Chỉ có một loại thẻ căn cước công dân

Bên lề Quốc hội, đại biểu Hà Hùng Cường (Quảng Trị), Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trao đổi với báo chí xung quanh việc cấp số định danh, căn cước công dân:


Đại biểu Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp


* Thẻ căn cước công dân liệu có gây khó khăn cho dân, thưa ông?


Trong tờ trình của Chính phủ nói rõ, chứng minh nhân dân (CMND) hay căn cước công dân (CCCD) là giấy tờ rất quan trọng của mỗi công dân. Khi ban hành thẻ CCCD sẽ thay thế CMND, thậm chí tên gọi còn đang tranh luận, giữ tên gọi là CMND hay CCCD. Đa số ủng hộ tên gọi là CCCD. Khi luật có hiệu lực sẽ cấp 1 loại thẻ là CCCD, thay thế CMND nên không có chồng chéo thẻ này với thẻ khác. Vấn đề là vận dụng trở lại đối với những người đang có CMND. Theo dự thảo Luật, CMND vẫn có hiệu lực, đúng hơn là thẻ CCCD sẽ cấp cho những người đến tuổi, còn CMND còn hiệu lực vào thời điểm đó thì vẫn tiếp tục có giá trị và người dân vẫn sử dụng để thực hiện các quyền và nghĩa vụ đến khi đổi sang thẻ CCCD khi CMND hết hạn, muốn đổi hoặc mất CMND. Không có chồng chéo về giấy tờ mà chỉ có giai đoạn chuyển tiếp, sẽ có một số người có giấy tờ khác nhau nhưng mỗi người chỉ có 1 loại giấy tờ hoặc CMND hoặc thẻ CCCD.


* Vậy khi lưu hành cả CMND và thẻ CCCD có bất tiện cho dân không?


Có thời kỳ chuyển tiếp sẽ lưu hành cả hai loại giấy tờ này nhưng mỗi người chỉ có 1 loại. Đương nhiên mỗi luật ban hành đều có thời kỳ chuyển tiếp, đòi hỏi giai đoạn nhất định để giải quyết những vấn đề đang tồn tại. Tuy nhiên, nếu thực hiện khoa học thì chắc không có vấn đề gì lớn, xáo trộn về vấn đề này.


* Bộ Công an đang triển khai cấp CMND 12 số và được ưu đãi khoản vốn lớn nhưng CMND có thời hạn 15 năm. Vậy khi có thẻ CCCD theo Luật thì có phải đang có sự lãng phí không, thưa ông?


Vấn đề đổi CMND từ 9 số sang 12 số là thí điểm. Chính phủ đã yêu cầu sơ kết thí điểm mới cho triển khai rộng nhưng Bộ Tư pháp chưa thấy sơ kết nên không biết về chủ trương triển khai tiếp như thế nào. Hiện Quốc hội đang thảo luận về tên gọi của thẻ nên theo tôi nên chờ Quốc hội quyết định xong mới làm theo qui định của Luật CCCD và theo tôi cũng nên dừng việc cấp đổi CMND, chỉ thực hiện cấp mới cho những người đến tuổi.


* Theo ông, có khó khăn gì khi cấp căn cước vì năng lực cán bộ hộ tịch và thiết bị ở phường xã còn hạn chế đối với việc thực hiện việc này?


Quan điểm nhất quán của Chính phủ là trẻ em sinh ra được cấp giấy khai sinh (GKS) và đến tuổi nhất định được cấp CMND. Tuy nhiên, trong quá trình báo cáo UBTVQH có ý kiến cho rằng cấp thẻ CCCD ngay khi sinh ra, thay GKS và duy nhất trong đời chỉ có thẻ CCCD để tạo thuận lợi hơn cho người dân nên tiếp thu ý kiến, Chính phủ trình để Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, thay mặt Chính phủ, tôi đã có báo cáo về việc này, theo đó trẻ em sinh ra được cấp GKS cho đến khi đủ 14 tuổi vì qui định của BLHS qui định 14 tuổi đã phải chịu trách nhiệm hình sự và quản lý con người phải chặt chẽ hơn quản lý trẻ em. Quan trọng ở chỗ là tại sao gọi là thẻ CCCD vì để nhận dạng 1 người thì có yếu tố hình ảnh. Hình ảnh thì phải cố định tương đối. Nên trẻ em đến 14 cơ bản hình ảnh có nhiều thay đổi nên CP đề nghị giữ như qui định hiện hành, đến 14 tuổi cấp CMND (khác hiện nay là đủ 15 tuổi) phù hợp BLHS.


Còn việc cấp số định danh cá nhân rất đơn giản. Dự thảo luật này được xây dựng dựa trên một đề án được Chính phủ phê duyệt theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư làm trung tâm dữ liệu cho công tác quản lý dân cư, cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước, không bắt người dân kê khai những thông tin đã có trên CSDLQG để tiết kiệm cho người dân. Số định danh công dân (12 số) sẽ được cấp khi CSDL này vận hành (theo đề án của Chính phủ là từ 1/1/2016). Kho số định danh công dân do Bộ Công an quản lý vì quản lý con người không chỉ từ khi sinh ra đến khi chết theo chức năng của Bộ Công an, sẽ được nối mạng đến toàn bộ xã, phường, thị trấn và bất kỳ ai có trách nhiệm đều có thể cập nhật để lấy số.


* Vậy việc cấp số định danh có lường trước khó khăn, thưa ông?


Có 2 loại việc: theo qui định của dự thảo Luật từ 1/1/2016 cấp số định danh cho những người mới sinh. Còn những người sinh trước 1/1/2016 có cấp không tùy vào Quốc hội quyết định, nhưng theo đánh giá của Bộ Công an dự tính đến 31/12/2019 sẽ xong. Kinh nghiệm của các nước là làm từng bước một nhưng quan trọng là xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm, hạ tầng kỹ thuật. Để bảo đảm thực thi được, làm lại việc cấp số định danh cho những người sinh ra trước 1/1/2016 cũng là phương án tốt.


* Xin cảm ơn ông!



Xuân Minh (ghi)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN