trinh khắc trên tường nhà tù vẫn lay động lòng người:

Những kẻ vá trời khi lỡ bước
Gian nan chi kể việc con con

Mộ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu trong nghĩa trang Hàng Dương luôn là một địa chỉ thu hút khách đến thăm Côn Đảo. Chúng tôi không bao giờ quên những giây phút cảm động khi dự lễ dâng hương tại đây. Những lời ca về Người con đất đỏ vẫn ngân lên đâu đây giữa tiếng rì rào của rừng dương trầm mặc: “Mùa hoa lêkima nở... sông núi vẫn hát tên người anh hùng...”.

Khi đến thăm An Sơn Miếu, thờ bà Hoàng Phi Yến, người thứ phi đã liều mình can chúa Nguyễn không cầu xin sự viện trợ của người Pháp để “cõng rắn cắn gà nhà” mấy thế kỷ trước và chấp nhận sự trừng phạt đối với cả hai mẹ con (bà bị giam cầm, bỏ lại đảo; con trai là hoàng tử Cải bị ném xuống biển), câu chuyện của Đỗ Quốc Vương cho người nghe một cảm nhận: Qua bao thăng trầm, lịch sử sẽ đặt mỗi con người vào đúng vị trí của họ!

Khách mới ra Côn Đảo chỉ cần đi bộ một vòng quanh thị trấn cũng đủ cảm nhận những đổi thay đang diễn ra ở đây. Khu Cảng mới đang được mở rộng, chợ Côn Đảo còn nghèo nhưng đông vui, nhiều khu nhà mới đang được xây dựng, gồm trường học, bệnh viện, công sở và cả những khu nghỉ mát cao cấp...

Chợ Côn Đảo.


Đồng chí Nguyễn Tấn Hóa, Chánh văn phòng Huyện ủy, thông báo với chúng tôi những con số có ý nghĩa: Trong 5 năm vừa qua, GDP của Côn Đảo có tốc độ tăng bình quân hàng năm trên 16%, với thu nhập bình quân đầu người đạt 1.064 USD. Đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tăng hơn 8 lần! Đầu tư nước ngoài có 12 dự án, ngoài du lịch còn có cả dự án nuôi cấy ngọc trai biển, năng lượng gió. Đầu tư trong nước có 6 dự án. Ngoài ra, còn có nhiều dự án nhỏ do nhân dân tự đầu tư... Tất cả những chuyển động đó nhằm biến Côn Đảo, mảnh đất lịch sử thiêng liêng “Bàn thờ của Tổ quốc” trở thành một khu kinh tế du lịch chất lượng cao trong quá trình đồng hành cùng cả nước bước vào thời kỳ phát triển mới!

Một buổi sáng, chúng tôi ra thăm hòn Bảy Cạnh, một trong 16 hòn đảo trong quần đảo này, cách đảo chính chừng 12 km và có những cuộc gặp gỡ rất thú vị.

Hai vợ chồng du khách người Nga, ông bà Sergei Akhipop và Lena Akhipova không tiếc lời khen vẻ hoang sơ thiên nhiên nơi đây. Ông Sergei còn nhắc đến những người bạn Việt Nam khi ông còn làm công tác nghiên cứu tại Học viện tăng và thiết giáp của Quân đội Liên Xô trước đây. Hai ông bà nói rằng, sau chuyến đi sẽ giới thiệu để nhiều người Nga biết và đến thăm Côn Đảo!

Anh Tư Triều cùng các bạn làm trong khu bảo tồn thiên nhiên ở đảo này lại cho chúng tôi biết về một khía cạnh khác: Các anh góp phần bảo vệ 7.000 hécta rừng nguyên sinh và hơn 13.000 hécta khu sinh thái biển của Côn Đảo. Tư Triều chỉ cho chúng tôi sơ đồ theo dõi đường đi của những đàn rùa và sự thay đổi của những rạn san hô biển... Hòn Bảy Cạnh xa đảo chính, nước ngọt, rau xanh hiếm và vắng cả bóng người! Công việc thầm lặng của họ giúp cho Côn Đảo giữ được vẻ đẹp nguyên sơ và giàu sức cuốn hút – một tài sản vô giá cho hôm nay và mai sau.

Cũng ở Hòn Bảy Cạnh, chúng tôi được gặp bác Trần Hiếu, năm nay đã 77 tuổi, một cựu tù chính trị ở Côn Đảo cách hơn 40 năm! Bác đi cùng gia đình từ Biên Hòa ra thăm lại đảo. Câu chuyện của bác kể về những năm tháng gian lao, sự hy sinh vô bờ bến của những người con ưu tú nhất của đất nước qua suốt chiều dài lịch sử... Dưới một tán bàng xanh bên bờ biển, bác Trần Hiếu nói nhỏ như chỉ để cho riêng mình nghe:

- Ra đây những ngày này, tôi nhớ tới các đồng chí, anh em bè bạn đã nằm lại trên mảnh đất này... Chúng ta là những người may mắn, phải sống sao cho phải với những người không còn có mặt hôm nay!

Cuộc trò chuyện của chúng tôi ở ngay bên bờ biển, không xa những rạn san hô và khu rừng ngập mặn, địa chỉ quen thuộc với mọi du khách đến thăm đảo. Tôi nhìn qua bờ vai của bác Trần Hiếu: Tháng Tư về, biển Côn Đảo trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc chưa bao giờ xanh đến thế!

Trần Mai Hưởng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN