Có quá nhiều loại quỹ trong dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), việc quy định cùng lúc 3 loại quỹ trong dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là quá nhiều hay không và cần cân nhắc kỹ.

Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, thông thường, nếu cơ quy định về quỹ trong dự thảo luật thì chỉ có một quỹ, nhưng dự thảo này có tới 3 loại quỹ: Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

“Quy định như vậy liệu có nhiều quá không? Vì lập quỹ liên quan đến tổ chức bộ máy hoạt động, trong điều kiện cải các thủ tục hành chính như hiện nay cần cân nhắc, xem xét”, đại biểu Tô Văn Tám đề xuất. 

Đại biểu Tô Văn Tám phát biểu.

Đại biểu Tô Văn Tám cũng đặt vấn đề, quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa (Điều 9) do UBND cấp tỉnh thành lập, quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Điều 20) do Chính phủ thành lập. Vậy Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo (Điều 18) cũng cần quy định rõ chủ thể thành lập, quản lý, hoạt động ra sao... 

Bên cạnh đó, tại Khoản 3, Điều 18 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định tham gia cùng quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo để đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Nhưng theo Khoản 2 điều này thì vốn của quỹ được hình thành từ vốn góp của nhà đầu tư tư nhân. Vậy Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo là một loại quỹ hay hai loại quỹ ? 

Đại biểu Tô Văn Tám cũng đề nghị làm rõ hơn quy định về việc cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vụ trang không được tham gia góp vốn vào Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

 Về vấn đề các loại quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu hiện nay, dự thảo Luật quy định 3 quỹ, trong đó có hai quỹ đã được thành lập và hoạt động là Quỹ bảo lãnh tín dụng và Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của hai quỹ này còn hạn chế, vì vậy cần kiện toàn tổ chức và mô hình hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn. 

Cụ thể, với Quỹ bảo lãnh tín dụng, đến nay đã có 27 quỹ được thành lập tại các địa phương. Tổng vốn điều lệ thực có ước khoảng 1.462 tỷ đồng, trong đó: vốn Ngân sách Nhà nước cấp là 1.318,4 tỷ đồng, vốn góp của các tổ chức, hiệp hội ngành nghề là 143,6 tỷ đồng, tuy nhiên hiệu quả hoạt động chưa cao. 

Để tăng hiệu quả hoạt động, Dự thảo Luật đã tiếp thu, quy định một số nguyên tắc về tổ chức, hoạt độn để bảo đảm quỹ có thể huy động được các nguồn lực ngoài ngân sách, đồng thời hoạt động kinh doanh có hiệu quả trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn chính thức của các tổ chức tín dụng. Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn kèm theo dự thảo Luật.

Với Quỹ phát triển doanh nghiêp nhỏ và vừa, hiện cho vay được rất ít. Tháng 10/2016, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa mới hoàn thiện khung pháp lý và chính thức đi vào hoạt động với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng (Theo Quyết định số 601/QĐ-TTg). Vốn điều lệ được cấp đến thời điểm hiện tại 837,25 tỷ đồng. Tổng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp trên 600 tỷ đồng, nhưng tổng số hồ sơ đạt yêu cầu do 3  Ngân hàng nhận ủy thác đề nghị Quỹ chấp thuận ủy thác đợt 1 là 20 hồ sơ với tổng nhu cầu vay vốn là khoảng 250 tỷ đồng. Tổng số vốn hỗ trợ thực tế Quỹ đã ủy thác cho ngân hàng để giải ngân cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ mới có 110 tỷ đồng.

Xuân Phong/Báo Tin Tức
 Quốc hội cần giám sát việc hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
Quốc hội cần giám sát việc hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV, sáng 23/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2018, Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018. Sau đó Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2018; Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN