Bỏ tư duy bao cấp về chính quyền địa phương

Việc tổ chức chính quyền thành bốn cấp từ Trung ương đến địa phương theo Hiến pháp năm 1992 bộc lộ nhược điểm lớn nhất là sự trùng lặp trong quản lý. Hiện có khá nhiều ý kiến xung quanh việc tổ chức chính quyền địa phương, trong đó đáng chú ý có nhận định cho rằng, Hiến pháp sửa đổi cần gạt bỏ nhận thức thể hiện tư duy bao cấp về chính quyền địa phương.


Trùng lặp trong quản lý


Theo GS.TS Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội), việc tổ chức chính quyền thành bốn cấp như hiện nay: Trung ương, tỉnh/thành phố, quận/huyện, xã/phường như hiện nay có ưu điểm là không để lọt vấn đề phải quản lý, nhưng lại lộ rõ khuyết điểm là sự trùng lặp. Cùng một vấn đề mà có khi ba, đến bốn cấp cùng đứng ra giải quyết. Chưa kể cấp thôn hiện nay đang được tái hình thành, có khả năng giải quyết được nhiều công việc.

 

Vấn đề tổ chức chính quyền địa phương luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân. Lê Phú


Hơn nữa, việc tổ chức và hoạt động của các cấp chính quyền chưa có sự phân biệt giữa các vùng lãnh thổ khác nhau, giữa vùng có dân tộc Kinh với vùng có nhiều dân tộc thiểu số. Cơ cấu tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp dưới là bản sao của chính quyền cấp trên. Mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương nặng về cơ chế cấp phát, xin cho. Việc tổ chức và hoạt động theo mô hình này không tạo điều kiện cho chính quyền địa phương chủ động và sáng tạo. Ông Dung nhận định: “Thực tế, chính quyền địa phương hoạt động quá phụ thuộc vào ý kiến chỉ đạo của cấp trên”.


GS.TS Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật, Trưởng Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp, cho biết, hiện có ba luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, chính quyền địa phương luôn gắn với đơn vị hành chính. Nơi nào có đơn vị hành chính thì nơi đó phải có chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương là một thể thống nhất của hai thiết chế là cơ quan đại diện (HĐND) và cơ quan hành chính (UBND).

PGS.TS Nguyễn Minh Phương (Viện Khoa học tổ chức nhà nước- Bộ Nội vụ):

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền

Các cấp ủy đảng cần thực hiện đúng vai trò lãnh đạo của Đảng, tức là thực hiện các chức năng định hướng, kiểm tra đối với các hoạt động của chính quyền. Các cấp ủy đảng không làm thay bộ máy chính quyền công việc quản lý nhà nước, điều hành hành chính, không quyết định cụ thể các vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của chính quyền theo quy định của pháp luật. Việc đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương sẽ chỉ là hình thức, không có tác dụng trong thực tế, nếu các cấp ủy đảng quyết định trực tiếp, cụ thể các công việc của chính quyền. Bên cạnh đó, phải tăng cường các hoạt động giám sát nhân dân với UBND và người đứng đầu cơ quan hành chính theo hướng thiết thực, hiệu quả, đúng tính chất của giám sát nhân dân và cơ chế cụ thể sau giám sát để xử lý trách nhiệm khi cơ quan hành chính có vi phạm.

 

GS.TS Nguyễn Đăng Dung (Đại học quốc gia
Hà Nội):

Chính quyền cơ sở nên là cấp thôn

Thôn là một bộ phận của chính quyền cấp xã, được phân công thực hiện một số chức năng nhiệm vụ thích hợp. Gần đây, việc nhân dân bầu trực tiếp trưởng thôn, trưởng ấp, trưởng bản đã thể hiện quyền dân chủ trực tiếp, được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Việc chuyển giao nói trên phản ánh xu hướng địa phương hóa. Do vậy, cần phải đặt cơ sở pháp lý khác cho cấp thôn, bản, ấp: Biến cấp thôn thành chính quyền cơ sở. Do vậy, chính quyền cơ sở nên là cấp thôn. Lịch sử làng xã Việt Nam đã từng làm như vậy. Chính quyền cấp cơ sở là nơi giải quyết đích thực các quyền lợi của nhân dân.

 

PGS.TS Vũ Thư (Viện Hàn lâm Khoa học
xã hội Việt Nam):

Cải cách chính quyền đô thị

Trong cải cách chính quyền địa phương, vấn đề tổ chức lại chính quyền đô thị, đặc biệt là các đô thị loại 1 và 2 là vấn đề lớn. Việc tổ chức chính quyền đô thị giống như tổ chức chính quyền nông thôn khiến cho chính quyền đô thị của nước ta có khoảng cách khá xa so với đặc điểm tổ chức chính quyền đô thị ở các nước. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh là đô thị đi đầu trong việc thí điểm xây dựng đề án chính quyền đô thị, nhằm khắc phục tình trạng chính quyền ba cấp cồng kềnh, nhiệm vụ trùng lặp, quản lý bị chia cắt. Đề án chính quyền đô thị TP Hồ Chí Minh tạm gọi là “thành phố trong thành phố” tuy vẫn còn phải bàn tính kỹ và còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng về hướng cải cách có thể nói là đúng hướng.

 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị, không đồng nhất giữa chính quyền địa phương và đơn vị hành chính. Tùy từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, có đơn vị hành chính sẽ tổ chức chính quyền đầy đủ, gồm cả HĐND và UBND, nhưng cũng có đơn vị hành chính chỉ có cơ quan hành chính. Luồng ý kiến thứ ba đề nghị đa dạng hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương để phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.


Gạt bỏ tư duy bao cấp


Ông Lý cho biết, dù chọn phương án nào thì các quy định về chính quyền địa phương trong Hiến pháp sửa đổi phải kế thừa những quy định hợp lý của các bản Hiến pháp trước đây; đồng thời cũng phải tạo cơ sở hiến định cho việc nghiên cứu, đổi mới mô hình chính quyền địa phương phù hợp với giai đoạn phát triển mới.

Bên cạnh đó, phải căn cứ vào Văn kiện Đại hội X với nội dung “phân định lại thẩm quyền đối với chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo” để mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.


Còn theo ông Nguyễn Đăng Dung, dự thảo Hiến pháp lần này có nhiệm vụ rất quan trọng là phải gạt bỏ nhận thức thể hiện tư duy bao cấp về chính quyền địa phương. Một trong những vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay là cần phải phân cấp quản lý nhà nước giữa Trung ương và địa phương.

Nguyên tắc chung của việc phân cấp này là: Những việc gì, cấp nào có điều kiện và khả năng thực hiện tốt thì giao quyền hạn và đảm bảo những điều kiện cần thiết cho cấp đó giải quyết. Cơ quan được giao quyền phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

 

Chính quyền cấp trên chỉ kiểm tra, giám sát, nhưng không can thiệp, không làm thay cấp dưới. Tất cả chính quyền cơ sở, từ cấp thôn đến cấp tỉnh/thành phố đều phải hoạt động theo pháp luật. “Các chính quyền địa phương được hình thành như những con số cộng. Mỗi số hạng phải chịu trách nhiệm về công việc của mình trong phạm vi pháp luật quy định. Trong trường hợp sai phạm, vi phạm đến quyền lợi của các chủ thể khác thì bị khiếu kiện, bị xét xử theo thủ tục tố tụng của tòa án”, GS. TS Dung bày tỏ ý kiến.


Quy định theo hướng “mở”


PGS.TS Vũ Hồng Anh (Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc UBTVQH) thì cho rằng, để đảm bảo cho những quy định trong Hiến pháp không trở thành rào cản đối với việc cải cách tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, Hiến pháp sửa đổi chỉ nên quy định về đơn vị hành chính tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương. Còn các đơn vị hành chính cấp dưới nên để luật quy định.


Kinh nghiệm của một số nước có nền kinh tế chuyển đổi (Ba Lan, Liên bang Nga) và một số nước khác (Hàn Quốc, Nhật Bản) cho thấy, khi việc tổ chức chính quyền địa phương chưa rõ mô hình thì Hiến pháp nên điều chỉnh vấn đề này ở phạm vi hẹp, bao gồm những vấn đề chung, cơ bản, mang tính nguyên tắc. Ví dụ, Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993 chỉ có 3 điều quy định về tự quản địa phương.

 

Hiến pháp Nhật Bản năm 1946 cũng chỉ có 4 điều, Hiến pháp Hàn Quốc năm 1987 gồm 2 điều về chính quyền địa phương (trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi của Việt Nam, chương IX về chính quyền địa phương có 5 điều). Phương pháp này đã tạo điều kiện cho Hàn Quốc và Nhật Bản tiến hành một loạt cải cách chính quyền địa phương trong suốt những năm qua.


Bên cạnh đó, phải đảm bảo thống nhất nguyên tắc chung là cấp đơn vị hành chính nào khi thành lập chính quyền địa phương cần có cơ quan đại diện và cơ quan hành chính. Trong đó, cơ quan đại diện cần được thành lập bằng con đường bầu cử. Người đứng đầu cơ quan hành chính có thể do người dân trực tiếp bầu, do cơ quan đại diện thành lập hoặc bổ nhiệm.


Bàn về việc đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước thì vấn đề tổ chức chính quyền địa phương luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả người dân và các chuyên gia. Trong thời gian này, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận, tìm ra phương án phù hợp nhất về tổ chức chính quyền địa phương để quy định trong Hiến pháp sửa đổi.


Huyền Tím

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN