Chính phủ trình dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

Chiều 22/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Chiều 22/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.


Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, sau gần 4 năm triển khai thực hiện Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam”(VAMC) ban hành kèm theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013, đến nay, việc xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng đã đạt được một số kết quả nhất định như: Các tổ chức tín dụng đã xây dựng và triển khai phương án xử lý nợ xấu, tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng. 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Doãn Tấn/TXVN

Trong 4 năm (từ 2012-2016), toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 611,59 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Kết quả xử lý nợ xấu đã góp phần giúp các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, ngành chiến lược theo định hướng tái cấu trúc nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 


VAMC bước đầu góp phần xử lý nợ xấu. Tính đến cuối năm 2016, VAMC đã cùng với các tổ chức tín dụng xử lý được 50.139 tỷ đồng nợ xấu trong tổng số 245.924 tỷ đồng nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt;... 


Tuy vậy, quá trình xử lý nợ xấu đến nay cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ. Cụ thể: Một số giải pháp trong Quyết định số 843 thuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ xử lý nợ xấu đã bước đầu được triển khai. Tuy nhiên, vẫn còn một số Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, chủ động thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hoàn thiện hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm. Quá trình xét xử, thi hành án với nhiều thủ tục phức tạp, kéo dài làm cho việc xử lý nợ xấu thông qua tòa án, thi hành án rất chậm, không hiệu quả. 


Việc xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm, bán khoản nợ theo cơ chế thị trường, thu nợ khách hàng vay còn nhiều hạn chế, dẫn đến khó xử lý nợ xấu một cách triệt để. 


Nhiều khoản nợ xấu tại các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt có liên quan đến các vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố nên thời gian giải quyết bị kéo dài.


Cơ chế, chính sách về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn bất cập, gây nhiều khó khăn trong việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, VAMC; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu; thị trường mua bán nợ chậm phát triển làm cho việc xử lý nợ xấu kéo dài hơn, gia tăng chi phí do nợ xấu gây ra cho tổ chức tín dụng, khách hàng vay và nền kinh tế...


Do đó, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu theo hình thức ban hành Nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng, thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, cũng như đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn. 


Dự thảo nghị quyết gồm 18 Điều với nội dung cơ bản như: Về phạm vi điều chỉnh và khái niệm nợ xấu; Về quyền chủ nợ và phát triển thị trường mua bán nợ; Về xử lý tài sản bảo đảm; Về thuế, phí; Về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm; Về phân bổ lãi dự thu, chênh lệch khi bán khoản nợ xấu.


Trong đó, về phạm vi điều chỉnh và khái niệm nợ xấu, dự thảo Nghị quyết quy định trách nhiệm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC phải xác nhận bằng văn bản một khoản nợ cụ thể là nợ xấu khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo cơ sở cho các cơ quan nhà nước (cơ quan thi hành án, cơ quan thuế,...) áp dụng các chính sách tại Nghị quyết.


Về xử lý tài sản bảo đảm, thực tế xử lý tài sản bảo đảm thời gian qua cho thấy, vướng mắc lớn nhất làm kéo dài thời gian xử lý nợ, giảm giá trị thu hồi nợ từ xử lý tài sản bảo đảm là việc bên bảo đảm không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý như đã cam kết trong hợp đồng bảo đảm. 


Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản bảo đảm, bảo vệ quyền hợp pháp, chính đáng của chủ nợ, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, tăng cường kỷ luật hợp đồng, nhưng không lạm quyền, dự thảo Nghị quyết quy định tổ chức tín dụng được thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ khi có đầy đủ các điều kiện sau: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC có quyền xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận; Có thỏa thuận về quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong thỏa thuận giao dịch bảo đảm; Giao dịch bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật; Trách nhiệm thông báo của bên nhận bảo đảm; Sự tham gia của cơ quan nhà nước.


Xuân Phong/Báo Tin Tức
Trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng
Trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng

Chiều nay (22/5), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN