Bộ máy hành chính Bộ GTVT tăng, không sai quy định

Chiều 2/3, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với Bộ Giao thông vận tải về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Bộ máy tăng…

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, tính đến tháng 2/2017, cơ cấu tổ chức của Bộ có 22 cơ quan hành chính (gồm 12 vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, 1 tổng cục, 7 cục) và 27 đơn vị sự nghiệp. So với nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII (2011-2016), cơ cấu tổ chức của Bộ tăng 2 cơ quan hành chính và 6 đơn vị sự nghiệp.

Việc cải cách tổ chức bộ máy, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ được sắp xếp tinh gọn, loại bỏ tầng nấc trung gian, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nhằm thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về giao thông vận tải, tổ chức cung ứng dịch vụ công và đại diện chủ sở hữu đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, thực hiện chủ trương xây dựng Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, Bộ Giao thông vận tải đã, đang và tiếp tục chủ động sắp xếp lại cơ cấu bên trong Bộ một cách khoa học, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới để có thể phát huy những ưu thế của bộ đa ngành.

Bộ đã chủ động sắp xếp lại tổ chức, biên chế để thực hiện các mảng nhiệm vụ mới phát sinh trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả biên chế... Giai đoạn 2015-2016, Bộ đã giảm được 60 chỉ tiêu biên chế khối hành chính so với năm 2015; thẩm định, phê duyệt danh sách và kinh phí để tinh giản 19 công chức. Đồng thời, giảm 838 chỉ tiêu khối sự nghiệp so với số người được giao năm 2015; thẩm định, phê duyệt danh sách và kinh phí để tinh giản 69 người làm việc trong đơn vị sự nghiệp.

Ý kiến đoàn giám sát cho rằng, theo quy định, Bộ Giao thông vận tải chỉ có 5 đơn vị sự nghiệp trực thuộc phục vụ chức năng quản lý nhà nước. Tuy nhiên, từ tháng 7/2011 đến nay, Bộ có tới 27 đơn vị. Bộ cho rằng, Ban quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư là đơn vị do Bộ trưởng quyết định thành lập tháng 8/2012, được xác định là một cơ quan hành chính tương đương cấp Vụ, song điều này không được quy định trong Nghị định 107/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ.

Đoàn giám sát đề nghị Bộ làm rõ “sự vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước” này cũng như việc tăng đáng kể số lượng các đơn vị thuộc Bộ tác động đến tình hình biên chế và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ. Làm rõ việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước với cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhìn nhận báo cáo của Bộ không nêu rõ kết quả đạt được trong thực hiện chủ trương tinh giản biên chế đã đáp ứng yêu cầu chưa, gắn với tinh giản bộ máy hành chính như thế nào, báo cáo đánh giá chưa đúng trọng tâm yêu cầu.

Đưa ra số lượng phòng trong các đơn vị sự nghiệp tăng nhanh chóng, năm 2011 có 80 phòng nhưng đến hết năm 2016 đã tăng lên 201 phòng, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Bùi Thị Thanh đề nghị Bộ làm rõ căn cứ quy định, chức năng nhiệm vụ để tăng số phòng. Còn Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Hận băn khoăn việc tăng thêm các đơn vị thuộc Bộ có tính đến việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế?

… do sắp xếp tổ chức

Lý giải cho việc tăng 2 cơ quan hành chính và 6 đơn vị sự nghiệp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công cho biết, thực chất của việc tăng số lượng các tổ chức này là do sắp xếp lại các tổ chức hiện có, chuyển một số đơn vị từ các Cục về trực thuộc Bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao (như quản lý các doanh nghiệp trực thuộc Bộ, doanh nghiệp có vốn góp của Bộ, thay mặt Bộ quản lý các dự án do Bộ đầu tư..).

“Tăng thêm 2 cơ quan quản lý hành chính nhưng về biên chế không hề tăng, chỉ căn cứ vào biên chế Bộ Nội vụ cho phép, sau đó xem xét năng lực của từng cán bộ để điều tiết anh em làm việc phù hợp với năng lực”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nói.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, việc tăng 6 đơn vị sự nghiệp là các ban quản lý dự án, Bộ không thành lập thêm, mà các ban này thuộc các Cục, Tổng cục được chuyển nguyên trạng về Bộ nên cũng không làm tăng biên chế của Bộ. Bộ Giao thông vận tải cũng đã xây dựng đề án tinh giản biên chế và thực tế biên chế giờ đã giảm so với vài năm trước đây.

Trước ý kiến của Đoàn giám sát về tỷ lệ số lãnh đạo/chuyên viên của Bộ khá cao, như Vụ Pháp chế 6/12, Cục đường sắt 30/72, Thanh tra 20/18, Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông 41/31, Cục Quản lý xây dựng đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam 28/15…, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công lý giải nhìn tổng có vẻ cao, nhưng nhìn vào từng vụ thì không phải vậy, không có gì sai so với quy định.

Cũng tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số Trung tâm Đăng kiểm. Đoàn giám sát nhận định so với cuối năm 2011, thời điểm cuối năm 2016 mặc dù đã có 51 doanh nghiệp đăng kiểm được thành lập nhưng số trung tâm đăng kiểm “của Nhà nước” chưa giảm nhiều, vẫn còn 55 trung tâm so với 79 trung tâm năm 2011, chiếm gần một nửa tổng số trung tâm đăng kiểm.


Chu Thanh Vân (TTXVN)
Đoàn giám sát Quốc hội kiểm tra an toàn thực phẩm tại Hải Dương
Đoàn giám sát Quốc hội kiểm tra an toàn thực phẩm tại Hải Dương

Ngày 30/12, Đoàn giám sát của Quốc hội đã kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm tại Hải Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN