Bố trí kinh phí triển khai phiên tòa trực tuyến

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký văn bản 792/TTg-KTTH ngày 11/9/2023 trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Phong, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, tại Kỳ họp Quốc hội thứ 5, Quốc hội khóa XV về việc thời gian gần đây có nhiều cách hiểu khác nhau trong việc áp dụng quy định tại khoản 9 Điều 9 Luật Ngân sách Nhà nước 2015 dẫn đến tình trạng một số địa phương không bố trí kinh phí hỗ trợ hoạt động của Tòa án.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu kiến nghị Phó Thủ tướng có chỉ đạo hướng dẫn áp dụng thống nhất quy định trên nhằm sớm tháo gỡ vướng mắc, kịp thời bố trí ngân sách hỗ trợ cho hoạt động của các Tòa án địa phương, đặc biệt là trong công tác xét xử trực tuyến về hệ thống đường truyền internet, trang thiết bị tại các điểm cầu đạt chuẩn theo quy định.

Đối với vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái có ý kiến: Về triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành các văn bản hướng dẫn như Quyết định số 512A/QĐ-TANDTC ngày 19/11/2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành kế hoạch triển khai thi hành về tổ chức phiên tòa trực tuyến; Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Về bố trí kinh phí triển khai phiên tòa trực tuyến, tại Tờ trình số 231/TTr-CP ngày 16/5/2023 của Chính phủ về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, điều chỉnh, kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương năm 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ đã trình Quốc hội bố trí cho Tòa án nhân dân tối cao 500 tỷ đồng số vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện dự án trang bị cơ sở vật chất tổ chức triển khai phiên tòa trực tuyến.

Tại Nghị quyết số 93/2023/QH15 ngày 22/6/2023, Quốc hội đồng ý phân bổ 25.995,167 tỷ đồng số vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, trong đó Tòa án nhân dân tối cao được bố trí 500 tỷ đồng. Căn cứ Nghị quyết số 93/2023/QH15 ngày 22/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025, trong đó Tòa án nhân dân tối cao được bố trí 500 tỷ đồng để thực hiện trang bị cơ sở vật chất tổ chức triển khai phiên tòa trực tuyến.

Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự toán chi thường xuyên hàng năm của Tòa án nhân dân tối cao cũng đã bố trí kinh phí đảm bảo hoạt động công nghệ thông tin. Cụ thể: Năm 2021 bố trí 48,6 tỷ đồng để triển khai Dự án xây dựng trung tâm dữ liệu và phòng giám sát an ninh mạng; năm 2022 bố trí 60 tỷ đồng để triển khai thực hiện Tòa án điện tử.

Đối với năm 2023, Bộ Tài chính đã có văn bản số 6521/BTC-HCSN ngày 23/6/2023 trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự toán năm 2023 cho Tòa án nhân dân tối cao là 30 tỷ đồng và ủy quyền cho Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

Trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 5627/VPCP-KTTH ngày 25/7/2023: "Yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì, tổng hợp chung đề nghị bổ sung dự toán năm 2023 của các bộ, cơ quan, địa phương từ nguồn ngân sách Trung ương chưa phân bổ năm 2023, rà soát, báo cáo đề xuất Chính phủ cho ý kiến trước ngày 15/8/2023 trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo đúng quy định tại Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội, Quyết định số 1506/QĐ-TTg ngày 2/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm đúng quy định pháp luật, đúng thẩm quyền". Hiện nay Bộ Tài chính đang khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng.

Về việc hỗ trợ nguồn ngân sách của chính quyền địa phương cho hoạt động của Tòa án nhân dân, việc xác định nội dung hỗ trợ và mức hỗ trợ thuộc thẩm quyền của HĐND địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước. Tòa án nhân dân tối cao đã có Công văn số 53/TANDTC-TH ngày 17/3/2022 gửi Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đôn đốc triển khai, tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến; trong đó yêu cầu các đơn vị chủ động liên hệ với chính quyền địa phương để được hỗ trợ, tạo điều kiện về nguồn lực, cơ sở vật chất nhằm tổ chức kịp thời, hiệu quả các phiên tòa trực tuyến. Đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan (cơ quan Công an, Cơ sở giam giữ, Trung tâm trợ giúp pháp lý...) yêu cầu các đơn vị này bảo đảm cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến.

TTXVN/Báo Tin tức
Thiếu trang thiết bị phục vụ tổ chức phiên tòa trực tuyến
Thiếu trang thiết bị phục vụ tổ chức phiên tòa trực tuyến

Để bảo đảm hoạt động xét xử trực tuyến chuyên nghiệp, thực sự mang lại lợi ích cho tòa án và xã hội, Tòa án nhân dân Tối cao đang đề nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội sớm có ý kiến để Chính phủ cấp kinh phí để thực hiện dự án trang bị cơ sở vật chất tổ chức triển khai phiên toà trực tuyến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN