Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII:

Cần có biện pháp xử lý nhà ở công vụ

Chiếm dụng nhà công vụ đang là thực trạng được dư luận phản ánh từ lâu. Không ít người đã hết thời gian công tác nhưng không trả lại nhà cho nhà nước. Nhà nước cũng chưa có biện pháp, chế tài cụ thể để xử lý.

“Quên” trả lại nhà công vụ

Theo đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị), tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và phiên thảo luận về Luật Nhà ở, nhiều vị đại biểu rất bức xúc khi đề cập đến việc quản lý, sử dụng nhà công vụ. Nhà công vụ, biệt thự công là tài sản công, tài sản Nhà nước, tài sản quốc gia được Nhà nước đầu tư từ ngân sách để ưu tiên cho một số ít đối tượng sử dụng theo quy định của pháp luật. Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2014, tổng Quỹ nhà ở công vụ của cả nước là 1.603.498 m2, trong đó có hàng trăm biệt thự công, hàng chục nghìn căn hộ chung cư và 55.966 nhà ở liền kề.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Lê Như Tiến phát biểu ý kiến.
Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Trong những năm qua, nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước rất gương mẫu, tự nguyện trả biệt thự công hoặc nhà công vụ ngay sau khi thôi giữ chức vụ lãnh đạo quản lý. “Song, không ít cán bộ lãnh đạo quản lý khi không còn giữ chức vụ nữa thì tự cho mình được quyền sử dụng vĩnh viễn mà quên trả lại nhà công vụ, thực chất đã cố tình biến nhà công vụ thành nhà tư vụ. Có người tuy không ở nhưng đã lỡ mang theo chìa khóa nhà công vụ về địa phương để thụ hưởng biệt thự, mà các doanh nghiệp đàn em đã xây sẵn ở quê nhà. Có người còn cho con, cháu mượn nhà công vụ theo cơ chế ở nhờ, giữ hộ, có người thông minh hơn cho thuê nhà công vụ để tháng tháng đều đặn lĩnh thêm khoản tiền trời cho lớn hơn gấp nhiều lần tiền lương”, đại biểu Lê Như Tiến cho hay.

Theo một số đại biểu, vô hình chung, chính sách nhà công vụ của chúng ta đã tạo sự bất bình đẳng, bất công bằng giữa các cán bộ lãnh đạo quản lý với nhau, giữa cán bộ lãnh đạo quản lý ở Trung ương và địa phương trong hệ thống chính trị. Nhà công vụ, biệt thự công thường tọa lạc ở những vị trí đắc địa, trên những mảnh đất vàng, đất ngọc, mỗi m2 trị giá hàng trăm triệu đồng. Nhiều tòa nhà đã bị chia nhỏ, cơi nới, chắp vá, biến dạng, thiếu thẩm mỹ, phá vỡ kiến trúc không gian và kiến trúc đô thị, biến biệt thự công, nhà công vụ thành chung cư gia đình của nhiều thế hệ. Có biệt thự công nằm trong vùng lõi của di sản văn hóa thế giới, chủ sử dụng đã mất từ lâu, từ nhiều năm nay, song cho đến nay vẫn không hề giải tỏa được. Chính phủ có giải pháp quản lý, sử dụng đúng mục đích, bố trí hợp lý quỹ đất thì hàng trăm biệt thự công, hàng chục nghìn nhà công vụ sử dụng sai mục đích có thể thu hồi, bán đấu giá hoặc cho thuê sẽ ngày ngày đẻ trứng vàng cho ngân sách nhà nước.

“Chúng ta chỉ tắm từ vai trở xuống"

Ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, chính sách nhà ở công vụ là chính sách rất đúng đắn để đảm bảo cho những cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước… được luân chuyển, điều động công tác, xa nơi ở cũ nhưng không có điều kiện, khả năng mua nhà mới có chỗ ở trong thời gian công tác. “Song quá trình thực hiện có một số trường hợp chưa thực hiện đúng như đại biểu Quốc hội nêu thì cần phải sớm khắc phục, siết chặt quản lý. Tôi chưa thể nói là chiếm đoạt hay không. Họ chưa giao cũng có thể do Nhà nước chưa thu. Trong trường hợp này thì không thể nói người ta chiếm đoạt” ông Trình Đình Dũng khẳng định.

Theo một số đại biểu, việc kiên quyết cắt giảm hàng trăm công trình chưa cần thiết, điều chỉnh hàng nghìn công trình quá hoành tráng và chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư cơ bản thì chúng ta sẽ có thêm hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Là nguồn quan trọng để đầu tư phát triển và cải cách tiền lương theo lộ trình mà chúng ta đã lỗi hẹn với cử tri hơn 2 năm qua chỉ vì thiếu nguồn. “Có lẽ đã đến lúc lên nhận dạng và đưa vào Bộ luật hình sự một tội danh tham nhũng mới, đó là tham nhũng nhà công vụ. Chúng ta lên án và xử lý rất nghiêm khắc một số cán bộ, công chức nhận lót tay, quà biếu trị giá vài trăm nghìn hoặc vài triệu đồng.

Song từ trước đến nay chúng ta chưa xử ai tham nhũng nhà công vụ trị giá nhiều tỷ đồng. Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, có đại biểu cho rằng cán bộ lãnh đạo quản lý là tài sản quốc gia cần có chính sách đãi ngộ đặc biệt. Tôi tán thành với quan điểm này, tuy nhiên theo tôi nhà công vụ, biệt thự công cũng là tài sản quốc gia, không thể để tài sản quốc gia này chiếm đoạt tài sản quốc gia khác”, đại biểu Lê Như Tiến đề nghị.

Tại Kỳ họp này, dự thảo Luật Nhà ở sẽ được đưa ra bàn thảo, trong đó có một chương quy định về nhà công vụ. Theo đó, sau khi trả nhà công vụ rồi thì cán bộ, công chức, viên chức… nếu có nhu cầu sẽ được giải quyết, mua nhà ở xã hội. Chính phủ sẽ tiếp tục quy định cụ thể hơn về đối tượng, loại nhà ở xã hội, có sự hỗ trợ của nhà nước để các đối tượng khác nhau, có nhu cầu về nhà ở mà không có khả năng tạo lập nhà ở thì được mua loại nhà này.

Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu rằng, cần có chế tài nghiêm khắc như cưỡng chế công khai danh tính, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự đối với người chiếm đoạt tài sản công, trong đó có chiếm đoạt nhà công vụ. Có như thế công cuộc phòng, chống tham nhũng mới thiết thực, hiệu quả và sẽ xóa được đi hoài nghi là chúng ta chỉ "tắm từ vai trở xuống".

Viết Tôn - Hữu Vinh

Phê duyệt Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên
Phê duyệt Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên

Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2014 - 2015 là đầu tư xây dựng danh mục phòng học, nhà công vụ cho giáo viên mầm non thuộc các huyện nghèo tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN