Cấp bách xử lý thấm đập chính Hồ Núi Cốc

Ngày 19/6, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên tổ chức cuộc họp tham gia ý kiến về phương án xử lý khẩn cấp đập chính Hồ Núi Cốc.

Cuộc họp có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi, các nhà khoa học thuộc Đại học Thủy lợi, chuyên gia tư vấn của Tổng công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam (HEC).

Một góc đập chính Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên nêu rõ: “Đập chính có hiện tượng thấm nước ở vai đập, phía bờ hữu cao trình +45 m đến +46 m; một số vị trí thấm ở khu vực giữa mái hạ lưu đập chính.

Tại cao trình từ +42 m đến +44 m bờ tả có hiện tượng nước thấm nhiều; rãnh thoát nước hạ lưu của đập tại cơ +32 m và +42 m bị gãy đổ chiều dài 200 m làm tụt tấm lát mái và rãnh thoát nước chân mái hạ lưu bị đổ dài khoảng 8 m; mái lát thượng lưu có một số vị trí bị lún sụt hư hỏng cục bộ”.

Phân tích của các chuyên gia cho thấy, do ở độ cao và với lượng nước tích trữ lên đến 175 triệu m3 nếu xảy ra sự cố vỡ đập chính tại Hồ Núi Cốc hậu quả sẽ rất khôn lường đối với vùng hạ lưu là Thành phố Thái Nguyên, Thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên, huyện Phú Bình và một phần của tỉnh Bắc Giang.

Một điểm nước thấm qua thân đập ở đập chính Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Theo Dự án xử lý thấm qua thân đập chính Hồ Núi Cốc do Tổng công ty tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam xây dựng, để sửa chữa cấp bách công trình trong thời gian trước mắt cần phải thực hiện các giải pháp như: khoan phụt tạo màng chống thấm cho toàn bộ đập chính, bóc bỏ và làm lại đống đá tiêu nước, bóc bỏ và hoàn thiện lại mái hạ lưu đập; hoàn thiện hệ thống tiêu thoát nước mái hạ lưu, khôi phục hệ thống quan trắc đập...Về lâu dài, cần tính tới việc cải tạo toàn bộ thân đập.

Tham gia góp ý vào Dự án xử lý thấm qua thân đập chính Hồ Núi Cốc, GS.TS Phạm Ngọc Quý, nguyên phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi cho rằng, trong số các đập đất lớn của Việt Nam bị vỡ thì có nguyên nhân do thấm. Vì vậy đơn vị tư vấn phải có luận chứng cụ thể, việc thấm thân đập này vượt quá giới giới hạn bao nhiêu, có con số cụ thể thì mới có giải pháp.

GS.TS Phạm Ngọc Quý đồng tình với giải pháp của đơn vị tư vấn đưa ra. Tuy nhiên, ông Quý băn khoăn về giải pháp, tháo bỏ lát mái phía hạ lưu và phần thấp, phải đặt ra tình huống xấu nhất là nguy cơ thảm họa 175 triệu m3 nước trút xuống hạ lưu, vỡ đập xảy ra trong quá trình khắc phục thì ai là người ra quyết định, ra lệnh phá đập phụ để cứu đập chính.

Còn theo PGS. TS Nguyễn Cảnh Thái, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi, phải có đánh giá việc dò nước thân đập ở các vị trí khác nhau, tìm ra kết quả và mức độ dò thấm khác nhau mới có phương án và mức độ xử lý khác nhau tại từng vị trí.

Khoan thăm dò chất lượng thân đập chính Hồ Núi Cốc để xây dựng phương án gia cố, sửa chữa. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi cũng băn khoăn, trong quá trình khắc phục, sửa chữa phải đảm bảo an toàn và tính đến việc xảy ra mưa lớn cục bộ tại thời điểm khoan phụt thì an toàn thân đập tính sao?

Ông Đồng Văn Tự, Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình và an toàn đập, Tổng Cục thủy lợi cho rằng, giải pháp cấp bách là tháo lát mái hạ lưu để quan trắc, khoan phụt ngay lập tức vị trí giữa thân đập nơi có nước thấm đục chảy ra rồi mới khoan phụt tiếp theo.

Đồng thời phải có phương án phòng chống lũ lụt dưới hạ du vì dự báo năm nay mưa nhiều và lũ, do vậy khi chúng ta thi công sửa chữa cần đảm bảo an toàn, luôn đặt hồ ở trong tình trạng xấu nhất có thể xảy ra.


Kết luận cuộc họp, ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên nhất trí thành lập Hội đồng tư vấn ngay trong ngày. Khi đã xác định được nguyên nhân của thấm, mức độ thấm thì ưu tiên đầu tiên là xử lý việc tiêu nước sau thân dập, bóc ngay lớp bê tông lát mái hạ lưu, tiếp theo là khoan phụt thân dập theo phương án của đơn vị tư vấn.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên giao Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên rà soát, bổ sung các giải pháp an toàn cho hạ lưu, xây dựng các phương án an toàn trong quá trình thi công sửa chữa. Đề nghị các ngành chức năng chuẩn bị đầy đủ các thủ tục hồ sơ để triển khai ngay lập tức, đảm bảo hồ được an toàn trong mùa mưa lũ.

Hồ Núi Cốc là hồ nước ngọt nhân tạo ở Thái Nguyên, được khởi công xây dựng vào năm 1973 và được đưa vào khai thác năm 1978. Hồ có đập chính dài 480m cùng với 6 đập phụ khác. Đây là công trình nằm trong danh mục 6 hồ chứa là công trình thủy lợi quan trọng cấp Quốc gia.

Hồ Núi Cốc có nhiệm vụ đảm bảo nước cho sản xuất nông nghiệp của hơn 30.000 ha hoa màu mỗi năm. Nguồn nước từ hồ phục vụ thủy lợi cho tỉnh Bắc Giang với dung lượng 30 triệu m3/năm; phục vụ sinh hoạt cho Thành phố Thái Nguyên với dung lượng 30.000 m3/ngày; cung cấp nước cho Nhà máy nước sạch Yên Bình với công suất 30.000 - 150.000 m3/ngày.

Ngoài ra, nguồn nước chảy qua cống hồ được tận dụng để phát điện 10 triệu kW/h/năm. Mặt nước hồ cho phép kết hợp nuôi trồng thủy sản với sản lượng 100 - 400 tấn/năm. Hồ cũng góp phần điều hòa khí hậu, tạo môi trường và cảnh quan thuận lợi cho phát triển khu du lịch.

Quân Trang (TTXVN)
15.000 tỷ đồng xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc
15.000 tỷ đồng xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc

Dự án xây dựng khu du lịch Hồ Núi Cốc đã được tỉnh Thái Nguyên và doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường động thổ xây dựng từ tháng 2/2016 với tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng. Đây là một trong những "siêu dự án" được người dân Thái Nguyên đặc biệt quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN