Các tư lệnh ngành trả lời về 'bốn món nợ'

Quốc hội đã quyết định lựa chọn 4 nội dung để tiến hành chất vấn 5 thành viên Chính phủ và trưởng ngành là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Tổng thanh tra Chính phủ.

“Bốn món nợ” lớn mà cử tri mong chờ các tư lệnh ngành giải trình trước Quốc hội: Một là nợ công, nợ thu ngân sách, nợ xấu, nợ thuế; hai là nợ việc làm cho học sinh, sinh viên, người lao động; ba là nợ về văn bản, cách giải quyết cho tốt để tính thống nhất của các văn bản pháp luật; bốn là nợ các biện pháp cần thiết để đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

“Đòi nợ lời hứa”

Theo dõi chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, cử tri cả nước cho rằng các đại biểu Quốc hội đã đặt những câu hỏi rất “nóng” xung quanh vấn đề nợ công, khả năng cân đối nguồn trả nợ và giải pháp giảm nợ công để bảo đảm an toàn tài chính quốc gia cùng các vấn đề liên quan đến cân đối thu - chi ngân sách. Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính là khá thuyết phục.

Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để chất vấn và nghe trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN


Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nêu: “Tôi đã nhiều lần lên tiếng trước Quốc hội, phản ánh ý kiến của cử tri về thực trạng thiếu minh bạch, thiếu cạnh tranh, nhập nhằng lỗ lãi về những dấu hiệu lợi ích nhóm trong quản lý thị trường, điều hành giá kinh doanh xăng dầu. Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã nhiều lần đã trả lời và quy khá nhiều lỗi cho Nghị định 84. Từ năm 2011 nhiều lần hứa là sớm sửa đổi nghị định này, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tôi đã kiên nhẫn nhiều lần đòi nợ lời hứa này nhưng cho đến nay không có kết quả và điều này đồng nghĩa với việc những hạn chế nêu trên vẫn tồn tại và thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng”.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đã có 194 câu hỏi của 60 đại biểu Quốc hội ở 37 đoàn đại biểu Quốc hội gửi tới Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, các thành viên của Chính phủ, các vị trưởng ngành.

Trả lời ý kiến này, Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng Nghị định 84 vừa qua trong điều hành cơ bản đáp ứng được yêu cầu. “Chúng ta đề cao tinh thần điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước và nếu các đại biểu Quốc hội theo dõi trong một năm gần đây, việc điều hành xăng dầu cơ bản theo thị trường, rất thường xuyên. Chúng tôi cho rằng nhân dân cả nước, các cơ quan đơn vị cũng đã quen với giá xăng dầu thường xuyên lên xuống, đó là điểm rất quan trọng. Việc điều hành có những lúc còn giật cục. Nhưng điều hành vừa qua rất thường xuyên theo Nghị định 84, nên cũng tránh gây cú sốc về giá cả và từ đó tránh tác động đến kinh tế vĩ mô, đến lạm phát”, Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời.

Lo ngại trước việc Bộ Tài chính chuyển quyền điều hành giá xăng dầu hoàn toàn về Bộ Công Thương, đại biểu Lê Thị Nga cho rằng sẽ làm nặng nề thêm tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi của Bộ Công Thương.

Trả lời đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa-Vũng Tàu) về vấn đề nợ công có thực sự an toàn, giải pháp nào để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, đánh giá tính bền vững của nợ công và an toàn của danh mục nợ công thì cần tính đến các yếu tố cơ cấu nợ công và khả năng trả nợ. Trên cơ sở đánh giá các yếu tố này thì nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, thấp hơn các chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ phê chuẩn, bao gồm chỉ tiêu tỷ lệ nợ công trên GDP, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trên tổng thu ngân sách hàng năm, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài trên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. “Chúng tôi xin báo cáo về chỉ tiêu nợ công trên GDP, tỷ lệ này thay đổi không nhiều qua các năm. Như thế chúng tôi cho là cũng đúng, minh bạch. Số nợ hoàn thuế giá trị gia tăng ta phải vay, do đó đưa vào bội chi thì minh bạch và dễ theo dõi. Điều đó rất tốt và tỷ lệ này nằm trong ngưỡng Quốc hội cho phép 65%. Riêng nợ Chính phủ hiện nay 41,5% thấp hơn chỉ tiêu 55% Quốc hội cho phép”.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng trả lời nhiều nội dung mà các đại biểu quan tâm, đó là chi cho “tam nông”, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành ở doanh nghiệp nhà nước, xử lý sau thanh tra đối với những vi phạm về tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Theo Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương rà soát chi phí xây dựng nhà ở, nhà quản lý vận hành của ngành điện và có hướng dẫn cụ thể. Bộ đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng quy chế sử dụng nhà khách, nhà ở trong khu nhà quản lý vận hành, trong đó quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn, định mức bố trí nhà ở đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành và hướng dẫn cụ thể của Bộ Xây dựng. Bộ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, sau khi Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo, Bộ sẽ tổ chức thực hiện.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn chất vấn thành viên Chính phủ sáng 12/6. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tràn lan

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận nhận được 18 câu hỏi của các đại biểu Quốc hội tập trung vào 7 nhóm vấn đề.

Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đại biểu Nguyễn Thanh Thụy, (Bình Định) nêu: Từ trước đến nay các cơ sở đào tạo không chịu trách nhiệm sản phẩm "đầu ra", khi bỏ điểm sàn trong thi tuyển đại học năm nay liệu có dẫn đến tình trạng "đầu vào" thấp, học sinh sẽ đổ dồn vào học đại học, kéo theo hệ quả là sản phẩm đầu ra không đáp ứng được yêu cầu việc làm. Sự mất cân đối trong đào tạo ngày càng lớn. Trách nhiệm thuộc về ai và bài toán phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ được giải quyết như thế nào?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải trình rằng Bộ GD&ĐT không bỏ điểm sàn, vẫn có điểm sàn đại học. Năm nay điểm sàn không chỉ có một mức mà phân thành 2-3 mức, có mức sàn cao và có mức sàn thấp, nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn. “Điểm sàn không quyết định chỉ tiêu tuyển sinh, điểm sàn chỉ là giới hạn về chất lượng, nếu thấp hơn nữa thì không đủ yêu cầu đào tạo. Còn chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường như đã báo cáo với các đại biểu là chúng tôi đã thay đổi bỏ cơ chế xin - cho, quy định việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh được căn cứ vào hai tiêu chí”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời.

Thực tế nước ta có quá nhiều thạc sĩ, tiến sĩ, đào tạo tràn lan gây lãng phí, Bộ GD-ĐT có giải pháp gì là câu hỏi của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận chất lượng đào tạo nói chung và đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ hiện nay chưa tương xứng, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đưa ra giải pháp: không mở các cơ sở đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở địa phương, doanh nghiệp, trừ một số trường hợp cá biệt. Số lượng chỉ tiêu thạc sĩ, tiến sĩ phải gắn với điều kiện mở lớp, đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn.

“Bộ đang yêu cầu chất lượng đào tạo phải được nâng lên gắn với trách nhiệm của người học, cần qui định rõ ràng, cụ thể hơn trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; đặc biệt là chất lượng của người hướng dẫn, người phản biện, hội đồng bảo vệ, cơ sở đào tạo. Nếu không làm tròn trách nhiệm này, các cơ sở đào tạo sẽ bị xử lý”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn.

Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích, tạo điều kiện và tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ có phối hợp với các cơ sở của nước ngoài để đào tạo, mời chuyên gia đầu ngành của các cơ sở danh tiếng trên thế giới tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Về phía các trường đại học phải đổi mới chương trình nội dung, tăng cường thanh tra kiểm tra, xử lý nghiêm minh những vi phạm khi đã được phát hiện, kể cả khi đã cấp văn bằng, chứng chỉ.

Thừa nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận trong thi cử vẫn còn. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nêu các giải pháp là tiếp tục tuyên truyền, đấu tranh chống gian lận trong thi cử, ngành giáo dục các địa phương cũng cần quyết liệt hơn nữa để dẹp bỏ vấn nạn này. Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, để giải quyết vấn nạn tiêu cực trong thi cử, cần thay đổi cách dạy, cách thi và cách học của học sinh. “Theo tôi, kỳ thi tốt nghiệp vừa qua được dư luận đánh giá rất tốt và tích cực”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.


Viết Tôn
Trả lời của các Bộ trưởng đã đi vào trọng tâm câu hỏi
Trả lời của các Bộ trưởng đã đi vào trọng tâm câu hỏi

Chiều 11/6, bên lề kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu Quốc hội nhận xét: việc lựa chọn các bộ trưởng tham gia chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội kỳ này đã đáp ứng được những mong muốn của cử tri và nhân dân cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN