Cả nước tập trung sản xuất vụ đông xuân

Ngay sau khi đón Tết cổ truyền dân tộc, người dân cả nước đã tập trung cho việc sản xuất vụ đông xuân. Để người nông dân thực hiện sản xuất cho vụ đông xuân thuận lợi và đúng thời vụ, chính quyền các tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn người dân bố trí cơ cấu giống cây trồng phù hợp, tận dụng điều kiều thuận lợi của từng địa phương giúp cho người dân có một vụ sản xuất bội thu. Sau đây là tổng hợp tình hình sản xuất vụ đông xuân của một số địa phương trong cả nước.

Vĩnh Phúc: Bố trí cơ cấu giống cây trồng phù hợp

Vụ xuân 2012, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ gieo trồng 41.000 ha, trong đó có 30.500 ha lúa, còn lại là rau màu các loại. Để đạt mục tiêu, kế hoạch, ngay từ trước Tết Nguyên đán 2012, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn cho nông dân bố trí cơ cấu giống cây trồng phù hợp và sản xuất đúng thời vụ. Hiện toàn tỉnh đã cấy gần 5.000 ha lúa xuân sớm; hoàn thành gieo mạ 100% trà lúa xuân muộn.

Nông dân xã Lê Lợi ( huyện Thường Tín ) chống rét cho diện tích mạ mới gieo bổ sung.
Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

Tỉnh đã chỉ đạo nông dân rà soát những diện tích đất khó khăn về nguồn nước tưới và hướng dẫn nông dân chủ động chuyển sang trồng các loại cây, rau màu có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc huy động mọi nguồn lực, phương tiện, các biện pháp trữ nước sớm để đổ ải cấy lúa và dưỡng nước cho cây trồng. Các đơn vị dịch vụ cũng cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất cho nông dân, hiện đã cung ứng khoảng 1.700 tấn lúa giống, 50 tấn ngô giống, trên 3.700 tấn phân bón trả chậm.

Hiện ngành nông nghiệp đang phối hợp cùng các địa phương hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chủ động phòng chống rét cho lúa mới cấy, bơm trữ nước vào kênh mương, sông hồ; tích cực chăm bón cây trồng. Tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp, các địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân sản xuất đúng khung thời vụ, hoàn thành gieo cấy lúa vụ xuân trước ngày 15/2/2012, tránh tình trạng bỏ ruộng hoang.

Điện Biên: Tập trung chăm sóc lúa

Hiện nay, nông dân tỉnh Điện Biên đã gieo cấy hơn 6.400 ha lúa đông xuân, tập trung ở các huyện Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo, TP Điện Biên Phủ. Trà xuân sớm, lúa đang bước vào thời kỳ đẻ nhánh. Sau Tết Nguyên đán, thời tiết ấm áp hơn, bà con các địa phương đang tích cực chăm bón, bảo vệ, kịp thời cung cấp dinh dưỡng cho lúa phát triển.

Tạo điều kiện cho vụ sản xuất đông xuân thuận lợi, ngay từ đầu vụ, Sở NN – PTNT tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động tu sửa, nạo vét các công trình thủy lợi, kênh mương, đảm bảo yêu cầu sản xuất lúa ruộng. Có kế hoạch tích nước ở các hồ chứa, điều tiết nước tưới luân phiên ở những nơi chủ động nguồn nước tưới và đề phòng hạn hán cuối vụ. Do đó, diện tích lúa đông xuân đảm bảo đủ nước để gieo cấy và dưỡng lúa. Để đối phó với tình hình sâu bệnh, trước khi bước vào sản xuất vụ đông xuân, ngành đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn các huyện, thị phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư tập huấn, nâng cao kiến thức cho nông dân về công tác bảo vệ thực vật, hướng dẫn cách nhận biết và biện pháp phòng trừ sâu bệnh. Thường xuyên kiểm tra thăm đồng, theo dõi sự xuất hiện của đối tượng sâu hại trên cây lúa để có biện pháp ngăn chặn và phòng trừ kịp thời; mở các lớp hướng dẫn cho bà con sử dụng thuốc BVTV đúng loại, đúng cách, đảm bảo hiệu quả, an toàn.

An Giang, Đồng Tháp: Chủ động nguồn nước, phòng trừ sâu bệnh 

* Nhằm chủ động nguồn nước tưới cho lúa vụ đông xuân 2011-2012, nhất là thời điểm cuối vụ, nông dân tỉnh An Giang đang tập trung làm thủy lợi, hoàn thiện các công trình thủy lợi chuyển tiếp của năm 2011, triển khai thi công các công trình thủy lợi chống hạn, ngăn mặn.

Ngành thủy lợi tỉnh đã hoàn thành kế hoạch nạo vét, duy tu sửa chữa hoàn thành 129 công trình, với tổng kinh phí trên 54 tỷ đồng. Tỉnh thực hiện kế hoạch đợt 2, nạo vét, duy tu sửa chữa 254 trong tổng số 257 công trình, với tổng kinh phí là 83,2 tỷ đồng. Công tác nạo vét kênh mương, tập trung ở huyện Thoại Sơn, Châu Thành để phòng chống hạn và xâm nhập mặn vào giữa và cuối vụ lúa đông xuân. Theo kết quả kiểm tra và thống kê các địa phương đã hoàn thành 50 trong tổng số 61 công trình đã triển khai thi công.

*Sau Tết Nguyên đán, nông dân tỉnh Đồng Tháp tích cực ra đồng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh bảo vệ năng suất lúa vụ đông xuân do thời tiết lạnh, nhiều sương mù vào sáng sớm, rầy nâu và bệnh đạo ôn có điều kiện phát triển.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 18.500 ha lúa đông xuân bị nhiễm rầy, tập trung ở các huyện phía bắc của tỉnh, mật số rầy phổ biến là từ 300 đến dưới 750 con/m2. Trong khi đó, ở các huyện phía nam, nơi giống lúa IR 50404 chiếm khoảng 90% diện tích thì phổ biến với bệnh đạo ôn. Bà con nông dân cho biết trước Tết đã xịt thuốc ngừa bệnh, nhưng ngay sau Tết vẫn phát hiện rầy nâu xuất hiện. Tuy nhiên, nhờ phát hiện sớm và nông dân đồng loạt xử lý nên hiện tại đã khống chế được sâu bệnh, lúa tiếp tục phát triển tốt. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp đã khuyến cáo nông dân cũng như cán bộ nông nghiệp cần kiểm tra kỹ ruộng lúa để kịp thời xử lý khi phát hiện.

Vụ đông xuân 2011 - 2012, tỉnh Đồng Tháp đã xuống giống được 208.327ha lúa đông xuân, vượt kế hoạch đề ra. Tuy nước rút chậm, ảnh hưởng đến tiến độ xuống giống theo lịch thời vụ, nhưng đổi lại cây lúa trên đồng ruộng phát triển rất tốt.

Bình Thuận: Chủ động lấy nước, đối phó với dịch bệnh

Nhờ nguồn nước thủy lợi dồi dào và mở thêm một số tuyến kênh lấy nước từ công trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi để phục vụ nước tưới cho 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh, cộng thêm giá lúa cao ổn định, nên vụ đông xuân 2011 – 2012 toàn tỉnh Bình Thuận đã gieo trồng được 31.571 ha đạt 116% kế hoạch, tăng hơn 2.000 ha so vụ lúa đông xuân 2010–2011.

Tuy vậy vụ lúa đông xuân năm nay, bà con nông dân đang phải đối diện với những bất lợi về thời tiết. Nhiệt độ rất lạnh kéo dài vào ban đêm từ trước và sau tết, kèm theo sương mù vào buổi sáng, nên cây lúa thời kỳ đầu sinh trưởng kém và chực chờ nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Tuy nhiên nhờ dự báo sớm tính khắc nghiệt của thời tiết, chủ động tính toán lịch thời vụ né rầy, cảnh báo phòng trừ sâu bệnh thường xuyên cho từng vùng, từng khu vực và đưa vào sử dụng giống lúa xác nhận ngày càng nhiều, nên diện tích lúa nhiễm rầy nâu vụ lúa đông xuân đến ngày 25/1 là 1.056 ha, phổ biến ở mật số 700 – 1.000 con/m2. Nhìn chung là mật độ rầy thấp, tuy có tăng so vụ đông xuân năm trước là 131 ha...

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận, đang tập trung lực lượng cán bộ kỹ thuật kiểm tra đồng ruộng để nắm chắc diễn biến của rầy nâu và các đối tượng sâu bệnh khác. Qua đó tiến hành khoanh vùng nơi có diện tích nhiễm bệnh cao, để hướng dẫn nông dân phòng trừ theo nguyên tắc “4 đúng” và các biện pháp chăm sóc lúa đúng kỹ thuật.

Phú Yên: Tập trung phòng trừ sâu bệnh lúa đông xuân

Các tỉnh phía Nam cần đề phòng sâu bệnh trên lúa đông xuân 2011 – 2012
Ngày 3/2, thạc sĩ Nguyễn Quốc Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam ( Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong vụ đông xuân 2011 – 2012, các tỉnh phía Nam đã gieo sạ được trên 1.625.000 ha, trong đó riêng đồng bằng sông Cửu Long xuống giống được gần 1.524.000 ha. Hiện nay, trà lúa chủ yếu đang trong giai đoạn đẻ nhánh, đòng trổ... Đáng chú ý, sau trận lũ lớn 2011 trên hệ sông Cửu Long, trà lúa đông xuân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phát triển tốt, sâu bệnh giảm hẳn so với các vụ trước.

Tuy nhiên, các tỉnh phía Nam cần đề phòng bệnh đạo ôn trên lúa đông xuân 2011 – 2012 trong những ngày tới diễn biến khó lường, có thể gây nhiều thiệt hại. Nguyên nhân thời tiết toàn vùng lạnh, sáng sớm có sương mù nhiều nơi trong khi trà lúa đang bước vào giai đoạn phát triển sung mãn là những yếu tố dễ tạo thuận lợi cho bệnh đạo ôn tiếp tục phát sinh, phát triển và gây hại trên diện rộng trên trà lúa đang đẻ nhánh – đòng trổ.

Để chủ động phòng tránh, đảm bảo cho vụ mùa bội thu, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam khuyến cáo nông dân sau Tết cần chú ý thăm đồng thường xuyên để sớm phát hiện và xử lý ngay. Đối với những ruộng đã bị nhiễm bệnh đạo ôn cần giữ nước không để ruộng bị khô cạn sẽ làm bệnh nặng thêm. Nông dân cần bón các loại phân có chứa Kali và Si để tăng cường sức chống chịu của cây, hạn chế bón đạm, nên phun thuốc trừ bệnh vào buổi chiều và đảm bảo đủ lượng nước phun giúp dung dịch thuốc phủ ướt toàn bộ lá lúa hiệu quả mới cao.... Ngoài ra, bà con cũng cần đề phòng một số đối tượng sâu bệnh gây hại khác như: Rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh bạc lá...

Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, hiện toàn vùng có trên 53.000 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá và trên 3.200 ha lúa nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông tập trung tại các tỉnh: Long An, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ

Lịch xuống giống vụ đông xuân 2011-2012 của tỉnh Phú Yên trùng với đợt mưa kéo dài nên nhiều diện tích lúa mới gieo sạ bị ngập úng, hư hại. Thời gian qua, nông dân các huyện vừa phải cấy dặm, vừa lo đối mặt với nguy cơ xuất hiện sâu bệnh hại.

Nông dân xã Hòa An (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) đang phun thuốc diệt cỏ để cây lúa phát triển tốt. Ảnh : Thế Lập – TTXVN

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, vụ lúa đông xuân năm 2011-2012, trên 26.000ha đã gieo sạ thì có đến 1.050ha lúa bị ngập úng phải sạ lại, tập trung tại các huyện Đông Hòa, Đồng Xuân, Tuy An và TP Tuy Hòa… Trong thời gian gieo sạ lại, mưa vẫn tiếp tục kéo dài, tại xã Hòa Vinh, Hòa Xuân Đông, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) nhiều thửa ruộng lúa bị thối đến 1/5 diện tích.

Theo ông Nguyễn Hữu Doãn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, thời tiết vụ đông xuân năm 2011-2012 diễn biến tương đối phức tạp, trời lạnh, âm u, sáng sớm có sương nhiều, mưa rào rải rác kéo dài trong nhiều ngày. Đây là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng dịch hại cây trồng phát triển. Do đó, bà con nông dân nên chú ý theo dõi các đối tượng dịch hại để phòng trừ kịp thời, đồng thời bón phân đúng thời kỳ và cân đối hợp lý giữa các loại phân (đặc biệt là phân kali - tro bếp) để giúp cây sinh trưởng khỏe, chống chịu được sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất lợi.

Gia Lai: Nâng cao năng suất và sản lượng cây trồng

Bước vào vụ sản xuất đông xuân 2011-2012, hầu hết các địa phương của tỉnh Gia Lai gặp nhiều thuận lợi khi vụ mùa 2011 kết thúc, năng suất và sản lượng các loại cây trồng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, đến thời điểm này toàn tỉnh đã gieo trồng được trên 48.556 ha cây trồng các loại, đạt gần 90% kế hoạch được giao (57.000 ha), bằng 105% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cá biệt nhiều địa phương vượt kế hoạch gieo trồng cao như các huyện: Kông Chro 3.458 ha/3.410 ha, đạt 101% kế hoạch; Krông Pa 6.483 ha/6.405 ha; Ia Grai 1.693 ha; Chư Pah 1.970 ha… Nhiều loại cây trồng chủ lực như lúa nước đạt 24.793 ha, bắp 3.745 ha, thuốc lá 3.064 ha đều vượt cao so với những năm trước. Hiện tại, các loại cây trồng đang sinh trưởng phát triển tốt, nông dân các địa phương tích cực chăm sóc làm cỏ, bón phân đợt II, sục bùn, phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại. Các loại cây dài ngày như cà phê, hồ tiêu… đang được tỉa cành, chuẩn bị tưới đợt II.

Có được kết quả này là nhờ thời tiết năm nay thuận lợi, mưa rải đều trên diện rộng giúp nông dân gieo trồng sớm hơn mọi năm. Không những vậy, ngay từ đầu vụ sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương đã chủ động xây dựng lịch thời vụ cụ thể từng vùng, lịch mở nước sớm hơn; cung ứng nguồn giống, vật tư sản xuất hỗ trợ cho người dân chủ động xuống giống kịp thời vụ.

Dự kiến trong tháng 2 này toàn tỉnh sẽ hoàn thành kế hoạch gieo trồng 57.000 ha.

Thành Hiển(Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN