Câu chuyện về một nhà giáo làm theo lời Bác

Là một trong những người tiếp quản giáo dục Sài Gòn ngay từ những ngày đầu Miền Nam được giải phóng, nhà giáo Lê Thị Minh Ngọc luôn dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cho thành phố mang tên Bác hôm nay. Trong tâm trí của bà Ngọc, lời Bác Hồ dạy trong lần đầu được gặp Bác luôn là động lực để bà vươn lên làm điều có ích cho xã hội.

Nhớ lời Bác dạy


Năm 1954, cô bé Lê Thị Minh Ngọc (có ba là liệt sĩ) đã chia tay mẹ tập kết ra Bắc và học tập tại Trường học sinh Miền Nam tại Hải Phòng. Khi nhớ lại những ngày sống xa gia đình, xa người thân để học tập tại miền Bắc, nhà giáo Lê Minh Ngọc không giấu nổi xúc động. Nhiều ký ức đẹp của tuổi thơ lại tràn về trong tâm trí của cô giáo Ngọc. Kỷ niệm đẹp và đáng nhớ nhất đối với cô giáo Ngọc năm xưa là có vinh dự được về Hà Nội gặp Bác Hồ năm 1959 và đón Tổng thống Indonesia Xu-các-nô.


Cô Ngọc nhớ lại, khi gặp chúng tôi Bác ân cần hỏi: “Trong ba cháu, cháu nào là người miền Nam thì lên ngồi giữa hai Bác”. Khi đó, đi cùng tôi gặp Bác có hai thiếu niên ở Quảng Ninh và Hải Phòng. Thế là tôi có cơ hội có một không hai để tha hồ ngắm Bác. Buổi tối lúc xem văn nghệ, lại cũng được ngồi cạnh Bác. Bác xoa đầu và ân cần thăm hỏi, dặn dò: “Cháu ở miền Nam ra có nhớ nhà không? Nhớ má không? Nhớ má, nhớ miền Nam phải tu dưỡng cho tốt, sau này về miền Nam để phục vụ!”.

Nhớ lời dặn của Bác, để phục vụ cho miền Nam, cô nữ sinh Ngọc đã chọn ngành sư phạm.

Nhớ lời dặn của Bác, để phục vụ cho miền Nam, cô nữ sinh Ngọc đã chọn ngành sư phạm học để sau này dạy chữ cho nhân dân niềm Nam. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, cô giáo Ngọc về công tác tại trường THPT Hiệp Hòa (Bắc Giang), rồi Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội).


Cô giáo Ngọc tâm sự: “Lời dạy của Bác luôn văng vẳng trong cuộc đời tôi. Đó là động lực giúp tôi phấn đấu vươn lên. Nhờ lời Bác dạy, mình không có quyền làm sai trái và mà phải phấn đấu vươn lên làm một nhà giáo tâm huyết”.


Tháng 4/1975, cô giáo Ngọc cùng đoàn cán bộ ngoài Bắc đi B tiếp quản các cơ sở giáo dục của Sài Gòn. Cô giáo Ngọc kể: "Khi đó cô con gái lớn 5 tuổi, con nhỏ mới 11 tháng tuổi, tôi đành cai sữa cho con gái nhỏ rồi giao 2 con cho người quen nuôi giữ và khi có điều kiện sẽ đưa các bé vào Nam sau. Chồng tôi đi công tác nên cũng chưa nhận được thông tin tôi đi B".


Đến đầu tháng 5 cô giáo Ngọc vào đến Sài Gòn và được giao nhiệm vụ tiếp quản Trường THPT Chu Văn An (nay là Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Chu Văn An). Những ngày mới về công tác tại trường cô giáo Ngọc vừa làm công tác quản lý, vừa làm công tác chuyên môn, làm công tác tư tưởng cho giáo viên và tham gia các hoạt động đoàn của trường. Ngày nào cô giáo Ngọc cũng ở trường đến 9 – 10 giờ đêm mới về nhà. Chính sự tận tâm, chân thành của cô giáo Ngọc đã đưa Trường THPT Chu Văn An sớm đi vào ổn định.


Những năm sau cô được điều chuyển làm Trưởng Phòng Giáo dục quận Bình Thạnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Tp Hồ Chí Minh. Ở cương vị nào, nhà giáo Ngọc cũng luôn say sưa, tâm huyết với sự nghiệp trồng người.


Cô giáo Ngọc nhớ lại, khi làm công tác mầm non, thấy trẻ suy dinh dưỡng nhiều tôi đã có sáng kiến tổ chức các lớp học bán trú để chăm sóc trẻ cho tốt hơn. Ở khu vực nội thành thì dễ nhưng khu vực ngoại thành tổ chức bán trú khó khăn, do người dân còn nhiều khó khăn lại chưa thật sự tin tưởng vào giáo viên khi cho con học bán trú. Để tổ chức thành công mô hình bán trú khu vực ngoại thành tôi đã tổ chức “Ngày hội hột gà”. Cứ mỗi tuần, phụ huynh luộc một quả trứng gà để bé ăn thêm tại trường. Phụ huynh đến thấy con được các cô chăm sóc tốt rồi mỗi tuần gửi 2 quả trứng gà luộc, thêm củ khoai, hộp sữa. Khi phụ huynh tin tưởng vào giáo viên, họ đã tự nguyện gửi con vào các lớp bán trú.


“Hơn 40 năm qua, ngành giáo dục Thành phố đã phát triển rất nhiều, trường lớp không còn thiếu như trước đây, tất cả các em trong tuổi đi học đều được đến trường. Phương tiện giảng dạy cũng đầy đủ, hiện đại hơn. Nhưng tôi luôn tâm niệm, nhà giáo cần phải có chuyên môn giỏi, luôn sống chân thành và có tâm với nghề”, cô giáo Ngọc chia sẻ thêm.


“Bà ngoại đường phố”


Đó là biệt danh trìu mến nhiều người gọi nhà giáo Lê Minh Ngọc bởi dù đã nghỉ hưu, bà vẫn đóng góp không mệt mỏi cho công tác khuyến học, tiếp sức cho những học sinh, sinh viên khó khăn được đến trường.


Ngay từ khi là Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo TP.HCM, nhà giáo Lê Minh Ngọc đã tham gia Hội Khuyến học Việt Nam. Năm 2000, khi vừa nghỉ hưu bà làm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Thành phố.


Bà Ngọc cho hay: “Thời điểm đó nhiều trường đại học tư thục mời tôi về làm công tác quản lý với mức lương cao. Cũng có lúc phân vân nhưng rồi tôi quyết định không tham gia công việc tại các trường đại học để có thêm thời gian làm công tác khuyến học”.


Một trong những mô hình học bổng do bà Ngọc sáng lập và hoạt động thành công là “Học bổng 1 và 1”. Bà nhớ lại, khi tham gia khuyến học tôi tìm hiểu các mô hình khuyến học đang hoạt động nhưng đều thấy khuyết điểm của nó. Bởi công tác khuyến học muốn thành công, phải để cho mọi người tuyệt đối tin tưởng về việc mình làm và hỗ trợ học sinh, sinh viên. Công việc này rất khó khăn nhưng phải làm lâu dài, không thể làm theo kiểu “mưa một trận cho giải hạn” rồi thôi.


Từ ý nghĩ trên, bà Ngọc đã thành lập Quỹ học tập khuyến tài (sau này gọi là học bổng 1 & 1). Học bổng hoạt động theo phương thức một ân nhân (một đơn vị hay một cá nhân), tài trợ cho một sinh viên khó trong suốt quá trình học tập. Đến nay sau hơn 15 thành lập học bổng này, Hội Khuyến học Thành phố đã giúp đỡ cho hơn 2.170 sinh viên với số tiền 17,35 tỷ đồng. Trong số sinh viên nhận học bổng có 1.175 người đã tốt nghiệp, trong đó 106 tốt nghiệp loại giỏi, 49 người là tiến sĩ, thạc sĩ.


Bà Ngọc nhớ lại, khi vừa thành lập Quỹ học bổng 1 &1, tôi đã vận động những người trong gia đình, người quen nhận hỗ trợ cho 5 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Từ ý nghĩa nhân văn sâu sắc học bổng càng có tình lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Nhiều từ các tỉnh, TP khác, doanh nghiệp nước ngoài cũng nhận hỗ trợ cho sinh viên khó khăn thông qua Quỹ học bổng khuyến tài. Học bổng chưa phải là nhiều nhưng đã giúp được nhiều sinh viên vượt qua khó khăn tiếp tục chinh phục những ước mơ của mình.


“Tôi mừng vì thấy những 'cháu ngoại' nhận học bổng đã thành đạt, tâm nguyện của người làm khuyến học như chúng tôi chỉ có thế. Nhiều thế hệ người nhận học bổng trước đây đã quay lại tham gia chương trình học bổng với tên gọi học bổng 'Rước lại đi sau'. Điều này thể hiện được tính nhân văn sâu sắc của chương trình”, bà Ngọc tâm sự.


Cùng với học bổng 1 &1, từ năm 2007 nhà giáo Lê Minh Ngọc đã tổ chức các cấp hội nuôi heo đất khuyến học. Học bổng này không chỉ khơi dậy phong trào học theo Bác Hồ về tinh thần tiết kiệm mà còn xây dựng tinh thần hiếu học cho mỗi người dân. Bà Ngọc tính, nếu mỗi ngày một gia đình bỏ 1.000 đồng để nuôi heo thì 1 năm đã có hơn 300.000 đồng để phụ thêm tiền học cho con. Trước hết các gia đình nuôi heo tự thu để chăm lo chính con em họ, rồi mọi người tự nguyện chia sẻ số tiền tiết kiệm được cho nhau. Hơn 8 năm phong trào nuôi heo đất khuyến học của toàn TP thu được hơn 367 tỷ đồng.


“Hạnh phúc của người làm khuyến học là được tham gia trồng người, nhìn thấy những 'cháu ngoại' mình được thành đạt. Có khi bỏ cả tiền túi làm công tác khuyến học nhưng chúng tôi thấy vui. Còn sức tôi còn làm công tác khuyến học. Làm công tác để góp phần xây dựng xã hội học”, bà Ngọc vui vẻ chia sẻ.




Bài và ảnh: Khôi Nguyên
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN