Cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ khóa XIII

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị quyết số 57/2010/QH12 của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001 – 2010 đã diễn ra ngày 18/7, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến. Ảnh: chinhphu.vn


Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Nghị quyết 57/2010/QH12 của Quốc hội và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách TTHC đã và đang từng bước mang lại những kết quả hữu hiệu, được nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Triển khai nhiệm vụ kiểm soát TTHC đã được coi là việc thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương với sự tham gia hỗ trợ của người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những tồn tại trong công tác kiểm soát TTHC và thực thi giai đoạn 3 của Đề án 30, đó là một số bộ, ngành đến nay chưa hoàn thành thực thi Đề án, thực hiện có tính chất đối phó, theo phong trào, chưa thực sự coi trọng và coi là nhiệm vụ thường xuyên. Tình trạng này bắt nguồn từ nhận thức của người đứng đầu và sự hiểu biết của đội ngũ được giao nhiệm vụ chưa đầy đủ.

Theo Bộ trưởng, cải cách TTHC được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ khóa XIII, của Quốc hội và là động lực phát triển kinh tế xã hội. Những văn bản như Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát TTHC, Nghị định 20/2008/NĐ-CP về công tác tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính được người dân và doanh nghiệp kỳ vọng. Bộ trưởng nêu rõ: Cải cách TTHC góp phần giải phóng nguồn lực, phát triển đất nước nên không được làm qua loa, đại khái; cần chấn chỉnh kịp thời, làm rõ hơn chức năng nhiệm vụ quản lý của các bộ, ngành, địa phương, trách nhiệm của từng bên trong cải cách TTHC; phải lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo kết quả của cải cách.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho Phòng Kiểm soát TTHC đi vào hoạt động hiệu quả; quan tâm chỉ đạo, coi công tác cải cách TTHC là nhiệm vụ thường xuyên. Theo Cục Kiểm soát TTHC, thực thi 25 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của các bộ, ngành, tính đến ngày 30/6, các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền và dự thảo văn bản trình cấp có thẩm quyền để đơn giản hóa 3.037 TTHC trên tổng số gần 4.800 thủ tục phải đơn giản hóa, đạt tỷ lệ 63%. Trong đó, số TTHC đã được ban hành thành văn bản quy phạm pháp luật để thực thi lên tới 1.882 TTHC, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp. Các địa phương cũng đã chủ động ban hành văn bản thuộc thẩm quyền để thực thi phương án đơn giản hóa của 3.636 TTHC đang được thực hiện tại các sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã.

Chu Thanh Vân
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN