Cơ hội và thách thức từ cộng đồng kinh tế ASEAN

Cộng đồng kinh tế ASEAN đã chính thức được thành lập, đây là cơ hội để Việt Nam phát triển, nhưng cùng với đó, sẽ đi kèm nhiều thách thức.

Xung quanh vấn đề này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời trong Chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời”, trên VTV1, Cổng thông tin điện tử chính phủ, TTXVN và một số cơ quan ngôn luận khác.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Cộng đồng ASEAN đã chính thức được thành lập ngày 31/12/2015. Thuận lợi lớn nhất mà Cộng đồng đem lại cho người dân là tạo ra môi trường hòa bình, ổn định cho cả 10 nước trên cơ sở người dân được sống trong một khuôn khổ, khung cảnh được đảm bảo về môi trường hòa bình, ổn định, vì các nước cùng chia sẻ trách nhiệm để đảm bảo môi trường đó và có trách nhiệm giải quyết các vấn đề nếu có xảy ra liên quan đến 10 nước.

“Cơ hội có nhiều, nhưng thách thức cũng không ít, bởi người dân, doanh nghiệp nào tận dụng được cơ hội từ cộng đồng ASEAN mang lại, thì sẽ thụ hưởng được những thuận lợi, còn ngược lại sẽ gặp thách thức rất lớn, vì sự cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn, do không chỉ còn là cạnh tranh trong 90 triệu cư dân Việt Nam, mà là cả một cộng đồng 625 triệu người. Có thể nói, cộng đồng ASEAN có thể đem lại cơ hội trước mắt, cũng có thể cơ hội về lâu dài. Việc của chúng ta là làm sao để người dân hưởng thụ được hết lợi ích của cộng đồng mang lại. Đó là mục tiêu của các nhà lãnh đạo ASEAN khi xây dựng một cộng đồng hướng về người dân và lấy người dân làm trung tâm. Nhưng vấn đề rất lớn là những người thụ hưởng là người dân và doanh nghiệp hiện nay chưa nhận thức được đầy đủ về cộng đồng ASEAN, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, trong năm 2015, Việt Nam đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Malaysia và Philippines, đồng thời hoàn thành xây dựng khuôn khổ đối tác chiến lược với các nước có vai trò quan trọng trên thế giới và trong khu vực. Từ năm 2001 đến nay, Việt Nam đã xây dựng được 15 đối tác chiến lược, trong đó, chỉ riêng giai đoạn từ năm 2011 đến 2015, đã xây dựng được 9/15 đối tác chiến lược và 3/10 đối tác toàn diện, điều đó cho thấy Việt Nam hết sức coi trọng việc đưa quan hệ của mình với các nước quan trọng trên thế giới, với các nước láng giềng vào khuôn khổ mang tầm chiến lược, chiến lược về chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ.

Phó Thủ tướng phân tích, 15 nước đối tác chiến lược và 10 nước đối tác toàn diện đã chiếm trên 50% dân số thế giới và 50% tổng GDP toàn cầu. Điều đó cho thấy các nước đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam hết sức quan trọng. Hiếm có một nước trên thế giới xây dựng đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với cả 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước hầu như quan trọng nhất trên thế giới. Điều này cũng nói lên vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới. Đứng về mặt kinh tế thì 15 nước đối tác chiến lược và 10 nước đối tác toàn diện đã chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài. Như vậy, đối với người dân, dù là người sản xuất hay người tiêu dùng, đều được hưởng lợi từ những thành quả về quan hệ kinh tế thương mại với các nước này. Các nước này cũng là các nước nhập khẩu hầu như tất cả các sản phẩm mà chúng ta sản xuất ra để xuất khẩu như nông sản, dệt may, giày dép, hàng điện tử. Ngược lại, người dân Việt Nam cũng tiêu dùng các sản phẩm nhập khẩu phần lớn từ các nước này. Đây là những lợi ích hết sức cụ thể mà chúng ta phát triển quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với các nước này.

Phó Thủ tướng cho biết, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ở nước ngoài luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, các tỉnh thành trong việc mở rộng với các đối tác các nước thông qua các hình thức như là thông tin, kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với bên ngoài thông qua các diễn đàn về đầu tư, diễn đàn thúc đẩy thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng kinh doanh đầu tư ra nước ngoài, cũng như tìm được các đối tác hoặc nếu có những vấn đề phức tạp với đối tác thì cũng hỗ trợ cho các doanh nghiệp kết nối…

“Năm 2016, Việt Nam tiếp tục chủ trương tăng cường thúc đẩy quan hệ chính trị để tạo cơ sở tiền đề thuận lợi cho phát triển kinh tế thương mại, tích cực khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tích cực vận động nguồn hỗ trợ ODA cho Việt Nam cũng như tích cực thúc đẩy các nước mở rộng thị trường cho xuất khẩu của Việt Nam; tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp mở rộng cơ hội với các đối tác là các nước ở bên ngoài và ba là, tăng cường tuyên truyền về cộng đồng ASEAN để hướng cho doanh nghiệp, người dân đến một cộng đồng kinh tế đang phát triển trong năm 2016 đi vào thực hiện”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Trọng Thủy
Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 đang hội nhập năng động
Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 đang hội nhập năng động

Ban Thư ký ASEAN ngày 21/11 thông báo đã phát hành tài liệu Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 (AEC): Tiến bộ và thành tựu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN