Chủ tịch nước dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam XII

Ngày 20/9, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2014-2019 đã diễn ra tại Hà Nội. Các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự đại hội.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự và phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN.


Tham dự đại hội còn có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và 336 đại biểu đại diện cho 46.000 hội viên Hội Luật gia trong cả nước.

Trong diễn văn khai mạc đại hội, ông Nguyễn Văn Hiện, Trưởng Ban tư pháp, Bí thư Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam, cho biết, trong nhiệm kỳ XI (2009-2014) vừa qua, có nhiều sự kiện quan trọng đã diễn ra trong tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam. Hội Luật gia Việt Nam đã phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XI đề ra; tất cả các lĩnh vực hoạt động của các cấp hội đều có một bước phát triển mới toàn diện hơn, vững chắc hơn; vị trí, vai trò của hội được các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân và bạn bè quốc tế tin tưởng và đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội và điều kiện cho hoạt động của hội trong những năm tiếp theo.

Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng và biểu dương các thành tích mà Hội Luật gia Việt Nam đã đạt được. Đánh giá cao những kết quả đạt được của Hội Luật gia thời gian qua, Chủ tịch nước nêu rõ: Trong lịch sử vẻ vang gần 60 năm qua, Hội Luật gia Việt Nam đã có nhiều cống hiến cho đất nước, dân tộc và có những bước phát triển rất đáng tự hào. Trong kháng chiến chống Mỹ cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đội ngũ luật gia không ngừng tăng lên về số lượng, nâng cao chất lượng, góp phần cùng cả dân tộc đánh thắng ngoại xâm; ngày nay có nhiều cống hiến cho sự nghiệp tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các đại biểu dự Đại hội. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN.


Chủ tịch nước nhấn mạnh: Nhiệm kỳ vừa qua, Hội Luật gia Việt Nam đã phát huy tích cực vai trò thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, thành viên của Hội Luật gia các nước ASEAN, Hội Luật gia dân chủ thế giới. Trước tình hình chủ quyền biển, đảo bị xâm phạm, hội đã chủ động ra tuyên bố, phối hợp tổ chức các hội thảo, hội nghị quan trọng, hợp tác chặt chẽ với Hội Luật gia dân chủ quốc tế và nhiều tổ chức, cá nhân luật gia trong và ngoài nước tổ chức các sự kiện pháp lý để góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc...

Chủ tịch nước cho rằng Đại hội Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XII diễn ra khi đất nước đang đứng trước những vận hội phát triển mới, nhưng cũng đầy thách thức, khó khăn, trong đó có những tiềm ẩn nguy cơ phương hại quá trình phát triển đất nước. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh hơn bao giờ hết nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân lại càng phải được coi trọng. Cùng với toàn Đảng, toàn dân, giới luật gia Việt Nam là một trong những lực lượng không thể thiếu nhằm góp phần bảo vệ công lý và công bằng xã hội, đấu tranh chống thói hư tật xấu, tham nhũng, quan liêu và lạm dụng chức quyền, cùng chung tay góp sức xây dựng Đảng, Nhà nước ta thực sự trong sạch, vững mạnh.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu Hội Luật gia Việt Nam cần tích cực, khẩn trương tổ chức thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ mà đại hội đề ra. Chủ động, sáng tạo, đa dạng hóa các hoạt động của hội. Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng đội luật gia, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng nghề nghiệp trong đội ngũ của mình, đồng thời chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và thu hút các luật gia trẻ tham gia các hoạt động của hội. Cùng với tiếp tục chủ trì hoặc tham gia soạn thảo một số dự án luật, hội cần tăng cường tham gia công tác giám sát, phản biện về chính sách, pháp luật; làm nòng cốt trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách; tham gia hòa giải ở cơ sở, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân. Bên cạnh đó, Đảng đoàn Trung ương Hội Luật gia cần quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; xây dựng các tổ chức Đảng trong các đơn vị trực thuộc của Hội Luật gia Việt Nam thực sự trong sạch, vững mạnh.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, Chủ tịch nước lưu ý Hội luật gia Việt Nam cần quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; tham gia tích cực, hiệu quả vào cải cách tư pháp, cải cách hành chính, đổi mới công tác lập pháp; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế với những luật gia tiến bộ ở các nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế, nhất là trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, góp phần bảo vệ công lý, hòa bình trong khu vực và trên thế giới. Chủ tịch nước tin tưởng Hội Luật gia Việt Nam và giới Luật gia Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều cống hiến, đạt được những thành tích xuất sắc hơn nữa.

Thảo luận tại đại hội, các đại biểu đều nhất trí cho rằng, n hiệm kỳ qua, các cấp Hội Luật gia và hội viên đã bám sát những quan điểm chỉ đạo của Đảng, chính phủ. Hội đã chủ động xây dựng, thực hiện thành công các chương trình, kế hoạch công tác, trong đó có nhiều nội dung hoạt động có bước phát triển mới, chất lượng, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại của đất nước. Bên cạnh những thành tích đã đạt được, đại hội cũng chỉ ra những tồn tại yếu kém, như chất lượng, hiệu quả hoạt động của một số cấp hội trong một số lĩnh vực chưa cao; việc hoạt động, báo cáo mang tính hình thức vẫn còn khá phổ biến; công tác xây dựng và phát triển tổ chức hội còn chậm so với yêu cầu.

Với chủ đề “Phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới”, Hội Luật gia Việt Nam đã xác định nhiệm vụ chủ yếu nhiệm kỳ 2014-2019 là: Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động và nâng cao chất lượng, hiệu quả của các cấp hội; xây dựng tổ chức Hội Luật gia Việt Nam vững mạnh, là chỗ dựa tin cậy của hội viên về chính trị, là trung tâm đoàn kết, thu hút đông đảo những người làm công tác pháp luật trở thành một tổ chức lớn mạnh, có uy tín trong hệ thống chính trị pháp lý của nước nhà; mở rộng quan hệ quốc tế, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; phấn đấu trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý; coi trọng hơn nữa công tác giám sát việc thi hành pháp luật và cải cách tư pháp; tham gia tích cực và có hiệu quả công tác hoà giải, góp phần giải quyết tranh chấp, khiếu kiện ngay từ cơ sở. Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển và làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Hội Luật gia dân chủ quốc tế, Hiệp hội Luật các nước ASEAN, Hội Luật gia các nước.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Hội Luật gia Việt Nam khóa XII, nhiệm kỳ 2014-2019, gồm 111 ủy viên (tăng 4 người so với nhiệm kỳ trước). Tại phiên họp đầu tiên, Ban Chấp hành Hội Luật gia Việt Nam đã nhất trí bầu Ban Thường vụ gồm 24 người. Với số phiếu tán thành đạt 98,92%, ông Nguyễn Văn Quyền được bầu làm Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam khoá XII, nhiệm kỳ 2014-2019 và 97,87 % số phiếu tán thành bầu ông Lê Minh Tâm giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội.



Giang Nguyễn

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Tổng thống Ấn Độ
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Tổng thống Ấn Độ

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Ấn Độ tới Việt Nam và sau lễ đón chính thức, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiến hành hội đàm với Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN