Cho ý kiến về dự án Luật công chứng (sửa đổi)

Tiếp tục Chương trình làm việc, chiều 20/2, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật công chứng (sửa đổi) và Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc cử Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao làm thành viên Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Về việc mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, của công chứng viên vẫn có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giao lại cho công chứng viên thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao như các cơ quan hành chính nhà nước để tạo thuận tiện cho người dân cũng như giảm áp lực công việc cho các cơ quan hành chính.

Loại ý kiến thứ hai không tán thành giao cho công chứng viên thực hiện các công việc mang tính chất chứng thực vì hoạt động công chứng ở nước ta đang được phát triển theo hướng công chứng về nội dung, phân biệt với các hoạt động chứng thực chỉ là xác nhận về mặt hình thức, đồng thời trùng lắp với nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 25 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII sáng 20/2. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN


Vấn đề này Thường trực Ủy ban pháp luật cho rằng lâu dài việc tách bạch, chuyên môn hóa hoạt động công chứng là cần thiết. Tuy nhiên, trong điều kiện và hoàn cảnh thực tế ở nước ta hiện nay, việc giao cho các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên nhiệm vụ chứng nhận bản dịch, chứng thực chữ ký và bản sao giấy tờ, văn bản như các cơ quan hành chính nhà nước đang làm hiện nay sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc lựa chọn và tiếp cận loại hình dịch vụ công này, đồng thời cũng không trái với các nguyên tắc cơ bản của Liên minh công chứng thế giới mà Việt Nam mới tham gia làm thành viên.

Để bảo đảm cân đối về nhiệm vụ giữa tổ chức hành nghề công chứng và các Phòng tư pháp quận, huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định công chứng viên được thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, đồng thời được chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký nhưng chỉ giới hạn đối với các giấy tờ, tài liệu liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà mình công chứng (điểm c khoản 1 Điều 17). Phòng tư pháp cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã vẫn thực hiện các công việc chứng thực theo quy định như hiện nay.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng lý giải của Ủy ban thẩm tra chưa thuyết phục. Theo bà Mai chứng thực là việc của các cơ quan hành chính vì vậy cần phải lý giải hiện hoạt động này có đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hay không, có quá tải hay không... Nếu quá tải thì cần phải mở thêm một kênh khác để giải quyết vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng việc quyết định giao cho công chứng viên thực hiện 1 phần việc mà Uỷ ban nhân dân đang làm không có nghĩa là Uỷ ban nhân dân thôi không làm nhiệm vụ đó nữa mà việc này Uỷ ban nhân dân vẫn tiếp tục làm, tức là song song tồn tại. Quan điểm của ông Hiện nếu cả Nhà nước và tổ chức xã hội hóa cùng làm tốt việc này thì nên giao cho xã hội hóa làm. Ông nhấn mạnh đây là xu hướng chung của thế giới đang làm.

Thảo luận về độ tuổi hành nghề của công chứng viên (khoản 3 Điều 8), hiện đang có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định về giới hạn tuổi hành nghề công chứng là 65 tuổi như dự thảo Luật đã trình Quốc hội do đây là công việc có tính đặc thù, đòi hỏi độ chính xác, tính chuyên môn và trách nhiệm pháp lý cao.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị không nên giới hạn về độ tuổi hành nghề của công chứng viên trong Luật này tương tự như đối với các ngành nghề mang tính chuyên môn sâu và đã được xã hội hóa như luật sư, y bác sĩ, giáo viên... để tận dụng kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của những người làm các công việc này.

Chủ nhiệm Trương Thị Mai phân tích tuổi hành nghề và tuổi nghỉ hưu là hai nội dung khác nhau. Luật Luật Lao động hiện không khống chế tuổi hành nghề, tuy nhiên một số trường hợp có khả năng gây hại thì có khống chế. Theo đại biểu Mai độ tuổi nghỉ hưu chỉ được áp dụng đối với các công chứng viên trong cơ quan công lập; không nên hạn chế tuổi hành nghề công chứng. Đại biểu Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng không cần khống chế tuổi hành nghề công chứng nhưng cần có giấy khám sức khỏe để khẳng định được công chứng viên còn đủ sức khỏe và minh mẫn tiếp tục công việc.

Thời gian còn lại của buổi làm việc chiều nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc cử Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao làm thành viên Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Ngày mai, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc theo Chương trình.


Quỳnh Hoa

Quốc hội thảo luận quy hoạch thủy điện và Luật Công chứng
Quốc hội thảo luận quy hoạch thủy điện và Luật Công chứng

Tiếp tục kỳ họp thứ 6, chiều 1/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận, cho ý kiến về về kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện và dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN