"Có một hệ thống phương pháp cách mạng mang tên Lê Duẩn"

Nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907-7/4/2012), PGS.TS Trịnh Đình Tùng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có bài viết: “Có một hệ thống phương pháp cách mạng mang tên Lê Duẩn”. Báo Tin tức trân trọng giới thiệu bài viết này:


Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn



Năm 2007, nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Duẩn, chúng tôi đã đề cập đến những nét độc đáo trong phương pháp cách mạng của ông và đã khẳng định rằng đồng chí Lê Duẩn thực sự là một kiến trúc sư lỗi lạc về hệ thống phương pháp cách mạng Việt Nam. Liên quan đến vấn đề này, nhiều nhà hoạt động chính trị, nhiều nhà khoa học cũng đi sâu phân tích về phương pháp cách mạng của đồng chí Lê Duẩn. Tiếp tục tìm hiểu sâu hơn, đã đến lúc chúng ta nên thống nhất có một hệ thống phương pháp cách mạng mang tên Lê Duẩn.

Đồng chí Lê Duẩn, sinh ngày 7/4/1907, trong một gia đình lao động có truyền thống yêu nước tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sớm giác ngộ cách mạng, 19 tuổi đồng chí đã tham gia phong trào yêu nước. Năm 1928, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1930, đồng chí trở thành một trong những đảng viên lớp đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Từ năm 1946 đến năm 1954, với cương vị Bí thư Xứ uỷ, rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam , đồng chí đã lãnh đạo Đảng bộ miền Nam tổ chức cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đồng chí được Trung ương phân công ở lại lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam . Là người chịu trách nhiệm trước Đảng về cách mạng miền Nam, đồng chí đã khởi thảo bản Đề cương cách mạng miền Nam, chỉ ra phương hướng và những bước đi cơ bản của cách mạng miền Nam, góp phần tạo ra bước ngoặt của cách mạng miền Nam, đóng góp to lớn vào Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng về cách mạng miền Nam.


Trên cương vị là Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng liên tục trong 26 năm (1960-1986), cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần quan trọng vào việc hoạch định, hoàn thiện đường lối và phương pháp cách mạng, đường lối nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng và đã chỉ đạo thực hiện thành công các nhiệm vụ cách mạng của hai miền.
|

Đánh giá công lao và tài năng của đồng chí Lê Duẩn, Đảng ta khẳng định: “Là một nhà mácxít – lêninnít chân chính, đồng chí Lê Duẩn luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi, xuất phát từ tình hình thực tế, phân tích, giải quyết những vấn đề mới do cuộc sống đề ra. Sự sáng suốt của đồng chí thể hiện nổi bật trước những bước ngoặt lịch sử và những tình huống phức tạp” [1] .


Trong quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Lê Duẩn đã đưa ra được một hệ thống phương pháp cách mạng như phương pháp cách mạng tổng hợp, phương pháp biết thắng từng bước, phương pháp kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang… Hệ thống phương pháp đó có nhiều nét độc đáo của đồng chí Lê Duẩn như sau:


Thứ nhất, lịch sử phát triển của xã hội loài người và của dân tộc ta từ trước đến nay đã chứng tỏ rằng, chỉ có con người mới sáng tạo ra phương pháp và sử dụng phương pháp để cải tạo thiên nhiên, bắt thiên nhiên phải phục vụ cho đời sống con người, để cải biến xã hội, thúc đẩy xã hội loài người đi lên. Nhưng phương pháp nói chung, phương pháp cách mạng nói riêng không phải là sản phẩm duy ý chí, không phải là những kinh nghiệm hay những thủ đoạn chính trị thông thường, càng không phải là một công thức khuôn sáo cứng đờ, mà là kết quả của quá trình nhận thức sáng tạo trên cơ sở những luận cứ khoa học đúng đắn. Trong cuộc đấu tranh cách mạng cũng vậy, có đường lối cách mạng đúng đắn là điều kiện tiên quyết, nhưng chưa đủ để đưa cách mạng đến thắng lợi. Thắng lợi của cách mạng là kết quả của việc tổ chức thực hiện có hiệu quả những đường lối ấy, tức phương pháp tiến hành cách mạng. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lê Duẩn luôn luôn suy nghĩ về cách thức đưa đường lối vào thực tiễn, biến đường lối thành phong trào cách mạng của quần chúng. Vận dụng lí luận của Lênin về chiến lược và sách lược cách mạng, nắm vững phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh, tổng kết kinh nghiệm đấu tranh của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã nêu bật tầm quan trọng của phương pháp cách mạng. Đồng chí khẳng định: “Kinh nghiệm cho thấy phong trào cách mạng có khi giẫm chân tại chỗ, thậm chí thất bại nữa không phải vì thiếu phương hướng và mục tiêu đã rõ ràng mà chủ yếu vì thiếu phương pháp cách mạng thích hợp.


Phương pháp cách mạng cốt nhằm chiến thắng kẻ thù của cách mạng và làm sao để thắng địch một cách có lợi nhất, đưa cách mạng tới đích nhanh nhất. Ở đây, ngoài lòng dũng cảm, còn có sự khôn ngoan; đây không phải chỉ là khoa học mà còn là nghệ thuật nữa” [2] .


Nhận thức được vai trò hết sức to lớn của phương pháp cách mạng trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lê Duẩn đã xây dựng, sáng tạo một hệ thống phương pháp cách mạng được thể hiện đầy đủ trong một loạt các tác phẩm quan trọng như: Đề cương cách mạng miền Nam; Ta nhất định thắng, địch nhất định thua; Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới; Thư vào Nam; Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng…


Thứ hai, trên cơ sở xác định đúng và kiên định mục đích lâu dài cũng như mục tiêu cụ thể của mỗi giai đoạn mà xác định phương pháp cách mạng phù hợp. Mục đích nào thì phương pháp đó. Phương pháp đấu tranh giải phóng dân tộc của các nhà yêu nước hồi đầu thế kỷ XX mắc phải không ít sai lầm thiếu sót, dẫn đến những thất bại không tránh khỏi chính là do mục đích, đường lối không đúng của các bậc tiền bối đó. Khi xác định phương pháp cách mạng, đồng chí Lê Duẩn luôn luôn yêu cầu: “Điều có tính nguyên tắc là trong chính sách hằng ngày cũng như trong thực tiễn đấu tranh, dù dưới bất cứ hình thức gì và trong bất cứ điều kiện nào, người cách mạng không bao giờ được lãng quên mục đích cuối cùng. Coi cuộc đấu tranh vì những thắng lợi nho nhỏ hàng ngày, vì những mục tiêu trước mắt là “tất cả”, còn “mục đích cuối cùng chỉ là con số không”, “hy sinh tương lai của phong trào cho hiện tại” đó là biểu hiện của một thứ chủ nghĩa cơ hội tệ hại nhất, kết quả chỉ có thể giam hãm quần chúng nhân dân đời đời dưới ách nô lệ” [3]

Song chỉ nắm mục đích không thôi thì cũng chưa đủ khi xác định phương pháp cách mạng. Trên cơ sở nắm vững mục đích cách mạng, phải đề ra được mục tiêu cụ thể đúng đắn vào mỗi giai đoạn cách mạng. Bởi vì, cách mạng bao giờ cũng là quá trình lâu dài. Kể từ khi có những mầm mống đầu tiên cho đến khi đạt tới đích cuối cùng, cách mạng nhất thiết phải trải qua nhiều chặng đường đấu tranh gian khổ, quanh co, phức tạp, nhằm gạt bỏ hết trở ngại này đến trở ngại khác, làm biến đổi dần tình hình so sánh lực lượng giữa cách mạng và phản cách mạng, cho đến lúc tạo ra tình thế áp đảo đối với kẻ địch. Đẩy lùi kẻ địch từng bước, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn đó là phương pháp cách mạng khoa học của đồng chí Lê Duẩn xuất phát từ mục tiêu cụ thể của cách mạng. Đồng chí đã từng nói: “Biết thắng từng bước cho đúng có nghĩa là mỗi thời kì nhất định hay mỗi tình thế nhất định, biết đề ra được mục tiêu cụ thể sát hợp nhất, biết dựa theo quy luật khách quan mà điều khiển cuộc đấu tranh thế nào để thực hiện được mục tiêu đó với mức thắng lợi tối đa, mở đường cho cách mạng tiến lên những bước mới cao hơn và tạo ra triển vọng chắc chắn nhất cho thắng lợi cuối cùng” [4] .

Thứ ba, để xác định phương pháp cách mạng đúng đắn, khoa học, theo đồng chí Lê Duẩn, nhà cách mạng phải hiểu rõ đối tượng, nắm vững những quy luật vận động của đối tượng cần tác động. Đồng chí nhấn mạnh: “Trên con đường dài dẫn tới đích cuối cùng, không thể không chú ý đến những điều kiện cụ thể của cuộc đấu tranh trong mỗi thời kì nhất định, không thể không chú ý đến tình hình là về phía cách mạng quần chúng nhân dân đang tiến hành đấu tranh lúc nào, trong hoàn cảnh nào, trong tình hình sắp xếp các lực lượng xã hội ra sao; về phía địch thì chúng đang có chỗ mạnh, chỗ yếu như thế nào, đang dùng những thủ đoạn gì.. Phải luôn luôn chú ý với một tinh thần hết sức khách quan không những đến tình hình trong nước mà còn đến tất cả những nhân tố của nền kinh tế thế giới và mối tương quan giữa những lực lượng ấy. Không chú ý đến toàn bộ những nhân tố đó của sự vận động thực tế cụ thể thì người cách mạng giỏi lắm chỉ thấy được mục đích cuối cùng của cuộc đấu tranh, nhưng lại không nắm được những phương tiện để thực hiện mục đích, không tìm ra được những con đường, những biện pháp và những phương pháp thực tế để đạt mục đích và như vậy là có nguy cơ phạm những sai lầm nghiêm trọng trong việc chỉ đạo chiến lược và sách lược cách mạng” [5] .

Chính kiên định mục đích cuối cùng, đề ra được mục tiêu cụ thể đúng đắn và nhận thức đúng so sánh lưc lượng, quy luật vận động của cuộc chiến tranh cách mạng mà đồng chí Lê Duẩn đưa ra được các hình thức, phương pháp cách mạng sát đúng. Đồng chí cho rằng: “Chỉ có thể coi một phương pháp nào đó, một hình thức đấu tranh nào đó là tốt nhất, là đúng nhất khi nó đáp ứng đầy đủ yêu cầu của tình hình cụ thể, khi nó hoàn toàn phù hợp với những điều kiện trong đó nó được sử dụng , cho phép huy động đến mức cao nhất các lực lượng cách mạng và tiến bộ lên trận tuyến đấu tranh, cho phép khai thác triệt để những chỗ yếu của kẻ địch và do tất cả những điều đó có khả năng đưa lại thắng lợi lớn nhất mà tình hình so sánh lực lượng mỗi lúc cho phép” [6] .

Đồng chí Lê Duẩn vui Tết với đồng bào Quảng Bình, Vĩnh Linh và thăm quân khu Trường Sơn (1973)


Thứ tư, phương pháp cách mạng của đồng chí Lê Duẩn là kết quả của sự vận dụng một cách sáng tạo nghệ thuật quân sự, truyền thống đánh giặc của cha ông ta, kinh nghiệm quý báu của phong trào cách mạng quốc tế vào điều kiện cụ thể của cuộc chiến tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng: Chiến tranh nhân dân, toàn dân tham gia đánh giặc, kết hợp đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị với đấu tranh ngoại giao; luôn luôn chiến đấu với tinh thần quyêt chiến, quyết thắng, không sợ bất cứ một kẻ thù nào dù chúng hung bạo đến đâu; biết chớp thời cơ, biết đánh lâu dài khi cần thiết… đã trở thành truyền thống đánh giặc của cha ông ta, của dân tộc ta. Nghiên cứu nắm vững truyền thống đó, đồng chí Lê Duẩn vận dụng vào điều kiện cụ thể của cách mạng nước ta, ở mỗi thời kì lại đưa ra các hình thức, phương pháp đấu tranh thích hợp. Đồng chí Lê Duẩn khẳng định: “Trong quá trình đấu tranh, Đảng ta biết làm giàu trí tuệ cách mạng của mình, biết không ngừng phát triển bản lĩnh sáng tạo và nghệ thuật lãnh đạo chính trị của mình, không chỉ bằng cách phân tích, đúc kết và nâng cao những kinh nghiệm của bản thân cách mạng nước ta, mà còn bằng cách học tập một cách chăm chú, cẩn thận và có chọn lọc những kinh nghiệm cách mạng các nước trên cơ sở tính toán đầy đủ đên những điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam” [7] .

Thứ năm, phương pháp cách mạng của đồng chí Lê Duẩn không chỉ mang tính khoa học, tính nghệ thuật mà còn đòi hỏi sự sáng tạo, linh hoạt rất cao. Chúng ta biết rằng không có một phương pháp nào, kể cả phương pháp cách mạng là phương pháp vạn năng, thay thế cho phương pháp khác. Nó yêu cầu quá trình sử dụng phải hết sức năng động sáng tạo cho phù hợp với những yêu cầu của những hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

“Không lĩnh vực nào đòi hỏi người cách mạng phát huy trí tuệ sáng tạo nhiều như phương pháp tiến hành cách mạng. Cách mạng là sáng tạo, không sáng tạo thì cách mạng không thể thắng lợp được. Xưa nay không có và sẽ không bao giờ có một công thức duy nhất về cách tiến hành cách mạng thích hợp với mọi hoàn cảnh, mọi thời gian. Một phương thức nào đó thích hợp với nước này lại không thể dùng được ở nước khác; đúng trong thời kì này, hoàn cảnh này, song lại sẽ sai lầm nếu đem áp dụng máy móc vào thời kì khác, hoàn cảnh khác. Tất cả vấn đề này là tuỳ theo ở những điều kiện lịch sử cụ thể” [ 8] .

Như vậy, nhờ có đường lối chính trị, đường lối quân sự, phương pháp tiến hành cách mạng và chiến tranh cách mạng đúng đắn, sáng tạo, Đảng ta đã dẫn dắt dân tộc giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác trong thế kỉ XX, biến những điều tưởng chừng như huyền thoại trở thành hiện thực và những hiện thực đó lại trở thành huyền thoại.


Phương pháp cách mạng của đồng chí Lê Duẩn không chỉ góp phần quan trọng vào thắng lợi cuộc cách mạng nước ta trong thế kỉ XX, mà còn có ý nghĩa to lớn trong công cuộc đổi mới của nước ta hiện nay. Việc kiên định mục đích xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta theo hướng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh, xác định đúng mục tiêu cụ thể của mỗi thời kì, nắm vững những điều kiện cụ thể ở nước ta cũng như bối cảnh của thế giới và khu vực để sáng tạo ra những phương pháp xây dựng đúng đắn - nội dung cơ bản của phương pháp cách mạng của đồng chí Lê Duẩn, sẽ giúp chúng ta có cách thức, biện pháp bước đi thích hợp thực hiện mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời là: “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành [9] ".


[1] Điếu văn , đăng trên Báo Nhân Dân , ngày 16-7- 1986.

[2] Lê Duẩn: Tuyển tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2008, T2, tr. 562

[3] Lê Duẩn: Tuyển tập, sđd, tr. 564

[4] Lê Duẩn: Tuyển tập , sđd, tr.565-566

[5] Sđd, tr.565

[6] Sđd, tr.563

[7] Lê Duẩn: Tuyển tập, tr. 563-564…

[8] Sđ d, tr. 562-563
[9] Hồ Chí Minh: toàn tập NXB Chính trị quốc gia, H2000, t.4.tr. 161

PGS.TS Trịnh Đình Tùng
Tọa đàm “Đồng chí Lê Duẩn với cách mạng miền Nam”

Sáng 6/4, tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Đồng chí Lê Duẩn với cách mạng miền Nam”, nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, 37 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN