Cần thiết xây dựng Luật Lực lượng trị an cơ sở

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 82/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về Đề nghị xây dựng Luật Lực lượng trị an cơ sở.

Chú thích ảnh
Cán bộ Công an huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La trao đổi thông tin với lực lượng cơ sở về tình hình an ninh trật tự tại địa bàn. Ảnh minh họa: Nguyễn Cường/TTXVN

Thông báo nêu rõ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đồng ý về sự cần thiết xây dựng Luật Lực lượng trị an cơ sở.

Về nội dung Đề nghị xây dựng Luật, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an lưu ý, cần xác định lại tên gọi của Luật cho phù hợp hơn, có thể lấy tên là Luật về các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; xác định rõ tính chất, vị trí, vai trò của các lực lượng trong việc tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở và vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, lực lượng Công an đối với các lực lượng này. Trên cơ sở đó, quy định cơ chế phát huy quyền làm chủ, sự tự nguyện của nhân dân ở cơ sở tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của chính quyền địa phương.

Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn tính hợp lý, tính khả thi, dự báo của nội dung, các giải pháp và điều kiện bảo đảm thực hiện các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật, tạo sự đồng thuận cao giữa các bộ, ngành liên quan, nhất là đối với Chính sách 4 (xác định cụ thể việc bảo đảm điều kiện hoạt động cụ thể cho các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở do địa phương tự cân đối kết hợp với huy động nguồn lực trong nhân dân, phát huy tính tự quản gắn với đẩy mạnh thực hiện hình thức tự quản ở cộng đồng dân cư dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền).

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất quy định theo hướng không đưa lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp vào phạm vi điều chỉnh của dự án Luật (để tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành). Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật liên quan đến nhiều luật và văn bản dưới luật. Do vậy, Bộ Công an cần rà soát, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện các vấn đề liên quan đến xã hội, các quy định của pháp luật hiện hành đang điều chỉnh các vấn đề liên quan đến nội dung các chính sách dự kiến của Đề nghị xây dựng Luật để đề xuất hướng xử lý cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, không để chồng chéo, trùng lắp hoặc mâu thuẫn.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao Bộ Công an tiếp thu các ý kiến tham gia, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật bảo đảm chất lượng; gửi Bộ Tư pháp thẩm định; trình Chính phủ xem xét, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

TTXVN/Báo Tin tức
Chủ động bảo vệ an ninh biên giới và đấu tranh với tội phạm ma túy
Chủ động bảo vệ an ninh biên giới và đấu tranh với tội phạm ma túy

Theo Đại tá Phạm Văn Đô, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 của Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên là chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch và các đối tượng xấu tập trung vào hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN