Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đầu tư công tránh dàn trải

Trong điều kiện ngân sách khó khăn thì việc chọn mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách để ưu tiên bố trí vốn, tránh tình trạng đầu tư dàn trải. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi giải trình trước Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 sáng nay 1/11.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là lần đầu tiên đề ra kế hoạch đầu tư công trung hạn. Việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn dựa trên quan điểm, một mặt để phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho phát triển doanh nghiệp, thúc đầy tăng trưởng, mặt khác đầu tư công thực hiện các mục tiêu xã hội, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào miền núi dân tộc, bảo đảm quốc phòng an ninh, ...


Về định hướng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, có ý kiến đại biểu cho rằng đầu tư cho giao thông là phần lớn, đặc biệt là vốn trái phiếu Chính phủ chiếm tỷ trọng lớn, một số lĩnh vực chưa được quan tâm nhiều như nông nghiệp, kinh tế, biến đổi khí hậu..., Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc đầu tư sử dụng cả vốn bao gồm cả ngân sách trung ương và địa phương, trái phiếu Chính phủ. Trong báo cáo trình Quốc hội cũng đã cho thấy đầy đủ định hướng đầu tư 14 ngành, lĩnh vực đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết 1023.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội sáng 1/11.

“Trong dự kiến phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ thì dành tỷ trọng lớn cho ngành giao thông vận tải là nhằm thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng và bên cạnh đó cũng dành một tỷ lệ vốn thích đáng để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cũng như các lĩnh vực khác như an ninh quốc phòng, nông ngiệp nông thôn, biến đổi khí hậu, khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn, xây dựng bệnh viện, kiên cố hóa trường lớp học, di dân tái định cư thủy điện Sơn La”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.


Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện nay nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn, trong khi ngân sách hạn hẹp. Do đó Chính phủ đã báo cáo Quốc hội nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn giai đoạn 2016-2020. “Trước hết là ưu tiên bố trí đủ cho các công trình xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản ứng trước ... rồi mới đến các dự án chuyển tiếp. Sau khi bố trí đủ vốn cho các dự án này thì mới bố trí đến các dự án mới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.


Liên quan đến ý kiến đại biểu cho rằng cần có cơ chế đặc thù ưu tiên cho một địa bàn trọng điểm như Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Bắc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong kế hoạch cũng đã bố trí đầy đủ và đảm bảo ưu tiên từ các nguồn vốn ODA khác như từ biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long, an sinh xã hội ở Tây Bắc, các hệ thống hồ chứa thủy lợi ở Tây Nguyên... Đường nối thành phố Lai Châu và cao tốc Hà Nội - Lào Cai cũng đã đưa vào dự án của ADB và dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới. Riêng tại các tỉnh có kinh tế -xã hội đặc thù, khó khăn, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang xây dựng các cơ chế đặc thù cho các tỉnh này trong thời gian tới và sẽ báo cáo Quốc hội sau.


Về hồ sơ trình dự án Luật đầu tư công trung hạn, có ý kiến cho rằng cần phải có danh mục các dự án theo quy định của Điều 52 của Luật đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải, do kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được thực hiện từ tháng 8/2014, đến nay có sự thay đổi so với tổng mức đầu tư nên phải báo cáo Ban chấp hành Trung ương và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên Chính phủ mới báo cáo danh mục dự án có vốn trái phiếu Chính phủ và mức vốn cụ thể cho từng dự án. Riêng danh mục cho dự án nhóm B trở lên sử dụng ngân sách trung ương và danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư nước ngoài chưa báo cáo được mức vốn bố trí.


Bên cạnh đó, theo quy định của Luật đầu tư công, việc lựa chọn danh mục và mức bố trí cụ thể cho từng dự án thuộc thẩm quyền của các bộ ngành và địa phương, hiện mức đầu tư có giảm nên các bộ ngành trung ương và địa phương cần có thêm thời gian để rà soát, lựa chọn và dự kiến lại danh mục và mức vốn bố trí từng dự án cho phù hợp thực tế.


Bộ trưởng cũng cho biết, để tăng quyền tự chủ và đẩy mạnh công tác điều hành cho các địa phương, Chính phủ đã trình Quốc hội đổi mới cách thức giao kế hoạch. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo tổng số vốn (trước kia Chính phủ thông báo theo cả ngành, lĩnh vực và chương trình) mà các địa phương, bộ ngành sử dụng, còn các địa phương sẽ tự lựa chọn mức độ ưu tiên của mình để quyết định đầu tư trong giao đoạn 5 năm tới. Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư chỉ rà soát lại và báo cáo Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Tính đến thời điểm này các bộ, ngành địa phương đã hoàn thành kế hoạch phân bổ theo cách này và sẽ gửi cho Bộ vào thời gian tới.


Xuân Phong
Hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp
Hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, nhưng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp thấp đã khiến tăng trưởng ngành nông nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây có xu hướng giảm và phát triển kém bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN