Chính quyền phải thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp

Trong một năm qua, sự ra đời của Nghị quyết 35 đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực song cộng đồng doanh nghiệp (DN) vẫn mong mỏi những nội dung của nghị quyết cần được thực hiện nhanh hơn. Đó là một trong những ý kiến được các đại biểu Quốc hội đưa ra tại nội dung thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 9/6. Phóng viên báo Tin Tức đã ghi lại một số ý kiến của các đại biểu về những vấn đề nóng đang được cử tri quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước): Nhiều nơi còn chưa đồng hành với doanh nghiệp

Nghị quyết 35 đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực song cộng đồng DN vẫn mong mỏi những nội dung của nghị quyết cần được thực hiện nhanh hơn.

Thời gian qua, một số nơi chưa thực sự đồng hành với DN, có thể thấy qua một vài minh chứng. Một số DN làm ăn chân chính, đầu tư vào công nghệ xử lý môi trường thì thường xuyên phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra, tuy nhiên sự chồng chéo đã gây phiền hà, sách nhiễu khiến DN không thể tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Nguyễn Tuấn Anh phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Một DN chế biến mủ cao su tại Bình Phước bị phạt đóng cửa dây chuyền sản xuất 3 tháng chỉ vì lí do tự thay đổi công nghệ xử lý chất thải không đúng quy định, có nghĩa là dù thay bằng dây chuyền sản xuất hiện đại hơn nhưng đơn vị thanh tra cho rằng không đúng quy định nên phải xử lý. Sau đó, chính đơn vị thanh tra này lại ra văn bản hủy bỏ quyết định đóng cửa dây chuyền sản xuất khi DN phản đối dữ dội. Thiệt hại do quyết định tùy tiện đó thì DN phải gánh chịu.

Gần đây, giám đốc DN than phiền thường xuyên bị gây khó khăn trong sản xuất kinh doanh vì thường xuyên phải tiếp các đoàn kiểm tra liên quan đến môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm... Đó chỉ là 1 trong số nhiều hiện tượng gây mất niềm tin cho cộng đồng DN vì sự tắc trách của một số người thực thi pháp luật.

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam): Ngành cơ khí, công nghiệp hỗ trợ trì trệ

Tốc độ tăng trưởng công nghiệp đã chậm tại, giảm hầu hết trên các nhóm ngành, trong đó có cơ khí chế tạo. Ngành công nghiệp nặng Việt Nam đang khủng hoảng thực sự, đặc biệt là cơ khi chế tạo đang đi thụt lùi so với trước đây.

Mỗi năm, Việt Nam phải chi hàng chục tỷ USD nhập khẩu máy móc thiết bị, trong khi năng lực ngành cơ khí trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Doanh nghiệp trong ngành này còn nhiều bất cập như công nghệ lạc hậu, vốn ít, tiếp cận vốn gặp nhiều khó khăn. Đầu tư cho ngành cơ khí chế tạo chưa thực sự được quan tâm.

Phải lưu ý rằng, thu hút doanh nghiệp nước ngoài không chỉ là thu hút vốn mà phải hút cả công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Tuy nhiên, nhiều năm qua chưa thúc đẩy được sự lan tỏa này. Công nghiệp cơ khí, chế tạo trì trệ. Nhiều linh kiện đơn giản mà không chế tạo được.

Hiện nay số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chỉ chiếm 0,03% trên tổng số doanh nghiệp. Tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, giày da đạt thấp. Đây là những điểm yếu đã lâu nhưng chưa khắc phục được.

Thời gian tới, cần lựa chọn ngành, lĩnh vực sản phẩm trọng điểm để phát triển theo lộ trình, thu hút doanh nghiệp FDI để tạo sự lan tỏa cho các doanh nghiệp cơ khí, chế tạo trong nước.

Đại biểu Mùa A Vảng (Điện Biên): Phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Nhật Bản đã tăng chiều cao cho người dân 10 cm sau 40 năm. Trong khi chiều cao người Việt hiện vẫn khiêm tốn. Nếu không có giải pháp phù hợp thì phải mất 50 năm nữa phấn đấu Việt Nam mới đạt chiều cao trung bình 1,72 m như Nhật Bản hiện nay.

Chất lượng nguồn nhân lực thể hiện qua thể chất và trình độ. Trong khi lao động Việt Nam vừa yếu về thể chất lại hạn chế về kĩ năng sống, trình độ đào tạo, đặc biệt là lao động khu vực nông thôn, miền núi...

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần có những công dân toàn cầu, có khả năng hội nhập, để làm được, Chính phủ cần quan tâm đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam. Phấn đấu đến năm 2020, nam đạt chiều cao trung bình 1,67 m, nữ 1,56 m. Cần có chủ trương đúng đắn để thực hiện mục tiêu này.

Đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An): Có chính sách thu hút kiều hối

Kiều hối đứng thứ 2 trong thu hút đầu tư nước ngoài, chỉ sau nguồn vốn FDI. Thực tế, kiều hối thời gian qua không ngừng tăng cao. Theo kết quả điều tra khảo sát, kiều hối được sử dụng chủ yếu cho tiêu dùng hằng ngày, sau đó là đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Cần tạo niềm tin cho người dân, để họ yên tâm góp vốn kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho đất nước. Cần có chính sách ưu đãi với kiều hối không kém gì với việc thu hút vốn FDI, có chính sách ưu đãi với Việt kiều, bảo vệ lợi ích cho người gửi và người nhận kiều hối. Có vậy người dân mới yên tâm mở rộng tái đầu tư.

Hoàng Dương - Thu Trang/Báo Tin Tức
Quốc hội thông qua Nghị quyết về xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018
Quốc hội thông qua Nghị quyết về xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018

Chiều nay (8/6), với 89% đại biểu quốc hội tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN