Chuẩn bị tốt cho kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII

Sáng 26/9, tại Hà Nội đã khai mạc phiên họp thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) có nhiệm vụ trọng tâm là chuẩn bị tốt cho kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII. Về công tác xây dựng luật, UBTVQH sẽ thảo luận về 7 dự án luật: Luật Quảng cáo; Luật Quản lý giá; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Giám định tư pháp; Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII; cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ...

Cấm lợi dụng danh nghĩa cơ quan nhà nước để quảng cáo

Ngay sau khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, UBTVQH đã thảo luận Luật Cơ yếu. Qua thảo luận, các đại biểu đều tán thành với việc chuyển Ban Cơ yếu Chính phủ từ Bộ Nội vụ sang trực thuộc Bộ Quốc phòng. Bộ Quốc phòng có truyền thống và có bề dày kinh nghiệm quản lý công tác cơ yếu; thực tiễn hiện nay số lượng người làm công tác cơ yếu trong hệ thống cơ yếu quân đội nhân dân chiếm tỷ lệ cao (khoảng 45% ngành cơ yếu). Trên cơ sở nhất trí chuyển Ban Cơ yếu Chính phủ từ Bộ Nội vụ sang trực thuộc Bộ Quốc phòng, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị vẫn giữ ổn định tên gọi, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Cơ yếu Chính phủ như hiện nay.

Thời gian còn lại của buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã thảo luận về dự án Luật Quảng cáo.

Tại Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đề cập tới những kết quả đã đạt được sau gần 10 năm thực hiện Pháp lệnh quảng cáo (2002-2011) và các văn bản hướng dẫn thi hành, cũng như những hạn chế, những quy định không còn đáp ứng yêu cầu phát triển của hoạt động quảng cáo. Bộ trưởng khẳng định: Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn về phát triển hoạt động quảng cáo, khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành thì việc ban hành Luật Quảng cáo là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng: Về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cần nêu rõ “Cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình và bồi thường thiệt hại cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo khi đưa ra quyết định không đúng, gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật”. Về những nội dung cấm trong hoạt động quảng cáo, Thường trực Ủy ban yêu cầu bổ sung quy định cấm doanh nghiệp lợi dụng danh nghĩa cán bộ, công chức, nhân viên chuyên môn hay hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan, tổ chức để quảng cáo, nhằm tạo niềm tin cho người tiếp nhận quảng cáo.

Bình ổn giá cả, thị trường bằng biện pháp đăng ký giá

Chiều 26/9, UBTVQH đã cho ý kiến vào dự thảo Luật Giá. Bình ổn giá thị trường và định giá của Nhà nước là những vấn đề được nhiều ý kiến quan tâm phân tích.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, dự thảo quy định khi giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống và an ninh quốc phòng có biến động thất thường hoặc khi toàn bộ mặt bằng giá có biến động thất thường, Nhà nước sẽ thực hiện bình ổn giá bằng một hoặc một số biện pháp phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế tại thời điểm đó sao cho có hiệu quả nhất. Quy định này là điểm mới so với Pháp lệnh Giá, mục tiêu chủ yếu là góp phần kiểm soát lạm phát; ổn định tình hình kinh tế-xã hội và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước. So với Pháp lệnh Giá, dự thảo đã bổ sung một số biện pháp quan trọng để bình ổn giá thị trường, trong đó có biện pháp đăng ký giá.

Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, so với Pháp lệnh Giá hiện hành, dự thảo đã hoàn thiện thêm một bước khuôn khổ pháp lý, bổ sung một số quy định mới, chi tiết hơn một số nội dung như quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động về giá; về điều tiết giá của Nhà nước, về thẩm định giá... Tuy nhiên, chưa làm nổi bật được những điểm đột phá, những sửa đổi căn bản; chưa làm rõ được bước tiến mới về chất để khắc phục hạn chế so với khung pháp lý hiện hành và mục tiêu đề ra. Nhiều quy định mâu thuẫn với mục tiêu phù hợp cơ chế thị trường và xu thế hội nhập; tập trung quy định về nội dung quản lý nhà nước, trong đó chú trọng quyền lực, vai trò các cơ quan nhà nước trong quyết định giá, thể hiện sự can thiệp quá sâu của Nhà nước về quan hệ cung cầu. Bên cạnh đó, dự thảo có tới 15/51 điều, khoản giao Chính phủ, Bộ Tài chính quy định cụ thể. Nhiều nội dung còn mang tính định tính, quy định chung chung sẽ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã giải trình, tiếp thu 13 vấn đề cụ thể mà Ủy ban Tài chính Ngân sách đưa ra về: Nguyên tắc quản lý, điều hành giá; thanh tra chuyên ngành về giá; hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh... Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng, luật chỉ quy định có tính định hướng những nhóm hàng hoặc loại hàng hóa, dịch vụ Nhà nước cần định giá, bình ổn giá theo những nguyên tắc và tiêu chí nhất định. Việc xác định danh mục cụ thể nên giao Chính phủ quy định để đảm bảo phù hợp chức năng, thẩm quyền của Chính phủ, vừa bảo đảm tính linh hoạt và phù hợp với thực tiễn vì tính chất, đặc điểm của các hàng hóa, dịch vụ cụ thể có thể thay đổi theo thời gian do tác động bởi chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý của Nhà nước. Bộ trưởng khẳng định, việc định giá của Nhà nước phải tuân theo cơ chế thị trường, không áp đặt, chủ quan.

Quỳnh Hoa - Thanh Hòa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN