Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư: Siết chặt quản lý đầu tư công, khắc phục đầu tư dàn trải, đội vốn

Sau phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Y tế, cuối giờ chiều 14/6, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đăng đàn trả lời chất vấn. Bộ trưởng thừa nhận chưa cương quyết, còn sự nể nang trong thực hiện Luật Đầu tư công.

Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu vấn đề và đặt câu hỏi: "Dư luận và cử tri cho rằng cần xem xét lại hiệu quả đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Hiện nay, tình trạng phân bổ vốn dàn trải vẫn còn, nhiều dự án bố trí vốn thấp, kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến chậm phát huy hiệu quả đầu tư. Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ và giải pháp gì để khắc phục".

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Trước đây, việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công chưa hiệu quả dẫn đến đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Các dự án phê duyệt vượt quá khả năng thu xếp vốn, thậm chí gấp 3 lần so với khả năng thu xếp vốn. Đó là thực tế diễn ra trong một thời gian dài. Để khắc phục tình trạng này, Luật Đầu tư công đã được ban hành để giảm đầu tư dàn trải, với quy trình từ chọn lựa đến phê duyệt dự án, nhằm kiểm soát các dự án, tránh dàn trải và nợ đọng xây dựng cơ bản.

"Thực tế trong thời gian thực hiện Luật này, vẫn còn có những dự án không được bố trí vốn tập trung do nhu cầu phát triển từng ngành, từng địa phương trong từng năm và 5 năm rất lớn nhưng khả năng bố trí vốn lại thấp hơn. Do vậy, việc bố trí phân bổ giữa các bộ ngành và địa phương còn chưa tập trung", Bộ trưởng cho hay.

Về giải pháp khắc phục, Bộ trưởng Dũng cho biết: Sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các chủ trương, định hướng về tái cơ cấu đầu tư công. Các ngành phải thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về đầu tư công, triển khai đồng bộ các quy định này, hoàn thiện các tiêu chuẩn, định mức về xây dựng. Hiện còn một số tiêu chuẩn ngành chưa được xây dựng nên có thực trạng tổng mức đầu tư chưa sát thực tế, dẫn đến hiệu quả thấp.

"Tiếp theo, cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; tăng cường kiểm toán, kiểm tra, thanh tra tất cả các khâu để đảm bảo các quyết định lựa chọn đầu tư cũng như bố trí vốn phù hợp tình hình thực tế cũng như khả năng thu xếp vốn", Bộ trưởng cho biết thêm.

Đại biểu Phạm Đình Cúc đặt câu hỏi về việc giao vốn hằng năm còn chậm. Về vấn đề này, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư cho biết: Việc giao vốn hằng năm và 5 năm đã được quy định rõ trong Luật Đầu tư công với thủ tục phức tạp hơn. Việc thực hiện các thủ tục mới này tại các bộ ngành, địa phương còn lúng túng. Việc hướng dẫn của các bộ ngành trong đó có Bộ Kế hoạch - Đầu tư còn chậm, vẫn còn có những cách hiểu khác nhau.

"Từ thực tế khả năng thu xếp vốn mất cân đối như vậy nên dẫn đến việc co kéo, điều chỉnh các phương án khác nhau, tiến độ giao vốn bị chậm hơn. Từ đó ảnh hưởng một phần đến giải ngân chậm. Với trách nhiệm của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tôi xin nhận chưa cương quyết, còn nể nang, chưa yêu cầu các Bộ ngành địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Đầu tư công cũng như các Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ; chưa thực sự nghiêm túc, còn nể nang chia sẻ khó khăn của các địa phương, bộ ngành nhiều hơn. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm đó và xin hứa với Quốc hội sẽ thực hiện nghiêm túc Luật Đầu tư công".

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) về những giải pháp hạn chế bất cập của nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI cũng như giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng Dũng cho biết: Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đã thực hiện được 30 năm. Vốn FDI đóng góp rất nhiều về vốn đầu tư, công nghệ, thị trường, lao động, đóng góp ngân sách… thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân chất vấn thành viên Chính phủ. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mục tiêu chúng ta đặt ra chưa đạt được. Một số dự án thu hút chưa phải công nghệ cao, vẫn còn tình trạng chuyển giá, một số dự án công nghiệp nặng về gia công, sử dụng nhiều lao động, nguyên vật liệu, gây ô nhiễm môi trường…

"Đó là những hạn chế của vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, không vì những hạn chế này mà chúng ta không tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài. Trong tất cả nguồn vốn đầu tư xã hội, do đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn khó khăn nên vẫn phải dựa vào đầu tư của nước ngoài, tư nhân và toàn xã hội. Chính sách của chúng ta vẫn thu hút đầu tư nhưng hướng đến ngành công nghệ cao, thân thiện môi trường, ít sử dụng tài nguyên, năng lượng, không tập trung vào gia công và có chính sách chống chuyển giá", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Phần trả lời của Bộ trưởng đã phải tạm dừng do thời gian làm việc của Quốc hội đã hết. Sáng mai 15/6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư về những vấn đề thuộc trách nhiệm của ngành.

Hoàng Dương/Báo Tin Tức
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Trục lợi bảo hiểm từ cả cơ quan y tế và người dân
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Trục lợi bảo hiểm từ cả cơ quan y tế và người dân

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chiều nay (14/6), nhiều đại biểu chất vấn về việc trục lợi bảo hiểm y tế diễn ra ở một số địa phương trong thời gian qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN