Chuẩn bị kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII: Lấy ý kiến đóng góp vào các dự án luật

Chuẩn bị kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp về các dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phòng, chống rửa tiền.

Hầu hết các đại biểu bày tỏ sự thống nhất cao đối với dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) vì đã có sự gắn bó trực tiếp với việc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Đặc biệt, dự thảo luật này đã đưa ra một số nội dung mới so với Luật Tài nguyên nước năm 1998 như việc quản lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên nước… Một số đại biểu cho rằng, việc giao quyền cho UBND các cấp xem xét và giải quyết được nêu trong 18 điều/73 điều là quá nhiều và cần xem xét lại; trong điều luật vẫn chưa có quy định chế tài xử phạt khi vi phạm; thời gian chiến lược quy hoạch tài nguyên nước còn ngắn… Các đại biểu cũng đã góp ý chỉnh sửa một số từ, cụm từ, khái niệm… chưa chính xác trong dự thảo luật.

Về Dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi, đa số đại biểu thống nhất với cơ cấu và hình thức của dự án luật gồm có 7 chương và 39 điều. Tuy nhiên, về tên gọi của dự án luật do xác định đối tượng áp dụng khác nhau, nên phát sinh hai loại ý kiến: Hoặc vẫn giữ nguyên tên “Luật Bảo hiểm tiền gửi”, hoặc bổ sung thành “Luật Bảo hiểm tiền gửi cá nhân”. Tất cả đại biểu đều thống nhất đề nghị bổ sung thêm 2 loại tiền gửi được bảo hiểm là ngoại tệ và kim loại quý (vàng…); thống nhất việc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập tổ chức bảo hiểm tiền gửi và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý hoạt động nhằm đảm bảo vị thế độc lập tương đối của Bảo hiểm tiền gửi và tăng niềm tin cho người gửi tiền.

Về dự án Luật Phòng chống rửa tiền, đa số các đại biểu đều cho rằng đã đến lúc phải ban hành Luật Phòng chống rửa tiền nhằm ngăn chặn những mặt trái, tiêu cực của cơ chế thị trường, nhất là trong thực tế ở Việt Nam hiện nay, tình trạng sử dụng tiền mặt khá phổ biến đã tạo nhiều kẽ hở cho hoạt động rửa tiền, có thể gây ra nhiều tác hại lớn như làm suy yếu hệ thống tài chính, tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại và luân chuyển vốn.

Ngày 17/2, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đã tổ chức góp ý kiến Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), dự kiến sẽ thông qua trong kỳ họp lần thứ 3 của Quốc hội khóa XIII. Các ý kiến cho rằng, ngoài lĩnh vực ngân hàng, tài chính, Luật Phòng, chống rửa tiền còn liên quan đến nhiều lĩnh vực phi tài chính, nhưng dự thảo luật chỉ tập trung vào ngân hàng, chưa đề cập đến sự cần thiết, vai trò, trách nhiệm của quản lý nhà nước; cần bổ sung các ngành liên quan như Công an, Tòa án, Viện kiểm sát... Các ý kiến đề nghị cần thành lập Cơ quan phòng, chống rửa tiền, Trung tâm thông tin và bổ sung vào Luật hình thức khen thưởng cho tập thể, cá nhân phát hiện trường hợp vi phạm rửa tiền.

Về Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), các ý kiến bày tỏ sự lo ngại về tình trạng cạn kiệt nguồn tài nguyên nước thiên nhiên và ô nhiễm môi trường, khai thác nguồn nước không hợp lý... Luật còn nhiều điều bất hợp lý như có nhiều qui định “Vùng lãnh hải” nhưng trong phạm vi điều chỉnh và giải thích từ ngữ không đề cập.

Ngày 17/2, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các ngành có liên quan vào Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Các ý kiến tập trung đóng góp vào các vấn đề như: tiền lương và tiền lương tối thiểu; tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm; hợp đồng lao động, các loại hợp đồng lao động; thương lượng tập thể và thỏa ước lao động tập thể; thời giờ làm thêm; thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ; giải quyết tranh chấp lao động… Về tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ, đa số các đại biểu có ý kiến đề nghị nên tăng tuổi nghỉ hưu cho lao động nữ lên mức từ 58 đến 60 tuổi vì theo tính toán của bảo hiểm xã hội, đến năm 2022, quỹ BHXH sẽ không cân đối được nếu cứ giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là 55.

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN