Cấp phép cho Formosa: Làm rõ trách nhiệm cá nhân

Bên lề Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XIV, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Cần làm rõ trách nhiệm cá nhân của ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh liên quan đến việc cấp phép dự án nhà máy thép Công ty TNHH Hưng Nghiệp (Formosa).

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Ông Võ Kim Cự trả lời báo chí rằng việc cấp phép cho Formosa thuê đất 70 năm đã được các bộ, ngành đồng thuận. Trong khi đó Thanh tra Chính phủ khẳng định việc cấp phép đó là quá thẩm quyền. Ông có đánh giá gì?
 
Theo tôi, dự án 50 năm và 70 năm là rất khác nhau. Theo Luật đầu tư, nhất là cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài thì cấp phép 70 năm là trường hợp đặc biệt và hiếm hoi. Do đó, ngay cả khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cũng phải có hồ sơ đầy đủ và có tư vấn của các bộ, ngành. Nhất là khi Thủ tướng đã phê duyệt như những dự án có liên quan đến vấn đề hạt nhân, thì Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ có trao đổi với các đồng chí lãnh đạo khác. Cho nên việc Luật đầu tư quy định các dự án cấp chứng nhận đầu tư chỉ 50 năm, trong khi đó dự án Formosa được cấp phép đầu tư 70 năm không đơn giản là trình Thủ tướng Chính phủ và được đồng ý. Cần phải có quá trình xem xét rồi mới đi đến quyết định. Do đó, đối với dự án Formosa, tỉnh Hà Tĩnh tự ý cấp 70 năm rõ ràng không gì có thể bào chữa được, đó là sai.
 
Với những hậu quả nghiêm trọng về môi trường mà Formosa đã gây ra đối với 4 tỉnh miền Trung đã quá rõ ràng. Nhưng cách trả lời của ông Võ Kim Cự thì gần như trách nhiệm đó không thuộc ai. Ông có bình luận gì?
 
Hiện nay chưa có một quy trình nào kiểm điểm ông Võ Kim Cự được “khởi động” xem xét trách nhiệm cá nhân. Nhân dân phản ánh, cử tri phản ánh, ý kiến của cán bộ công chức phản ánh. Để có đánh giá đầy đủ cần có quy trình xem xét. Xem xét song thì mới biết sai phạm đến đâu, sai phạm thế nào, từ đó mới xử lý được vấn đề của ông Võ Kim Cự. Còn hiện tại chưa có quy trình ấy thì ông Võ Kim Cự vẫn có quyền của mình hoạt động bình thường trên cương vị là đại biểu Quốc hội. Theo tôi hiểu để xem xét quá trình của ông Cự liên quan đến dự án Formosa phải xem xét từ quá trình bên Đảng trước. Vì ông Cự là đảng viên, cán bộ cao cấp.
 
Đến thời điểm này cần xem xét lại quá trình phân cấp đầu tư cho địa phương, bởi có địa phương năng lực rất yếu nhưng lại được cấp phép đầu tư những dự án đến hàng chục, hàng trăm tỷ? Ông có quan điểm gì?
 
Theo tôi, chính sách của chúng ta lúc thì tả, lúc thì hữu. Lúc chúng ta xiết quá, lúc chúng ta lại buông quá nhiều cho các địa phương. Theo tôi đã đến lúc cần chỉnh sửa lại Luật đầu tư, nhất là sau khi Việt Nam đã thu hút đầu tư nước ngoài được trên 20 năm rồi.
 
Nền kinh tế của nước ta cũng đã phát triển và tăng trưởng đến một mức độ cao, không như xưa nữa cho nên chính sách đầu tư cũng cần xem xét lại. Không chấp nhận những dự án đầu tư gây ô nhiễm môi trường để tránh việc Việt Nam trở thành bãi thải của công nghệ lạc hậu các nước. Chúng ta phải sửa đổi Luật đầu tư nước ngoài và việc sửa đổi này sẽ cần xem xét việc phân cấp; dự án nào thì tỉnh được cấp phép 100%. Khi phát sinh những vấn đề gây ô nhiễm, phóng xạ, có liên quan đến an ninh quốc phòng, thì lúc đó phải do các cơ quan hữu quan của Trung ương xem xét. Đến mức độ nào đó, tỉnh thu hút kêu gọi đầu tư nhưng việc xét duyệt đầu tư phải do Trung ương làm. Theo tôi cần phải xem xét lại Luật đầu tư trước những vấn đề mang tính báo động như dự án Formosa.
 
Qua đây cho thấy lãnh đạo của một số tỉnh không thoát khỏi sự cám dỗ của cái gọi là tăng trưởng GDP thuần túy. Nhiều sơ hở trong việc xét duyệt các dự án. Họ không xuất phát từ lợi ích chung của quốc gia, lợi ích dài hạn của đất nước mà chỉ chạy theo thành tích nào đó của nhiệm kỳ nhất định. Đồng thời theo tôi cần chấm dứt việc chạy theo GDP thuần túy đó để đánh giá thành tích của cán bộ lãnh đạo các địa phương. Các chuyên gia kinh tế trong nước cũng đã phân tích điều này hàng chục năm rồi, đặc biệt là 5 năm trở lại đây. Thành tựu của sự tăng trưởng kinh tế không thể đánh gía bằng GDP tăng trưởng từ 5% - 7%... Vì cái giá phải trả cho sự tăng trưởng 5% - 7% đó là rất đắt, ví như trả giá cho môi trường và để giải quyết dứt điểm vấn đề môi trường đó cũng phải cần đến tiền để khắc phục môi trường. Chưa kể đến sự hy sinh tài nguyên, hy sinh môi trường ảnh hưởng đến các thế hệ sau này. Vậy cái tăng trưởng 5% - 7% GDP đó phải trừ đi cái tổn thất của tài nguyên, môi trường.
 
Tôi nghĩ quy định của chúng ta trong vấn đề cấp phép đầu tư có sơ hở, chưa chặt chẽ thì cũng không thể trách người lãnh đạo họ đã làm đúng quy định, quy trình. Vậy chúng ta phải sửa lại quy định, quy trình. Nhưng ngược lại chúng ta cũng phải xem xét các lãnh đạo cao cấp là đảng viên, tức là ngoài trách nhiệm công dân, trách nhiệm công chức thì họ còn là đảng viên. Khi thấy những quy trình, quy định sơ hở mà gây thiệt hại cho nhân dân, cho xã hội thì họ cần phải kiến nghị sửa đổi, bác bỏ những dự án cho dù đúng quy trình nhưng có hại.
Viết Tôn (ghi)
Ông Võ Kim Cự thừa nhận có trách nhiệm liên đới vụ Formosa
Ông Võ Kim Cự thừa nhận có trách nhiệm liên đới vụ Formosa

Đại biểu Võ Kim Cự - người từng đứng đầu tỉnh Hà Tĩnh, ký cấp phép cho dự án Formosa - đã thừa nhận trách nhiệm cũng như các vấn đề liên quan đến dự án này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN