“Cần làm rõ chất lượng nhập cư gắn liền với hạn chế số lượng”

Bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Lê Thanh Vân (ảnh), đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã có cuộc trao đổi với báo chí về những vấn đề xung quanh dự án Luật Thủ đô.

 

´Theo ông những vấn đề nào cần tiếp tục làm rõ trong dự án Luật Thủ đô?


Việc có Luật Thủ đô là rất cần thiết để khẳng định tính pháp lý riêng cho Hà Nội. Việc thảo luận ở tổ dự thảo luật đã chỉ ra những hạn chế như kỹ thuật lập pháp chưa đạt, một số nội dung còn chung chung, chưa rõ ràng. Sau thảo luận ở các tổ vừa rồi, tôi có xem lại tiếp thu của Chính phủ và thấy dự án Luật Thủ đô đã có những khắc phục dựa trên tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội. Một số chính sách đặc thù cho thủ đô đã được làm rõ hơn.


Tuy nhiên có 3 vấn đề mà dự thảo Luật Thủ đô cần tiếp tục làm rõ. Một là chất lượng nhập cư gắn liền với hạn chế số lượng. Chúng ta hạn chế số lượng nhập cư mà không có quy định nào về chất lượng dân cư Hà Nội thì trong tương lai không xa, việc xây dựng nền văn hóa, sự kế thừa tinh hoa của thủ đô sẽ mai một.


Vấn đề thứ 2 đó là cơ chế tài chính đặc thù cho thủ đô Hà Nội phải bảo đảm 2 mặt: Một mặt đó là nguồn tài chính thu hút về cho thủ đô Hà Nội để có nguồn lực xây dựng, bồi đắp cho những công trình kiến trúc văn hóa; thiết chế tương ứng. Nhưng mặt khác có những đòi hỏi riêng với thủ đô như nhiều ý kiến đại biểu nêu, đó là công dân thủ đô cũng phải có nghĩa vụ, trách nhiệm hơn công dân địa phương khác. Công dân thủ đô được hưởng những ưu đãi hơn thì cũng nên có nghĩa vụ tài chính tương ứng.


Vấn đề thứ 3 là sự quản lý khác biệt về dân cư tại địa bàn thủ đô. Trong dự thảo lần này chưa đề cập. Tôi đề nghị nên tiếp thu ý kiến định dạng được tính nguyên tắc về tổ chức chính quyền ở Thủ đô khác với chính quyền ở thành phố khác.


´Có ý kiến cho rằng, dự án Luật Thủ đô mới chỉ quan tâm tới nội thành, nhất là trong lĩnh vực văn hóa. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?


Trong dự thảo luật khoanh vùng đô thị lõi gồm 4 quận nội thành: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng vì có bề dày lịch sử, có kiến trúc ổn định và thiết chế khác được xác lập trong nhiều năm. Nhưng tôi cho rằng vấn đề đó cũng chỉ tương đối nếu so bề dày phát triển của 4 quận này với cả chiều dài văn hiến của thủ đô. Ý tưởng của các nhà làm luật trong dự thảo này là thủ đô có các tầng, vành đai, có trung tâm lõi và vùng xung quanh. Ý tưởng này hướng tâm rất tốt; có thể liên quan đến vấn đề quy hoạch không gian Hà Nội. Như vậy, theo dự án Luật Thủ đô này có nhiều tầng kiến trúc. Bên trong của đô thị là vùng lõi, tầng bao xung quanh và tầng ngoài vệ tinh. Đó là tổ chức không gian đô thị hợp lý, phù hợp với quy mô đô thị thủ đô của chúng ta hiện nay.


Tuy nhiên trong quá trình xây dựng thủ đô vừa bảo đảm tính lịch sử, có chiều dày văn hóa, nhưng kết hợp cả phát triển không gian hiện đại, sẽ đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Đó là làm sao giữ cho thủ đô có giá trị tinh hoa nhưng cũng xây dựng thủ đô có tầm vóc tương xứng với đô thị khác trong khu vực Đông Nam Á và ngang tầm thế giới. Đó không chỉ là hiện đại về kiến trúc mà còn có nét văn hóa truyền thống, hình thành nhân cách của con người thủ đô.


´Có nhiều ý kiến xung quanh việc chọn Khuê Văn Các là biểu tượng của Thủ đô, ý kiến của ông ra sao về lựa chọn này?


Tôi đồng tình chọn Khuê Văn Các là biểu tượng thủ đô vì Khuê Văn Các là biểu tượng cho nền học vấn vì là tác phẩm kiến trúc trong quần thể Văn Miếu Quốc Tử Giám. Khuê Văn Các có nghĩa là “đài vẻ đẹp của sao khuê” tượng trưng cho tinh hoa, tinh tú trên bầu trời đất Việt. Biểu tượng đó lại nằm trong quần thể của trường đại học đầu tiên của đất nước thể hiện minh triết của người Việt.


Xuân Cường (ghi)

Tạo cơ sở pháp lý xây dựng thủ đô tương xứng với tính chất đặc thù
Tạo cơ sở pháp lý xây dựng thủ đô tương xứng với tính chất đặc thù

Sáng 5/11, Quốc hội họp toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Thủ đô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN