Các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai

Sáng 10/9, theo báo cáo của tỉnh Thanh Hóa, việc triển khai đối phó với mưa lũ của các địa phương rất quyết liệt và đồng bộ. Tuy nhiên, lượng mưa lớn, lại xảy ra trong thời gian ngắn đã gây ra nhiều thiệt hại trên diện rộng.


 

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Mai Văn Ninh thăm hỏi động viên bà con vùng lũ. Ảnh: Hoa Mai

Khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt lũ lụt vừa qua là 3 xã Quảng Phú, Xuân Châu, Thọ Lập của huyện Thọ Xuân. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa và huyện Thọ Xuân đã nhanh chóng huy động lực lượng bộ đội, công an, thanh niên giúp đỡ hơn 9.000 người dân vận chuyển đồ đạc, vật nuôi di dời đến nơi an toàn. Tuy nhiên, huyện Thọ Xuân vẫn còn 1.271 hộ bị ngập với trên 6.000 nhân khẩu, bị cô lập trong nước lũ, trong đó có 674 hộ của xã Quảng Phú đang sống chung với nước lũ, điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn, thiếu thốn.


Tính đến sáng 10/9, Thanh Hóa đã có 9 người chết, 2 người mất tích và 12 người bị thương do mưa lũ; 135 nhà bị sập hoàn toàn hoặc bị cuốn trôi; gần 6.000 ngôi nhà bị ngập trong nước lũ; hơn 18.000 ha lúa bị ngập, trong đó có 9.600 ha có khả năng bị mất trắng. Ngoài ra, hơn 600 m đê bao, đê bối ở huyện Thọ Xuân, huyện Triệu Sơn bị vỡ; 3 km đê bao, đê bối ở huyện Thọ Xuân, Yên Định, Triệu Sơn bị tràn. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị ngập, gây ách tắc giao thông, đặc biệt là các tuyến đường huyết mạch khu vực miền núi như quốc lộ 217, quốc lộ 15, quốc lộ 45, đường Hồ Chí Minh...


Tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Chi cục thủy lợi, các công ty, xí nghiệp thủy nông khẩn trương tiến hành công tác tiêu úng, tranh thủ mực nước sông đang thấp để mở tất cả các cống tiêu tự chảy, tiêu động lực tại những khu vực ngập úng cục bộ; xử lý các sự cố trên đê; tập trung hỗ trợ có hiệu quả các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản; khắc phục hư hỏng về hạ tầng giao thông, thủy lợi; tập trung chỉ đạo khôi phục sản xuất, tích cực phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa mùa, khi lúa chín 80% trở lên tập trung lao động, phương tiện để thu hoạch nhanh, gọn... Ngành y tế, tài nguyên môi trường đã thành lập các tổ công tác phối hợp với các địa phương bị ngập lụt để xử lý vệ sinh môi trường và phòng trừ dịch bệnh, không để môi trường ô nhiễm và dịch bệnh lây lan, đồng thời đề xuất với các bộ, ngành trung ương xin hỗ trợ hóa chất, thuốc men phục vụ công tác vệ sinh môi trường và phòng trừ dịch bệnh.


* Đến 10 giờ ngày 10/9, số tiền ủng hộ gia đình các nạn nhân bị thương vong trong vụ sạt lở đất ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã được hơn 585 triệu đồng; trong đó, số tiền các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ trực tiếp tới gia đình có người bị thiệt mạng và mất tích là 26 triệu đồng/người; người bị thương là 5 triệu đồng/người.


Ông Ngô Thanh Giang, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết, kết thúc đợt tiếp nhận cứu trợ, huyện sẽ có phương án sử dụng số tiền này một cách hợp lý, minh bạch và đảm bảo công bằng cho người dân.


Đang chỉ huy tại hiện trường, đại tá Nông Hồng Lai, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, cho biết, vẫn chưa tìm thấy thi thể hai nạn nhân còn lại. Hai nạn nhân này là anh em ruột gồm Lý A Lềnh (sinh năm 1974) và Lý A Xinh (sinh năm 1982), đều ở bản Trống Páo Sang. Mặc dù hơn 100 người cùng phương tiện máy móc tích cực tìm kiếm, song do khu vực xảy ra tai nạn có địa hình hiểm trở, dốc lớn và trời mưa nên công tác tìm kiếm cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn.

 

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN