Cải cách hành chính theo hướng nhà nước kiến tạo và phát triển

“Với trách nhiệm là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, tôi sẽ chủ động cùng các thành viên Chính phủ hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao”, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân (ảnh) chia sẻ với phóng viên TTXVN nhân dịp ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng.

Thưa Bộ trưởng, trong nhiệm kỳ của mình, ông sẽ ưu tiên thực hiện những vấn đề nào?

Cảm ơn Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã tín nhiệm giao cho tôi trọng trách làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tôi nhận thức rằng, đây là vinh dự đồng thời là trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó. Với trách nhiệm là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, tôi sẽ chủ động cùng các thành viên Chính phủ hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao. Đồng thời, tôi sẽ cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nỗ lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; xây dựng ngành Nội vụ trong sạch vững mạnh, đoàn kết nhất trí, hành động quyết liệt, năng động sáng tạo, hiệu lực, hiệu quả; hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.

Thời gian tới, tôi sẽ cùng tập thể lãnh Bộ Nội vụ quán triệt 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã nêu, đồng thời tập trung triển khai 6 ưu tiên điều hành của Chính phủ mà đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xác định ngay sau khi nhận chức. Đó là:

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Hoàn thiện chức năng nhiệm vụ Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và định hướng phát triển đất nước trong tương lai. Bộ Nội vụ thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng chống quan liêu, sách nhiễu, tham nhũng; thực hiện công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu và từng cán bộ, công chức, viên chức.

Tập trung cải cách hành chính theo hướng nhà nước kiến tạo và phát triển; trọng tâm là xây dựng thể chế nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chính quyền phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

Thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị và Nghị định 108 của Chính phủ về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, tăng cường công tác quản lý biên chế, có sự phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương. Bộ Nội vụ khẩn trương triển khai Luật Tổ chức Chính phủ; trình Chính phủ ban hành các văn bản qui phạm pháp luật quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phù hợp với yêu cầu thực tế trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; quy định rõ vị trí, vai trò của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là thành viên Chính phủ và với tư cách là người đứng đầu ngành, lĩnh vực.

Triển khai Luật Tổ chức chính quyền địa phương trong năm 2016, đảm bảo phân cấp mạnh và rõ hơn giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương theo hướng “Việc nào do cấp nào quản lý và giải quyết sát thực tiễn hơn thì giao nhiệm vụ và thẩm quyền cho cấp đó”; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tính thống nhất, thông suốt trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp. Nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND và UBND các cấp.

Phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Bộ Nội vụ sẽ tập trung xây dựng có chất lượng, bảo đảm tiến bộ các đề án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ. Trước mắt, cần khẩn trương hoàn thiện, sớm trình các đề án để triển khai Luật Tổ chức chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Bộ Nội vụ tiếp tục làm tốt công tác xây dựng thể chế, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước trong các lĩnh vực mà Bộ, ngành Nội vụ được phân công; phấn đấu xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, phù hợp với tiến trình đổi mới của đất nước và hội nhập quốc tế.

Đến nay đã gần 10 năm thực hiện mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, theo ông, mô hình này có vấn đề gì cần rút kinh nghiệm và việc khắc phục?

Tổng quát về kết quả hoạt động của các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực thời gian qua đã khẳng định tính phù hợp về mô hình tổ chức, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong việc thực thi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực và tạo điều kiện từng bước tinh gọn cơ cấu tổ chức của Chính phủ, khắc phục tình trạng bỏ trống hoặc trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực giữa các bộ, ngành.

Để khắc phục những chồng chéo, bất hợp lý, cải cách hành chính, tăng tính trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường kiểm tra, giám sát cơ chế phối hợp thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa tổ chức quản lý chuyên ngành với tổ chức quản lý tổng hợp trong bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; phân cấp đồng bộ về thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức cho một số tổ chức quản lý chuyên ngành.

Trước sức ép về tinh giản biên chế hiện nay, với vai trò là Tư lệnh ngành, ông có khẳng định số lượng biên chế sẽ không “phình” ra?

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế, quy định các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ được sử dụng 50% số biên chế đã được tinh giản và giải quyết chế độ nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật; số còn lại được cắt giảm và đưa vào biên chế dự phòng do cơ quan có thẩm quyền quản lý để sử dụng cho việc thành lập tổ chức mới hoặc triển khai các nhiệm vụ mới được cấp có thẩm quyền giao. Đồng thời quy định người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện tinh giản biên chế trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý theo thẩm quyền; kết quả tổ chức triển khai thực hiện tinh giản biên chế được gắn với việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ đề nghị lãnh đạo của các cơ quan, tổ chức, đơn vị nghiêm túc thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tinh giản biên chế, tôi tin tưởng rằng việc thực hiện sẽ đạt kết quả.

Để không còn tình trạng công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về”! Để ngân sách nhà nước bớt phải oằn mình gánh lương cho những người không làm được việc, ông sẽ làm gì?

Đến nay, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành được 59 tiêu chuẩn ngạch công chức và 37 bộ tiêu chuẩn chức danh viên chức cho 113 chức danh nghề nghiệp viên chức. Đã có 63/63 tỉnh, thành phố và 19/22 bộ, ngành hoàn thành việc thẩm định và phê duyệt Đề án xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức.

Trên cơ sở các quy định và sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương; việc triển khai thực hiện nghiêm túc của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, sẽ giải quyết tinh giản biên chế được đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn quy định, những người dôi dư do xác định vị trí việc làm.

Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành việc xây dựng tiêu chuẩn chức danh ngạch công chức chuyên ngành, chức danh nghề nghiệp của viên chức. Đồng thời đẩy nhanh việc vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức của các tỉnh, thành phố.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Chu Thanh Vân (thực hiện)
Doanh nghiệp hưởng lợi nhờ cải cách hành chính
Doanh nghiệp hưởng lợi nhờ cải cách hành chính

Doanh nghiệp ở hầu hết các lĩnh vực trong ngành Giao thông Vận tải (GTVT) hiện nay đều thấy được những lợi ích từ việc cải cách hành chính của Bộ GTVT. Năm 2016 tiếp tục là năm Bộ GTVT tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN