Chuyển biến mạnh mẽ từ Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII - Bài 2: Lựa chọn cán bộ tốt để tạo nguồn và sử dụng

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, tỉnh Phú Thọ đã đạt được kết quả đáng quan trọng công tác xây dựng Đảng, được toàn Đảng, dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Trong đó, nổi bật là công là công tác quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ, từ đó đã xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài để phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Chú thích ảnh
 Điểm bỏ phiếu tại nhà văn hóa Khu 2, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ sẵn sàng cho ngày bầu cử. Ảnh tư liệu: Trung Kiên/TTXVN

Đưa cán bộ đủ đức, đủ tài vào quy hoạch

Trước đây, không ít cán bộ lãnh đạo và đảng viên cho rằng việc quy hoạch cán bộ là đặc quyền của người đứng đầu cơ quan cấp ủy và cơ quan tổ chức cán bộ, nếu công khai danh sách quy hoạch thì cán bộ sẽ bị “lộ”, dẫn đến dễ bị tác động tiêu cực làm "chệch nguồn". Thực tế tại Phú Thọ cho thấy, việc công khai quy hoạch là đúng đắn, có nhiều ưu điểm hơn so với việc không công khai, bởi nó động viên tinh thần và tạo cơ sở có tính pháp lý để cán bộ, công chức cố gắng phấn đấu, trưởng thành.

Để minh chứng, từ nhiều năm nay việc quy hoạch cán bộ tại tỉnh Phú Thọ được thực hiện công khai, minh bạch rộng rãi, phát huy dân chủ trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân đóng góp. Với phương châm quy hoạch cấp dưới làm căn cứ, cơ sở cho quy hoạch của cấp trên; quy hoạch cấp trên là kết quả, động lực thúc đẩy và tạo điều kiện thực hiện quy hoạch cấp dưới, đảm bảo yêu cầu “mở” và “động”. Bên cạnh đó, việc quy hoạch bảo đảm sự liên thông của khóa trước với khóa sau; quy hoạch ngành với quy hoạch từng địa phương, khắc phục tình trạng khép kín trong quy hoạch; đồng thời mở rộng dân chủ trong việc giới thiệu nguồn từ cơ sở, thực hiện đầy đủ, chặt chẽ có sự tham gia bàn bạc, giới thiệu, tự đề cử để kịp thời điều chỉnh, bổ sung quy hoạch theo từng năm và từng giai đoạn, đảm bảo số dư cần thiết về cán bộ dự nguồn cho mỗi chức danh.

Thực tế tại huyện Thanh Ba, khâu đánh giá cán bộ trong quy hoạch cán bộ được coi là tiền đề, yếu tố bắt buộc thực hiện. Việc đánh giá cán bộ dựa trên ba tiêu chí cơ bản là năng lực thực tiễn, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và triển vọng phát triển. Sau khi có kết quả kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ hằng năm thì vào quý I năm sau, Huyện ủy rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đủ tiêu chuẩn. Trong nhiệm kỳ 2016-2020, Huyện ủy Thanh Ba đã đưa 32 cán bộ ra khỏi quy hoạch vì các lý do như không đủ tuổi được bổ nhiệm và chuyển công tác, đồng thời bổ sung 44 đồng chí vào quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. Đối với quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025, Huyện ủy cũng đưa ra khỏi quy hoạch 16 trường hợp, trong đó có năm trường hợp không khả thi, đồng thời bổ sung vào quy hoạch những cán bộ có triển vọng phát triển. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, Huyện ủy xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cả về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ này. Với cách làm này, huyện Thanh Ba đã lựa chọn đưa vào quy hoạch những cán bộ thực sự có đức, có tài để đưa vào nguồn kế cận, dự bị; từng bước giao nhiệm vụ, thử thách, rèn luyện nhằm tạo nguồn bổ sung cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, xây dựng đội ngũ cán bộ "vừa hồng, vừa chuyên".

Ông Bùi Đình Thi, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, lựa chọn nguồn cán bộ có chất lượng tốt để quy hoạch luôn là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Chất lượng đội ngũ cán bộ trong quy hoạch được nâng lên, đảm bảo số lượng và cơ bản đảm bảo cơ cấu về tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cơ cấu ngành, lĩnh vực theo quy định, làm cơ sở cho việc chủ động xây dựng phương án nhân sự cấp ủy, nhân sự các cấp đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.

Theo ông Thi, công tác quy hoạch cũng được gắn chặt chẽ với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức viên chức được đổi mới, đó là thực hiện đào tạo theo chức danh, vị trí việc làm, ngạch công chức, viên chức; chức danh quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảm bảo chuẩn về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu; cơ cấu đào tạo theo quy định; tăng cường luân chuyển cán bộ các cấp theo quy hoạch từng thời kỳ để đào tạo thực tiễn.

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh Phú Thọ đã thực hiện ra soát, bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ 2015-2020 đối với 15.906 lượt cán bộ, trong đó quy hoạch chức danh thuộc Ban Thường vụ quản lý 1.872 lượt cán bộ, quy hoạch thuộc cán bộ quản lý cấp phòng, ban cấp cơ sở hơn 14.000 lượt cán bộ. Riêng nhiệm kỳ 2020-2025, đã rà soát, bổ sung quy hoạch đối với 20.720 lượt cán bộ, trong đó quy hoạch chức danh thuộc Ban Thường vụ quản lý 2.393 lượt cán bộ, quy hoạch thuộc cán bộ quản lý cấp phòng, ban cấp cơ sở hơn 18.327 lượt cán bộ.

Gắn với sử dụng nguồn cán bộ

Xác định cán bộ là cái gốc của mọi công việc, sử dụng cán bộ phù hợp sẽ tạo ra những hiệu quả quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Nhận thức rõ điều này, những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch với đào tạo, luân chuyển và đề bạt cán bộ. Ngoài việc cử cán bộ đi đào tạo theo lĩnh vực được quy hoạch, tỉnh chú trọng luân chuyển cán bộ được quy hoạch để đào tạo, xử lý hài hòa việc sử dụng cán bộ quy hoạch tại chỗ với cán bộ được quy hoạch ở nơi khác. Thực tế cho thấy, nếu cán bộ kinh qua nhiều vị trí công tác sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết, Phú Thọ đã thực hiện luân chuyển 534 lượt cán bộ, trong đó từ tỉnh về huyện là 26 lượt, từ huyện về tỉnh 30 lượt... Trong đó, hầu hết là cán bộ trẻ, có triển vọng từ tỉnh xuống huyện và ngược lại; đồng thời kết hợp luân chuyển với thực hiện bố trí chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương. Các cán bộ được luân chuyển đảm bảo cả về số lượng và chất lượng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, góp phần vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ cũng đã xem xét bổ nhiệm và giới thiệu ứng cử bầu giữ các chức vụ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý 291 lượt cán bộ, trong đó bổ nhiệm 112 lượt, giới thiệu ứng cử 185 lượt. Hầu hết cán bộ được bổ nhiệm, giới thiệu đều có triển vọng, có tín nhiệm, trải qua nhiều vị trí công tác, đã khẳng định năng lực trong thực tiễn.

Trong đó, nhiều đồng chí được điều động, bổ nhiệm làm Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện đều trẻ, dưới 50 tuổi như Bí thư Huyện ủy Thanh Ba, Tam Nông, Thanh Sơn, Tân Sơn; Chủ tịch UBND các huyện Lâm Thao, Tân Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng. Đây cũng chính là nguồn cán bộ được quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và quy hoạch cao hơn trong các nhiệm kỳ tới.

Đáng chú ý, nhiều đồng chí sau khi được điều động về địa phương khi trở lại đã nắm giữ các cương vị chủ chốt ở tỉnh như Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ, các Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, UBND; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,… đều có thể cống hiến ít nhất hai nhiệm kỳ.

Ông Hoàng Công Thủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ của tỉnh Phú Thọ đã có sự gắn kết trong một chỉnh thể với tầm nhìn dài hạn, vì cái chung, đảm bảo về số lượng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong đó, công tác bổ nhiệm được mở rộng dân chủ, lấy ý kiến của các cơ quan liên quan để có nhiều thông tin nhận xét, đánh gia cán bộ trước khi bổ nhiệm; đồng thời thực hiện nền nếp việc trình bày chương trình hành động của cán bộ trong quy hoạch khi lấy phiếu tín nhiệm để bổ nhiệm. Nhờ vậy, các cán bộ được bổ nhiệm, luân chuyển đều có nâng lực quản lý điều hành, có tín nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu vị trí công tác mới, tạo được sự thống nhất trong cấp ủy, sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên nơi công tác…

Bài 3: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng

Đào An - Tạ Toàn - Trung Kiên (TTXVN)
Chuyển biến mạnh mẽ từ Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII - Bài cuối: Tiếp tục bứt phá đi lên
Chuyển biến mạnh mẽ từ Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII - Bài cuối: Tiếp tục bứt phá đi lên

Từ những chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, tỉnh Phú Thọ đã đúc rút được nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu; đồng thời đưa ra những giải pháp trọng tâm tạo bước đột phá mới trong công tác xây dựng đảng và phát triển kinh tế, xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN