Chống hạn, mặn là cấp bách

Phát biểu tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 tổ chức chiều 29/2, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Chính phủ xác định việc chống hạn, xâm nhập mặn là nhiệm vụ hết sức cấp bách hiện nay và cần cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Theo ông Nguyễn Khắc Định, ngay từ tháng 10/2015 Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo bàn về vấn đề này cũng như đã có chỉ đạo thực tế tại các địa phương bị thiệt hại. Các bộ, ngành liên quan cũng đã tích cực tham gia ứng phó với tình hình hạn và xâm nhập mặn. “Mới đây, ngày 24/2 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định hỗ trợ 85,1 tỷ đồng cho 6 tỉnh Quảng Trị, Đắc Lắc, Đắc Nông, Long An, An Giang và Đồng Tháp để khắc phục hạn hán. Đây là hỗ trợ bước đầu và sẽ còn tiếp tục”, ông Định nói.

Ruộng lúa của gia đình chị Lâm Thị Duyên, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, bị thiệt hại trên 90% do hạn mặn.
Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Về các giải pháp cấp bách, ông Nguyễn Khắc Định cho biết, Chính phủ ghi nhận nỗ lực cũng như giải pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra trong tổ chức dự báo khí thủy văn về nguồn nước xâm nhập mặn.

“Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sẽ cập nhật liên tục bản đồ về xâm nhập mặn để phổ biến tới tận cấp xã để người dân biết khắc phục, ứng phó. Tăng cường thông tin tuyên truyền việc phòng tránh xâm nhập mặn tại các địa phương. Xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, ưu tiên cấp nước sinh hoạt, nước uống cho người và gia súc, nước tưới cho nuôi trồng thủy sản, cây trồng lâu năm giá trị cao, nước cho các khu công nghiệp. Các địa phương có thể đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt, khoan giếng, đào kênh dẫn nước. Thậm chí nơi nào không thể có nước thì dùng xe chở nước uống sinh hoạt tới cho người dân”, ông Định chia sẻ.

Về giải pháp lâu dài, Bộ NN&PTNT sẽ chú trọng điều chỉnh cơ cấu cây trồng, không chỉ năm nay mà nhiều năm tới, chuyển mùa vụ cây trồng phù hợp với nguồn nước. Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp 1 ha lúa nước mất tới 10.000 m3 nước/năm, trong khi 1 ha cây trồng kể cả lâu năm chỉ mất 2.000 – 3.000 m3 nước/năm lại có hiệu quả kinh tế cao hơn, hay như chăn nuôi cũng ít nước hơn nên cũng cần nghiên cứu, chỉ đạo đạo chuyển đổi cơ cấu phù hợp”, ông Định cho biết.

Ông Nguyễn Khắc Định đánh giá, thời gian qua Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương đã có phối hợp khá chặt chẽ trong việc cân đối, điều tiết nguồn nước, cho các hồ thủy điện xả bổ sung nguồn nước phù hợp. “Hai bộ đã cân đối nguồn nước cho cả năm, xả nước ở mức độ vừa phải, không phung phí bởi bây giờ có thể đẩy lui mặn được một chút nhưng đến tháng 5, tháng 6 lại không có nước mà xả trong khi đây lại là cao điểm mặn”, ông Định phân tích.

Vừa rồi, Bộ Nông nghiệp đã trình Thủ tướng bổ sung 623 tỷ đồng cho 39 tỉnh ngăn mặn, chống hạn, và đề nghị tiếp tục mở rộng đối tượng hỗ trợ trong việc đắp đập, đào ao, xây hệ thống cấp nước sinh hoạt. Dự kiến kinh phí chống hạn, mặn giai đoạn 2016 - 2020 cần 55.000 tỷ đồng. “Các địa phương có thể chủ động ứng trước kinh phí hỗ trợ thiệt hại cho người dân theo quy định”, ông Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Khắc Định, tình hình hiện rất nghiêm trọng kể cả khu vực Bắc Trung bộ, dự báo ngay cả Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình Quảng Trị cũng có thể xảy ra hạn vì El Nino kéo dài trong nhiều năm. Tại Nam Trung bộ , vụ Đông Xuân 2015- 2016 có 23.000 ha đất lúa dừng sản xuất do thiếu nước và vụ Hè Thu dự kiến có 40.000 ha dừng sản xuất; 50.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ, vụ Đông Xuân dự kiến đến tháng 4/2016 có 180.000 ha đất lúa dừng sản xuất và 25.000 hộ thiếu nước sinh hoạt.

Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn sâu vào đất liền tới hơn 70km, hơn những năm trước 10 – 20 km. Dự báo thời gian tới xâm nhập mặn còn nặng hơn vì bây giờ chưa phải đỉnh điểm mặn. Dự kiến có 90.000 ha lúa vụ Mùa và Thu Đông bị ảnh hưởng năng suất; trong đó thiệt hại nặng 50.000 ha. Vụ Đông Xuân dự kiến có hơn 340.000 ha bị ảnh hưởng vì xâm nhập mặn, trong đó, thiệt hại nặng là khoảng 50.000 ha.

PV
Huy động tổng lực để chống hạn
Huy động tổng lực để chống hạn

Trước nguy cơ hạn hán xảy ra trên diện rộng, tỉnh Gia Lai đang huy động tổng lực triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn hán vụ Đông Xuân năm 2015-2016 và ứng phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino để hạn chế thiệt hại xảy ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN