Cảm nhận trên xứ sở Chùa Vàng

Chỉ chưa đầy 2 giờ bay từ Hà Nội là đã tới  Bangkok, Thủ đô của Vương quốc Thái Lan - một trong những điểm du lịch hàng đầu thế giới. Thật dễ hiểu khi ngày càng nhiều người Việt Nam đi du lịch Thái Lan (riêng năm 2012 đã có hơn 530.000 người Việt Nam thăm Thái Lan) và điểm đến đầu tiên trong hành trình đó là Thủ đô Bangkok.


Khi Hoàng gia làm nông nghiệp


Giữa Thủ đô Bangkoknáo nhiệt có một nơi rất đặc biệt, nằm ngay trong khuôn viên Hoàng cung tráng lệ, bên cạnh nơi ở của Nhà vua. Đó là khu vực dành cho Dự án Hoàng gia Chitralada, chuyên nghiên cứu, thí nghiệm các loại giống cây trồng, các mô hình trồng cây nông nghiệp và tập huấn cho các kỹ sư nông nghiệp Hoàng gia các phương thức thực hành nhằm truyền đạt lại cho nông dân.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Làng hữu nghị Thái - Việt ở tỉnh Nakhon Phanôm và gặp gỡ bà con Việt kiều. Ảnh : Trí Dũng - TTXVN


Khác hẳn nhịp sống sôi động ở bên ngoài, bước vào khu vực Dự án như bước vào một thế giới khác - thế giới quen thuộc của những người nông dân với rừng cây, hồ cá, khu chăn nuôi bò sữa, khu ươm giống lúa... Nơi đây còn có các phòng thí nghiệm, các nhà máy chế biến nhỏ để chế biến các sản phẩm sữa, các loại mỹ phẩm, nhiên liệu sinh học...


Dự án được hình thành từ ý tưởng hết sức nhân văn của Nhà vua Thái Lan Phu-mi-phôn A-đun-da-đệt, Dự án Hoàng gia Chitralada nhằm giúp đỡ, hỗ trợ các hoạt động phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nông dân nghèo. Hoạt động của dự án bao gồm 8 lĩnh vực chính: Nông nghiệp, môi trường, y tế, huấn nghiệp, duy trì và bảo tồn tài nguyên nước, truyền thông, phúc lợi xã hội, cung cấp hỗ trợ tín dụng cho người nghèo... Cùng với việc tăng hiệu suất, hiệu quả của các hoạt động nông nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân, các hoạt động dự án còn giúp tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Lợi nhuận thu được từ các dự án này sẽ được tái sử dụng để duy trì và nhân rộng mô hình dự án ra khắp cả nước.


Từ ý nghĩa nhân văn đó, dự án đã thu hút được các tổ chức phi chính phủ quốc tế, các tổ chức chuyên ngành của Liên hợp quốc và khu vực tư nhân cùng tham gia. Ngày nay, hơn 300 vùng nông thôn nghèo ở Thái Lan đang được thụ hưởng từ các Dự án Hoàng gia và dự án được áp dụng thực hiện ở hơn 28 trạm khuyến nông, có ảnh hưởng tới hơn 50.000 hộ nông dân nghèo trên khắp đất nước. Các sáng kiến đã được Hoàng gia Thái Lan triển khai gồm: Xây trường học cho học sinh nghèo, thành lập các hợp tác xã, ngân hàng giống gạo và các dịch vụ y tế cơ bản. Bên cạnh đó, các dịch vụ về điện, đường, hệ thống tưới tiêu nhỏ cũng được chú trọng. Cũng từ ý nghĩa và hiệu quả sâu xa của dự án, Nhà vua Phu-mi-phôn A-đun-da-đệt đã được Liên hợp quốc trao tặng Huy chương Thành quả trọn đời vì phát triển nhân loại (tháng 5/2006) - đây là Huy chương đầu tiên của Liên hợp quốc dành cho một Quốc vương.


Dự án Hoàng gia Chitralada luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của Hoàng gia và Chính phủ Thái Lan ngay từ khi ra đời và trong suốt hơn nửa thế kỷ hoạt động, mang lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân và sự phát triển của ngành nông nghiệp Thái Lan. Dự án là một biểu tượng cụ thể, sinh động về sự coi trọng đặc biệt của Nhà vua và Chính phủ Hoàng gia trong việc phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Chính vì vậy, mặc dù ngày nay Thái Lan đã trở thành một nước công nghiệp mới, công nghiệp và dịch vụ đã đóng vai trò chủ yếu trong nền kinh tế Thái Lan, nhưng rõ ràng các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của bạn (trong đó có gạo) vẫn có sức cạnh tranh vượt trội cả về chất lượng, giá cả.


Trong bối cảnh khó khăn chung do khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, Thái Lan càng chú trọng hơn các vấn đề nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện Kế hoạch phát triển lần thứ 11 (2012-2016), Chính phủ Thái Lan hướng trọng tâm vào xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng có chất lượng và bền vững, mở rộng kết nối khu vực và quản lý tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, Chính phủ thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội như tăng lương tối thiểu, thực hiện chính sách cam kết giá gạo, bảo đảm quyền lợi cho nông dân, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh và phát huy tiềm năng tại khu vực nông thôn…


Thăm Dự án nông nghiệp của Hoàng gia Thái Lan, có thể nhận thấy trong các chương trình, kế hoạch phát triển của bạn có nhiều điểm tương đồng với chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Việt Nam. Từ Dự án Hoàng gia Chitralada, có thể nhìn thấy nhiều điểm trong Chương trình xây dựng nông thôn mới mà Việt Nam đang triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trình độ, kinh nghiệm của bạn trong việc tổ chức và phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao, là những điều chúng ta cần học hỏi.


Triển vọng Nakhon Phanom


Nằm ở vùng Đông Bắc Thái Lan, nhưng từ lâu, địa danh Nakhom Phanom đã trở lên thân thuộc với người Việt Nam. Ở đó có làng Hữu nghị Việt Nam - Thái Lan, có khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh - những biểu hiện sinh động của tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, Nakhon Phanom có 73 trong tổng số 131 xã (tambon) ghi nhận sự có mặt của các chiến sĩ cộng sản Việt Nam và Lào.
Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được nối với làng hữu nghị Thái - Việt bằng một con đường ngắn, tạo thành một quần thể du lịch văn hóa, lịch sử. Đây cũng là nơi sum họp của bà con Việt kiều Nakhon Phanom nói riêng và cả vùng Đông Bắc Thái nói chung. Vào các dịp lễ, Tết, bà con Việt kiều lại tụ hội quây quần bên nhau, thắt chặt tình đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt. Làng hữu nghị cũng là điểm dừng chân mà bất cứ đoàn khách Việt nào sang Đông Bắc Thái Lan đều không thể bỏ qua.


Nakhon Phanom có vị trí chiến lược quan trọng, kết nối 8 tỉnh của 3 nước sử dụng chung đường 8 và đường 12 gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình (Việt Nam), Sacon Nakhon, Nakhon Phanom, Nong Khai (Thái Lan), Khăm Muộn và Bolikhămxay (Lào).


Tại Nakhon Phanom, đa số bà con Việt kiều cần cù chịu khó làm ăn, đời sống ổn định. Bên cạnh những cửa hàng, tiệm buôn bán nhỏ, đã bắt đầu xuất hiện những trang trại chăn nuôi, trồng cây cao su quy mô lớn. Anh Đặng Minh Cương, từ Hà Tĩnh sang đây làm ăn buôn bán, cuộc sống gia đình anh giờ đã khá giả. Anh nhận thấy vùng đất này còn nhiều tiềm năng, nằm trong thung lũng sông Mê kông, đất đai bằng phẳng, màu mỡ, khí hậu ấm áp, người dân sở tại hiền hòa, thân thiện, chăm chỉ làm ăn… rất thuận lợi cho sản xuất hàng hóa. Nakhon Phanom còn có vị trí thuận lợi cho kết nối giao thông sang Lào, các tỉnh miền Trung Việt Nam, rất gần với cảng biển Vũng Áng, Hà Tĩnh. Anh Cương hy vọng trong tương lai không xa, khi các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung phát triển, nơi đây sẽ mọc lên những nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu. Vùng đất này sẽ tiếp tục đổi mới, đi lên.


Gần gũi về địa lý, tương đồng văn hóa, có chung lợi ích cả chiều rộng và chiều sâu, đây là nền tảng quan trọng cho việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Thái Lan lên tầm đối tác chiến lược. Thực tế cho thấy, quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Thái Lan không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho hai quốc gia, mà còn góp phần quan trọng vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực. Cũng như mọi năm, mùa mưa ở Thái Lan đang bắt đầu sau lễ hội truyền thống Songkran. Nhưng năm nay là năm đặc biệt đối với quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Thái Lan. Những cơn mưa đầu mùa dịu mát trên xứ sở Chùa Vàng đang hứa hẹn một mùa hoa thơm trái ngọt, vun bồi thêm sức sống cho quan hệ Việt Nam - Thái Lan bước vào một chương mới, hữu nghị và hợp tác thân thiện, bền chặt hơn.


Kiều Chi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN