Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV:

Cần có cơ chế, chính sách hiệu quả thúc đẩy kinh tế sớm phục hồi, phát triển

Chiều 1/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14. Nhiều cử tri tại Long An đã nêu ý kiến đánh giá cao về phiên thảo luận này.

Chú thích ảnh
Chiều 1/6/2022, Quốc hội tiếp tục thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cử tri Lê Văn Đức (ngụ xã Lợi Bình Nhơn, thành phố Tân An) bày tỏ sự đồng tình với phiên thảo luận, các ý kiến được nêu một cách dân chủ, thẳng thắn. Đặc biệt, các ý kiến của đại biểu Quốc hội về chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ không nơi nương tựa; vấn đề phòng, chống đuối nước cho trẻ em; các vấn đề liên quan đến giáo dục và đào tạo.

Ông Lê Văn Đức kiến nghị, các cấp lãnh đạo cần quan tâm hơn nữa đến hoạt động chăm sóc, phát triển trẻ em cả về vật chất lẫn tinh thần, nhất là những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi; cần có chính sách, giải pháp lâu dài hỗ trợ cho trẻ em về vật chất và tinh thần để các em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi vượt qua khó khăn, tiếp tục học tập, phấn đấu trong điều kiện tốt nhất.

Đối với công tác giáo dục và đào tạo, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những giải pháp thiết thực để cải cách giáo dục một cách toàn diện, thực chất; cần lắng nghe nhiều hơn nữa ý kiến dư luận, nhất là phụ huynh và học sinh để có sự điều chỉnh phù hợp các chính sách cụ thể, về chương trình giảng dạy, giá sách giáo khoa và mức học phí…

Liên quan đến các vấn đề kinh tế, cử tri Nguyễn Thị Ly (ngụ Phường 2, thành phố Tân An) đồng tình với ý kiến các đại biểu Quốc hội nêu trong phiên thảo luận chiều 1/6; nhất là các ý kiến về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu; giảm thuế xăng dầu; chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp…

Cử tri cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần có thêm nhiều giải pháp thiết thực hơn để tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và tình hình chính trị thế giới. Thời gian gần đây, dù kinh tế có bước phục hồi nhưng nhìn chung người dân và doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Đối với doanh nghiệp, nguyên vật liệu, giá cả vận chuyển tăng cao, việc tiếp cận các nguồn vốn gặp khó khăn, lao động thiếu hụt… gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.

Trong khi đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, giá cả bấp bênh. Đảng, Nhà nước và Chính phủ cần có cơ chế, chính sách hiệu quả để thúc đẩy kinh tế - xã hội sớm phục hồi và phát triển, kinh tế tăng trưởng tốt, lạm phát được kiểm soát…

Bùi Giang (TTXVN)
Đảm bảo linh hoạt trong kiềm chế giá xăng dầu tăng cao
Đảm bảo linh hoạt trong kiềm chế giá xăng dầu tăng cao

Đảm bảo linh hoạt trong kiềm chế giá xăng dầu tăng cao. Đó là ý kiến của đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) tại phiên thảo luận hội trường chiều 1/6 về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN