Bốn ưu tiên chi trong đầu tư công năm 2012

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), do hậu quả của việc đầu tư dàn trải, đến nay, để hoàn thành các công trình, dự án đang triển khai trên cả nước trong giai đoạn 2011 – 2015 phải cần đến hơn 500 nghìn tỉ đồng. Trong khi đó, vốn đầu tư trong giai đoạn này sẽ chỉ đáp ứng khoảng 36%. Đây là lý do Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 1792/CT-TTg về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN). Mục tiêu của Chỉ thị là nhằm “nắn” nguồn vốn đầu tư tập trung, chảy vào đúng địa chỉ để phát huy hiệu quả. Theo đó, vốn đầu tư năm 2012 sẽ ưu tiên cho 4 nhóm: Dự án đã hoàn thành, dự án hoàn thành trong năm 2012, dự án chuyển tiếp, và dự án mới (cấp thiết).

Phân cấp đầu tư, được và hạn chế

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, phân cấp đầu tư cho bộ, ngành, địa phương trong thời gian vừa qua theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP có mặt được là tạo tính chủ động cho địa phương trong việc xác định kế hoạch đầu tư: Từ lên kế hoạch đến xác định công trình, dự án nào, bố trí vốn… Nhưng nhiều năm nay, việc phân cấp quá rộng trong khi lại thiếu các biện pháp quản lý đồng bộ, hiệu quả nên đã xảy ra tình trạng, địa phương phê duyệt quá nhiều dự án dẫn đến mất khả năng cân đối vốn; bố trí vốn dàn trải, thời gian thi công kéo dài; kế hoạch đầu tư bị cắt khúc từng năm; hiệu quả đầu tư kém gây phân tán và lãng phí nguồn lực…

Dự án cầu Nhật Tân nằm (Hà Nội) do Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư, đang được khẩn trương thi công. Theo kế hoạch, đến tháng 9/2014, cả 3 gói thầu của dự án sẽ hoàn thành. Trong ảnh: Thi công phần trụ cầu P14 gói thầu số 1. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN


Trong báo cáo thẩm tra đầu tư công năm 2011 của Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, năm 2011, vốn đầu tư công là hơn 123.029 tỉ đồng cho 20.529 dự án. Mặc dù Chính phủ đã có Nghị quyết 11 về rà soát, cắt giảm đầu tư công nhưng trong năm 2011 vẫn có 5.474 dự án khởi công mới với giá trị 22.176 tỉ đồng, bình quân mỗi dự án chỉ có 4 tỉ đồng. Giá trị mỗi dự án nhỏ như vậy phản ánh tình trạng vốn bị sử dụng rất dàn trải. Trong khi đó, có nhiều dự án chuyển tiếp, có thể hoàn thành để đưa vào khai thác vừa tránh lãng phí, vừa phát huy hiệu quả thì lại không được ưu tiên vốn để hoàn thành.

Vốn đầu tư công sẽ không còn “xông xênh”

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, khắc phục các bất cập nêu trên, với vốn đầu tư năm 2012 khoảng 180 nghìn tỉ (năm 2011 là 152 nghìn tỉ đồng) cộng với vốn Trái phiếu Chính phủ (TPCP) được phát hành là 45 nghìn tỉ đồng, Thủ tướng chỉ đạo, trước hết ưu tiên vốn cho những công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng để trả nợ cho xong các nhà thầu; thứ hai là ưu tiên cho các công trình sẽ hoàn thành vào năm 2012. Tiêu chí xác định công trình hoàn thành vào năm 2012 được căn cứ vào quyết định đầu tư, khối lượng hiện trường thực tế và khả năng bố trí vốn; thứ ba là các công trình, dự án chuyển tiếp để sớm đưa vào khai thác, tránh lãng phí, phát huy hiệu quả; cuối cùng mới đến các công trình khởi công mới. “Nếu là công trình mới, phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định mới được làm, kể cả từ bộ, ngành đến địa phương”, Bộ trưởng khẳng định.

Đối với vốn TPCP tới đây không bố trí mới, chỉ rà soát lại. Cụ thể, việc cân đối vốn tới đây sẽ theo cách: địa phương lên kế hoạch về các công trình với những biên giải cụ thể về quy mô, hiệu quả, vốn cần bố trí cho từng công trình. Ví dụ vốn địa phương cân đối được 70%, đề nghị Trung ương bổ sung 30% sẽ được gửi lên Trung ương. Trung ương xem xét và nếu thấy không cân đối vốn được thì sẽ điều chỉnh giảm. Vốn TPCP sẽ được Quốc hội kiểm soát với mục tiêu chỉ ưu tiên cho: Giao thông, thủy lợi, trường học, y tế.

“Với nguồn vốn đã xác định chi trong năm 2012 thì còn tới 2/3 các dự án đang triển khai sẽ không được cấp vốn”, Bộ KH&ĐT cho biết. Do đó, Bộ này đang lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương để ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài để hoàn thành các dự án này.

Ví dụ, công trình do Nhà nước đầu tư được 50% nhưng nay không còn vốn thì sẽ cho phép tư nhân vào đầu tư tiếp và cho thu phí để hoàn vốn. Thứ nhất là công trình bệnh viện, có thể bán luôn; thứ hai là đường giao thông… sau khi kiểm toán xác định giá sẽ gọi tư nhân làm tiếp; thứ ba là loại công trình Nhà nước đã đầu tư nhưng không bố trí vốn được, nhưng cấp thiết thì cho tư nhân đầu tư vào rồi cho thu lãi. Các dự án còn lại, nếu không còn cách nào thì phải đình hoãn, giãn. Riêng đối với công trình thuộc vốn TPCP thì phải hoãn sau năm 2015. Vấn đề này địa phương phải tìm cách khắc phục tạm. Trước mắt, với các công trình vừa nêu cơ chế tháo gỡ, địa phương sẽ lên danh sách, Bộ KH&ĐT sẽ chủ trì, cùng các bộ nghiên cứu cơ chế.
Bộ KH&ĐT cũng cho biết, để tạo sự chủ động hơn nữa trong việc phân cấp, từ năm 2012, Bộ này sẽ xây dựng kế hoạch vốn trong trung hạn (3 – 5 năm). Điều này sẽ giúp các bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc cân đối vốn đầu tư cho các công trình, dự án góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tránh được tình trạng phấp phỏng trong việc công trình, dự án trên địa bàn năm nay được cấp vốn, năm sau có được cấp không thì không rõ.

Xuân Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN