Chọn nhân sự không thể theo kiểu 'lấy gỗ dâu làm cột chống đỡ'

"Gỗ nào dùng vào việc nấy. Gỗ lim thì dùng làm trụ cái cột đình, nhà kiên cố. Chọn bộ máy nhân sự cũng vậy. Không thể lấy gỗ dâu làm cột cái chống đỡ được", đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (tỉnh Cà Mau) trao đổi bên lề Quốc hội.

Nói về việc chọn sai người bổ nhiệm, tình trạng cả nhà làm quan, cả họ làm quan được báo chí phản ánh thời gian qua, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng: Quy trình bổ nhiệm nói chung là không sai nhưng thay vì công tâm, khách quan trong tiêu chuẩn về nhân sự thì những người lãnh đạo lại điều chỉnh tiêu chuẩn để hướng đến nhân sự mà họ mong muốn.

Đại biểu Lê Thanh Vân trao đổi với phóng viên.

Để xử lý tình trạng này, theo đại biểu Lê Thanh Vân, phải có bộ khung về tiêu chuẩn cho tất cả các chức danh trong hệ thống bộ máy hành chính nhà nước. Ở cấp nào thì ràng buộc tiêu chuẩn chức danh ấy để làm sao những ai thấy mình tài hèn đức mọn không dám mơ đến, không dám bén mảng đến, nhìn thấy mà sợ.

"Ví dụ tiêu chuẩn Bộ trưởng là phải có tầm nhìn chiến lược. Biết nắm bắt thời thế, có phương pháp lãnh đạo, biết cầm đạo (dẫn đường, khởi xướng chính sách);  cầm tướng (biết dùng người, nếu dùng người sai sẽ bị mang tiếng, hổ danh là bất tài nên mới chọn kẻ bất tài), cầm tâm (nắm được tâm lý, đạo đức cán bộ để thuyết phục vận động họ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân), cầm thời (biết được xu hướng của lĩnh vực hoạt động của mình, dẫn dắt bộ máy. Phải 'định nghĩa' được cái chức danh ấy để ai thấy mình tài hèn đức mọn thì không dám bén mảng đến", ông Vân phân tích.

Thứ hai, phải xây dựng chế tài nghiêm khắc để trừng trị những kẻ nắm quyền lạm dụng bổ nhiệm cán bộ. Nhìn thấy bộ chế tài đó mà khiếp sợ không dám vượt qua. Sự trừng trị của bộ chế tài này có thể rơi xuống đầu kẻ đó bất cứ lúc nào nếu cố ý bổ nhiệm nhầm người dù bên ngoài hay bên trong nội tộc nhà mình.

Thứ ba, phải hoàn thiện quy trình, các bước trong xây dựng tiêu chí cán bộ, các bước xin chủ trương, phân loại cán bộ… Muốn vậy, phải có nhận thức mới về xác định nhóm cán bộ. Cán bộ chính trị tiêu chuẩn thế nào, cán bộ quản lý, cán bộ điều hành thì tiêu chuẩn ra sao. Ví dụ, cán bộ phong trào có thể tạo cảm hứng để lôi cuốn quần chúng nhưng chưa hẳn có tư duy chiến lược, tầm nhìn chính sách. Những người giỏi chuyên môn chưa chắc đã có tầm nhìn lãnh đạo tốt.

"Việc thao túng quyền lực, bổ nhiệm người nhà tùy thuộc vào người đứng đầu. Người đứng đầu mà trí minh, tâm sáng thì dẫn dắt cả tập thể theo đúng đường lối, pháp luật. Nhưng nếu người đứng đầu mà tâm không sáng, trí tối tăm thì luôn hướng đến bản thân, lợi ích nhóm, gia đình, dòng tộc họ", đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Hoàng Dương/Báo Tin Tức (ghi)
 Xóa 'mô hình' cả họ làm quan: Cần sự công khai
Xóa 'mô hình' cả họ làm quan: Cần sự công khai

Mấy năm gần đây, dư luận nóng lên xung quanh chuyện bổ nhiệm cán bộ như “cả nhà làm quan”, “cả cơ quan làm quan”, “loạn cấp phó”…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN