Chính sách dân tộc cần đồng bộ hơn

Các chính sách dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã từng bước góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đến nay các chính sách dân tộc cũng bộc lộ một số hạn chế, có chính sách không còn phù hợp với từng vùng miền; nguồn lực để thực hiện chính sách cũng còn thiếu nên chưa hoàn thành mục tiêu trong khi đối tượng thụ hưởng còn lớn. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đã chia sẻ những vấn đề này trong Chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho biết, những năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ ở tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các chính sách đã tác động rất lớn đến sự phát triển của vùng dân tộc và miền núi, góp phần làm bộ mặt vùng dân tộc miền núi hiện nay có sự thay đổi lớn so với cách đây khoảng 5 - 10 năm. Tuy nhiên, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vẫn còn một khoảng cách xa so với trình độ phát triển chung của đất nước. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc vẫn còn gần 50%. Vì vậy, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục tham mưu và làm tốt hơn nữa công tác dân tộc, để có những chính sách đồng bộ hơn, hỗ trợ cho đồng bào nhiều hơn, tích cực hơn làm giảm nhanh khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền và giữa các dân tộc.

Cũng theo Bộ trưởng, những chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý đến nay mới đạt được khoảng 48% kế hoạch, trong đó có những chính sách đạt tỷ lệ rất thấp như: Chính sách về nhà ở, đất ở đạt trên 10%; chính sách cho vay theo Quyết định 54 của Thủ tướng Chính phủ đạt khoảng 2,3%. Tổng nguồn lực bố trí trong năm 2015 khoảng 6.000 tỷ đồng, chỉ đạt gần 50%. Trong khi đó, một số chính sách hết năm nay cũng không còn hiệu lực do hết nhiệm kỳ. Ủy ban Dân tộc sẽ có tờ trình Chính phủ để có chính sách trung hạn, không theo nhiệm kỳ như hiện nay. Cụ thể, sẽ tích hợp các chính sách lại và có chỉnh sửa, bổ sung những hợp phần cho phù hợp. Ví dụ, chương trình 135 trước đây chỉ có 2 hợp phần là: Cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất, nhưng trong thời gian tới, sẽ bổ sung thêm hợp phần nâng cao năng lực cho người dân. Đồng thời, tích cực phân cấp, tạo cơ chế thuận lợi cho các địa phương chủ động xây dựng và thực hiện các chính sách.

“Năm 2015 là năm tổng kết nhiệm kỳ. Với góc độ của những người tham mưu chính sách cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp quản lý về chính sách dân tộc, tôi thấy rằng: Thứ nhất, cần phải rà soát lại, những chính sách hết hiệu lực, nhưng còn có nhu cầu lớn, thì đề nghị Chính phủ chuyển sang kế hoạch trung hạn của năm 2015 - 2020, để tiếp tục thực hiện mà không cần ban hành thêm chính sách mới; thứ hai, những chính sách hết hiệu lực, nhưng nhu cầu không lớn và không cần thiết phải tiếp tục duy trì, thì có thể loại bỏ; thứ ba, bổ sung những chính sách tín dụng cho vùng đồng bào dân tộc”, Bộ trưởng khẳng định.


Trọng Thủy
Lai Châu thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc
Lai Châu thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc

Là tỉnh miền núi, biên giới khó khăn, với 20 dân tộc cùng sinh sống, những năm qua, tỉnh Lai Châu luôn xác định thực hiện tốt các chính sách dân tộc, để giúp đồng bào phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN