Chủ tịch Quốc hội: Hàng trăm dự án còn thiếu vốn, sao lại đầu tư dự án mới?

Chính phủ cần trả lời xem tại sao có hàng trăm dự án chuyển tiếp ở các bộ, ngành Trung ương, địa phương hay những dự án đã quyết toán, một số chuyển tiếp, một số sắp hoàn thành nhưng bố trí thiếu vốn từ 30% trở lên; trong khi lại bố trí vốn cho những dự án khởi công mới.

Đây là câu hỏi mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt ra khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 chiều 21/2. Cũng trong chiều nay, phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc.


Nên thực hiện theo thứ tự ưu tiên


Cho ý kiến về vấn đề phân bổ vốn đầu tư công trung hạn, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, nguồn vốn cho đầu tư công trung hạn hiện rất hạn hẹp, Nhưng sau khi tính toán trừ cả tỷ lệ dự phòng rồi vẫn còn 45.000 tỷ đồng chưa có phương án phân bổ. Vì vậy, đề nghị làm rõ nguồn vốn này như thế nào, phương hướng phân bổ ra sao.


Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình cũng cho rằng, chưa thấy ý tưởng lớn của đầu tư công trung hạn trong 5 năm tới. "Đất nước có bao nhiêu mảng, đầu tư trung hạn cho từng mảng chiếm bao nhiêu %. Ví dụ, đầu tư cơ sở vật chất cho quản lý nhà nước, đầu tư cho hệ thống tư pháp dành bao nhiêu % để hoàn thiện cơ sở vất chất, đầu tư cho quốc phòng an ninh, giáo dục, khoa học, môi trường... thế nào?", ông Phan Thanh Bình đặt câu hỏi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu ý kiến tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Theo các đại biểu, việc phân bổ vốn đầu tư công trung hạn là vấn đề khó và phức tạp. Thực tế vẫn chưa khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư kém hiệu quả. Vậy chương trình đầu tư trung hạn này có khắc phục được tình trạng này hay không, có đáp ứng được các công trình, dự án cấp thiết cho đất nước để tạo ra sự chuyển biến tốt hơn hay không ?


"Vì thế phải xác định cái gì đề ưu tiên đầu tư trước. Theo tôi, một là ưu tiên vốn cho những dự án còn nợ đọng cơ bản nhưng đã xong, đã đi vào khai thác, sử dụng. Thứ 2 là thu hồi khoản ứng vốn trước. Thứ 3 là vốn đối ứng của các công trình dự án OAD mà ta cam kết. Thứ 4 là vốn đối ứng để thực hiện các công trình dự án công tư PPP. Thứ 5 là vốn cho các công trình dự án đúng quy trình thủ tục đã được phê duyệt. Trong 2 triệu tỷ đồng vốn đầu tư trung hạn 5 năm năm này thì phải tập trung giải quyết những cái này đã. Còn lại, mới căn cứ Luật đầu tư công, với dự án có đủ điều kiện thì đầu tư mới nhưng phải đảm bảo vốn theo tiến độ đầu tư được phê duyệt", Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề xuất.


Đây cũng là ý kiến của Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng. "Việc phân bổ vốn phải công khai, minh bạch. Nhất trí với đề nghị của Chính phủ, với bộ, ngành, địa phương nào chưa có báo cáo thì để sau. Chỉ thông báo những chương trình dự án nào đã được Chính phủ thẩm định, đủ điều kiện. Địa phương nào chưa báo cáo thì phân bổ cái gì”, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.


Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc phân bổ vốn cần được thống nhất về nguyên tắc, còn cụ thể sẽ do Quốc hội giám sát. Nhưng Chính phủ cần trả lời mấy câu hỏi như: Danh mục dự án có cái chưa ổn, vẫn còn "chưa gặp nhau giữa bộ, ngành, địa phương". Những vấn đề bộ, ngành, địa phương nêu ra thì Chính phủ phải cho phương án xử lý. Ví dụ, Cần Thơ xin không thu hồi vốn ứng trước,  Phú Yên thì đề nghị làm đường ... thì xử lý ra sao.


Bên cạnh đó, "Chính phủ cần trả lời xem tại sao có hàng trăm dự án chuyển tiếp ở các bộ, ngành trung ương, địa phương dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020; hay những dự án đã quyết toán, một số chuyển tiếp, một số sắp hoàn thành nhưng bố trí thiếu vốn từ 30% trở lên; trong khi lại bố trí vốn cho những dự án khởi công mới. Thậm chí có những dự án chưa có quyết định đầu tư nhưng đã được bố trí vốn", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi. 


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu, việc bố trí vốn phải bám sát Nghị quyết 26/2016/QH14. Chính phủ phải rà soát lại một số dự án trọng điểm quốc gia như đường Hồ Chí Minh; rà soát lại các đề xuất của bộ ngành, địa phương và gửi báo cáo cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.


Phân bổ vốn không đúng quy định sẽ đưa vào dự phòng


Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã thông qua tổng số vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 2 triệu tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách trung ương là 1.120 nghìn tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương là 880 nghìn tỷ đồng.


Trong số vốn trên, 85.000 tỷ đồng đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia; 72.817 tỷ đồng cho 2 chương trình quốc gia; dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn gồm: dự phòng chung 10% theo từng nguồn vốn; các bộ, ngành, trung ương và địa phương dành 10% dự phòng trên tổng mức vốn được phân bổ kế hoạch trung hạn theo từng nguồn vốn.


Tuy nhiên do mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 giảm khá so với mức dự kiến ban đầu, nên các bộ, ngành, trung ương và địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong điều chỉnh phương án phân bổ chi tiết.


Một số bộ, ngành, trung ương và địa phương chưa chấp hành nghiêm các nguyên tắc, tiêu chỉ phân bổ vốn. Đến ngày 15/1/2017, vẫn còn 19 địa phương chưa gửi phương án phân bổ chi tiết danh mục dự án nhóm B trở lên sử dụng vốn cân đối ngân sách địa phương; 18 bộ, ngành trung ương và 37 địa phương phân bổ vốn ngân sách trung ương chưa đúng quy định.


Còn 3 địa phương (Ninh Bình, Thái Bình, Bình Định) chưa gửi phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2020 và 3 bộ, ngành trung ương (Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) chưa dự kiến phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn thu để lại chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 (tính đến 17/2/2017).


Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng nhận thấy, vẫn còn những dự án chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội, Luật đầu tư công. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng tiếp diễn các tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2011-2015 như dàn trải, manh mún trong bố trí vốn, dự án dở dang, không hoàn thành do thiếu vốn đầu tư,... 


"Đến hết ngày 28/2, bộ, ngành, địa phương nào phân bổ không đúng quy định sẽ thực hiện cắt giảm, đưa vào dự phòng chung vốn đầu tư ngân sách trung ương", Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.


Xuân Phong
Thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020
Thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020

Sáng 10/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN