Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 13h chiều 11/10, bão Kompasu đã mạnh lên với sức gió mạnh nhất của bão ở cấp 10, giật cấp 12. Dự báo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, đi vào Biển Đông và mạnh thêm. Do ảnh hưởng của bão, một số nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có mưa vừa, mưa to.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão Kompasu và tình hình mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ngành, đơn vị chỉ đạo, triển khai thực hiện các phương án, sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, Ủy ban nhân dân các huyện ven biển, thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn tập trung rà soát, kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền, phương tiện di chuyển thoát ra, không đi vào vùng nguy hiểm và kêu gọi về nơi tránh trú an toàn. Đồng thời tạo điều kiện cho tàu thuyền của các địa phương khác vào tránh trú trên địa bàn, triển khai công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú. Cùng với đó triển khai, hướng dẫn gia cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản.
Các đơn vị, địa phương, đặc biệt là khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị cũng sẵn sàng phương án sơ tán, di dời người dân, nhất là tại các khu vực ven biển, cửa sông, nơi có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, trong các nhà không đảm bảo… đến nơi nhà kiên cố cao tầng và an toàn.
Các địa phương cảnh báo các khu dân cư ven sông, ven suối đề phòng lũ quét, sạt lở đất để chủ động phương án bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân; không để người dân vào rừng trong thời gian thiên tai; thông tin cho người dân đang còn ở trong rừng, yêu cầu ra khỏi rừng hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn phòng lũ quét và sạt lở đất. Các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, các bến đò phải bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông; đặc biệt phải tạm dừng hoạt động lưu thông trong những trường hợp mất an toàn.
Các đơn vị, địa phương và lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin diễn biến mưa bão đến người dân; sẵn sàng tham gia hỗ trợ gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cột, tháp cao, cây xanh khu vực chịu ảnh hưởng của bão; chủ động các phương án bảo vệ sản xuất... để hạn chế rủi ro và thiệt hại do bão gây ra. Mặt khác, các đơn vị, sở, ngành, địa phương sẵn sàng dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trong trường hợp mưa lũ, ngập úng, chia cắt xảy ra.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Bình hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ lượng mưa để vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn vùng hạ du, công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, nhất là công trình xung yếu, đang thi công sửa chữa…